Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Trung tâm Sao Mai tổ chức thành công hội thảo giáo dục đặc biệt và chăm sóc cộng đồng đối với người khuyết tật

Ngày 23/11/, TTSM tổ chức hội thảo giáo dục đặc biệt và chăm sóc cộng đồng đối với người khuyết tật. Tham dự hội thảo có Giáo sư Manabu Kuroda (đại học Ritsumeikan); Giáo sư, bác sĩ SachikoTakebu (trường cao đẳng phụ nữ Iida);phó giáo sư Yutaka Konishi (đại học quốc gia Gifu); NCS Minoru Nomura ( Đại học Risumeikan); lãnh đạo Trung tâm Sao Mai, các đơn vị bạn cùng đông đảo phụ huynh học sinh.

 Các em học sinh khuyết tật của TTSM biểu diễn văn nghệ chào mừng Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Manabu KURODA – Giáo sư Chăm sóc cộng đồng cho trẻ Khuyết tật trí tuệ, Khoa Khoa học xã hội - Đại học Ritsumeikan – Kyoto, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung hội thảo được tổ chức lần này tại TTSM và coi đây như là sự xuất phát điểm cho các Trung tâm khác. Ông cùng các đồng nghiệp có mặt tại TTSM trong chương trình hội thảo này không chỉ thể hiện sự tin tưởng, hợp tác chặt chẽ với TTSM trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục đối với người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật trí tuệ- tự kỷ nói riêng mà còn thể  hiện mối quan hệ ngoại giao gắn bó của hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Tại Hội thảo, BS Đỗ Thúy Lan, GĐ TTSM cũng đã giới thiệu mô hình hoạt động của TTSM đến các giáo sư Nhật bản và các khách mời tham dự Hội thảo. TTSM thành lập năm 1995, là đơn vị đầu tiên ở Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, phát hiện sớm, can thiệp sớm cho TTSM ra đời giúp cộng đồng biết đến trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỉ. Mục đích của TT là giúp trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỷ được phát triển tối đa các kỹ năng, khả năng nhận thức và hòa nhập xã hội. Từ năm 2010,TTSM hoạt động theo mô hình DNXH, 100% lợi nhuận tái đầu tư phục vụ lợi ích của học sinh. Các loại hình dịch vụ, phương pháp và hình thức can thiệp của TT có nhiều điểm ưu việt, hiện đại nên được rất nhiều đơn vị bạn quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.

21 năm xây dựng, phát triển và tích lũy kinh nghiệm, TTSM đã  trở thành địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực chăm sóc, phát hiện sớm, can thiệp sớm cho khuyết tật trí tuệ-tự kỷ để cho các phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình, các đơn vị, chuyên gia trong lĩnh vực này ở trong và ngoài nước đến học tập và trao đổi.

Đặc biệt, TTSM đã có những tác động xã hội nhất định, đó là đã góp phần thay đổi nhận thức cho cộng đồng về khả năng của người tự kỷ nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng, gián tiếp tác động lên ngành y tế và giáo dục quan tâm đến việc phát hiện và đào tạo giáo viên chuyên ngành. TTSM đã tham gia vận động chính sách, đảm bảo quyền được chăm sóc y tế cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ. Hiện nay, BS Đỗ Thúy Lan còn tham gia nhóm nghiên cứu đề án để trình các cơ quan chức năng phê duyệt, tiến tới đưa trẻ tự kỷ vào dạng khuyết tật để hưởng chính sách xã hội như những trẻ tật khác...

