Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim

Tâm huyết của một cô giáo dạy trẻ tự kỷ

Dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy trẻ tự kỷ thì nỗi vất vả, khó khăn hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng 16 năm qua, chị Trần Hồng Lê (Định Công, Hoàng Mai, HN) đã vượt qua mọi khó khăn, kỳ thị để gắn bó với trẻ tự kỷ. Sự hy sinh thầm lặng của chị đã giúp cho biết bao em nhỏ tự kỷ có cơ hội hòa nhập cuộc sống.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên từ bé chị đã rất thích làm cô giáo. Học hết phổ thông chị thi đỗ vào trường CĐ mẫu giáo T.Ư. Ra trường năm 1999, lận đận xin việc một vài trường mầm non tại Hà Nội dạy trẻ bình thường không được do chị còn nói tiếng địa phương nhiều, chị quyết định đầu quân vào TT Sao Mai dạy trẻ tự kỷ.

Chị gắn bó với TT Sao Mai từ những năm đầu mới đi vào hoạt động. Khi đó, có sở vật chất thiếu thốn, tuềnh toàng, học sinh thì các loại tật, các loại tuổi học chung một lớp chưa có điều kiện được phân loại, phân lớp riêng biệt khoa học như bây giờ. Thời đó, mọi người cũng có cái nhìn kỳ thị về trẻ tự kỷ và những giáo viên dạy trẻ tự kỷ như chị bởi họ nghĩ trẻ tự kỷ là một loại điên khùng. Vì thế, thời kỳ đầu đi dạy ở TT Sao Mai chị phải giấu kín bạn bè, người yêu về công việc của mình, nơi mình làm việc bởi chị sợ họ biết sẽ có thái độ kỳ thị với mình. Không chỉ riêng chị, mà các cô chưa chồng ở đây cũng đều giấu người yêu của mình, không dám cho người yêu đến nơi mình dạy để mục sở thị. Kể cả hàng xóm xung quanh cũng nhìn các cô và trò của TT Sao Mai bằng con mắt khinh thường, các cô chào hỏi họ còn không thèm trả lời. Thậm chí, khi chị lấy chồng, mẹ chồng chị cũng không đồng ý cho con trai lấy một giáo viên dạy trẻ tự kỷ vì bà sợ sau này chị sinh con ra cũng bị ảnh hưởng những chứng bệnh ấy. Rất may, chồng chị cùng làm giáo viên nên anh cũng hiểu biết và thông cảm cho nghề của chị, giúp chị vượt qua rào cản ấy. Khi chị sinh con trai đầu lòng rồi con gái thứ 2, cả hai đều khỏe mạnh thì mẹ chồng chị mới thở phảo nhẹ nhõm, xóa tan mọi lo âu trong lòng bà bấy lâu. Suy nghĩ của mẹ chồng chị Lê cũng là suy nghĩ của rất nhiều người thời đó, bởi họ rất mơ hồ về chứng bệnh tự kỷ, họ nghĩ tự kỷ là bệnh lây nhiễm...Bây giờ khoa học phát triển, thông tin dễ tiếp cận nên mọi người hiểu đúng về chứng bệnh tự kỷ hơn, cộng đồng xã hội cũng đã có sự cảm thông, chia sẻ. Vì thế mà bây giờ các cô giáo dạy trẻ tự kỷ như chị Lê mới dám công khai, tự hào về nghề cao quý của mình như bao thầy cô giáo khác.

Trong 16 năm đồng hành với trẻ tự kỷ, chị gặp phải rất nhiều rào cản, khó khăn nhưng bằng tình thương và sự tận tâm với trẻ tự kỷ giúp chị Lê đã vượt qua tất cả. Chị tâm sự: Dạy trẻ tự kỷ, đặc biệt là trẻ tự kỷ nặng nhiều năm nay nên cũng quen với nỗi vất vả, giờ muốn chuyển sang lớp tự kỷ nhẹ hay chuyển sang dạy trẻ bình thường chị cũng không muốn. Trẻ tự kỷ nhận thức kém nhưng chúng sống tình cảm, đứa ôm vai, bá cổ, đứa sà vào lòng rất gần gũi, đáng yêu. Và điều mà khiến chị gắn bó mãi nơi này bởi TT Sao Mai là một môi trường tốt, chị thường xuyên được TT Sao Mai cho đi tập huấn, học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Nơi đây còn có một tập thể cán bộ, giáo viên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn. Thu nhập hàng tháng của chị so với