Đáng chú ý là tham luận của Giáo sư, bác sĩ Yutaka Konishi về chăm sóc sức khỏe răng miệng đối với trẻ khuyết tật- Mục đích và các phương pháp hỗ trợ”. Trong bài tham luận của mình, bà cũng đã nhấn mạnh lợi ích của việc vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ khuyết tật. Đó là giúp phòng ngừa bệnh răng miệng, kiểm soát được lượng vi khuẩn trong răng miệng, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm tới các cơ quan hô hấp, tiết nước bọt giúp tăng cảm giác thèm ăn, trẻ trở nên vui vẻ và tính giao tiếp xã hội tốt hơn...Các phụ huynh, giáo viên có vai trò rất quan trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ khuyết tật ở nhà và ở trường học. Vai trò của gia đình là phải kiểm tra tình trạng của trẻ ở trường và ở nhà. Vai trò của nhà trường là hỗ trợ trẻ sinh hoạt độc lập, hỗ trợ mở rộng. Để trẻ cố gắng đánh răng và súc miệng thì nhân viên chăm sóc và gia đình cần khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn trẻ thực hiện đúng cách, liên tục hàng ngày trên tinh thần tôn trọng cá tính của trẻ. Việc chăm sóc răng miệng tốt cho trẻ ngay từ lúc còn nhỏ còn giúp cho thể trạng của trẻ được tốt lên, tự tin trong giao tiếp... Tham luận này được các đại biểu tham dự hội thảo hết sức quan tâm. Vì vậy, đã có rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ khuyết tật đã được các phụ huynh, các giáo viên gửi đến giáo sư để được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.

Các tham luận khác cũng rất thu hút sự quan tâm của đại biểu, đó là tham luận “ Kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu so sánh về nhu cầu giáo dục đặc biệt và giáo dục hòa nhập” của Giáo sư Manabu Kuroda (Đại học Ritsumeikan). Chủ đề nghiên cứu của ông là chăm sóc cộng đồng và hỗ trợ cho trẻ khuyết tật trí tuệ; nghiên cứu so sánh nhu cầu giáo dục đặc biệt và phát triển xã hội ở các nước châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Á giai đoạn 2011-2015; hỗ trợ xã hội cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam từ năm 1994. Mục đích là làm rõ các xu hướng và thách thức của giáo dục và phát triển xã hội; phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế, việc làm, hòa nhập xã hội đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, đặc biệt là trẻ khuyết tật trí tuệ.

Tham luận của NCS Minoru NOMURA về “Phương tiện đi lại đối với người khuyết tật và vai trò của vận chuyển công cộng và cá nhân ở Nhật Bản” đã mang đến cho đại biểu những thông tin hữu ích về mô hình giao thông cho người khuyết tật ở Nhật Bản. Một xã hội không rào cản, luôn quan tâm đến người khuyết tật. Từ thông điệp của tác giả, các đại biểu có thể nhận ra rằng, để tạo ra một xã hội mà ở đó tất cả mọi người đều có thể di chuyển đến mọi nơi thì cần có hỗ trợ của chính phủ và sự tham gia,  phối hợp của các tổ chức xã hội – cá nhân.

“Thực trạng và các vấn đề về việc làm đối với người khuyết tật ở Nhật Bản” của Phó Giáo sư Yutaka Konnishi đã khái quát thực trạng cuộc sống, việc làm của người khuyết tật tại Nhật Bản. Sự thay đổi về việc làm của người khuyết tật cũng như hệ thống tuyển dụng người khuyết tật. Những chính sách pháp luật trong tuyển dụng lao động của của Nhật Bản và một số nước trên thế giới.Những ưu điểm và hạn chế trong chính sách tuyển dụng lao động của Nhật Bản. Trước đây, chính sách tuyển dụng lao động mang tính phúc lợi của Nhật bản còn những hạn chế, đó là những người khuyết tật được cho là không thích hợp để được tuyển làm việc do không được coi là người lao động, nghĩa là được cho là có năng suất lao động thấp đã bị để ngoài đối tượng trong mối quan hệ pháp luật lao động và tuyển dụng tại các doanh nghiệp. Người khuyết tật chỉ tìm được những việc làm đơn giản, không được áp dụng lương tối thiểu, doanh nghiệp tuyển dụng được chính phủ hỗ trợ tiền nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này trong tuyển dụng lao động khuyết tật để nhận tiền. Từ khi chuyển sang chính sách tuyển dụng bình thường theo Luật hỗ trợ toàn diện của người khuyết tật hiện nay thì số người được tuyển dụng việc làm tăng lên, người khuyết tật có cơ hội phát triển và hòa nhập, tạo cơ hội cho người khuyết tật tham gia vào lao động – sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, cũng như phát triển những điểm mạnh của bản thân người khuyết tật.

Đặc biệt, chương trình hội thảo còn có tham luận của bà Nguyễn Thị Thu Ngân, trưởng phòng giáo vụ TTSM về “Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM) dành cho trẻ tự kỷ tại TTSM- tính hiệu quả và hướng phát triển”. Đây là phương pháp mới can thiệp mới tại TTSM, kết hợp giữa giáo trình và các hướng dẫn thực hành giảng dạy cụ thể dựa trên nền tảng phát triển của đứa trẻ, một cách bài bản và chuyên nghiệp, có nhiều điểm ưu việt dẫn đến hiệu quả cao trong can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỉ. Phương pháp này được đào tạo và cấp bằng của chuyên gia nước ngoài. Mô hình ESDM được TTSM áp dụng từ đầu năm 2016  và đã can thiệp cho 22 trẻ. Trẻ được can thiệp nhiều nhất tại TTSM mới được 9 tháng. Tuy thời gian học ngắn nhưng đến nay đã có 4 trẻ ra học hòa nhập. Chương trình bước đầu đã có những thành công. TT đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ cũng như những lời cảm ơn từ bố mẹ, ông bà của trẻ.

Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá thì tất cả các trẻ theo học mô hình này đều tiến bộ ở hầu hết các kỹ năng, đặc biệt là giao tiếp, độ tương tác chú ý của trẻ. Thể hiện sự ưu việt của phương pháp ESDM so với các phương pháp khác. Mọi kỹ năng đều có thể trở thành mục tiêu trong xây dựng chương trình giáo dục cá nhân cho trẻ; xây dựng trên một mối quan hệ tích cực, tự nhiên; các công cụ giảng dạy phân tích hành vi ứng dụng; có sự tham gia tích cực của phụ huynh vào các trò chơi của các con; dạy trẻ bất cứ thời gian nào trong ngày. Với mục tiêu mang trẻ trở lại môi trường xã hội, dạy trẻ xây dựng nền tảng xã hội (như bắt chước, thể hiện xúc cảm, giao tiếp,chia sẻ, chơi..). Sau khi áp dụng phương pháp đánh giá thấy tuổi khôn và tuổi đời thực của trẻ có sự tương đồng nên khi ra học hòa nhập trẻ ít gặp các khó khăn về thích ứng môi trường hòa nhập.

Mô hình ESDM là mô hình can thiệp sớm toàn diện đã được chuyển giao và điều chỉnh để nó phù hợp với trẻ mắc chứng Tự kỉ có độ tuổi của trẻ từ 9 tháng – 60 tháng. Hướng phát triển của TTSM sắp tới là can thiệp tối đa cho 25 trẻ trong cùng một thời điểm, đảm bảo 100% trẻ có sự tiến bộ rõ rệt ở các kỹ năng. TTSM  sẽ tập huấn cho phụ huynh có con theo học chương trình ESDM về cách thức chơi và dạy trẻ ở nhà. TT cũng sẵn sàng chia sẻ những thành công, kinh nghiệm đối với các đơn vị bạn nếu có nhu cầu. Hiện TTSM đã có 7 giáo viên được đào tạo và được cấp chứng chỉ chương trình ESDM. Trong năm 2017, TT sẽ đào tạo thêm 4 giáo viên theo chương trình ESDM.

Những bài tham luận tại Hội thảo có giá trị thực tiễn cao, với nhiều thông tin bổ ích, được đông đảo khách mời quan  tâm và chia sẻ ý kiến đã góp nên thành công tốt đẹp của buổi Hội thảo. Kết thúc Hội thảo, Bác sĩ Đỗ Thúy Lan- GĐ TTSM gửi lời cảm ơn chân thành tới đoàn giáo sư Nhật Bản, các vị đại biểu tham dự Hội thảo.

 

P.V


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT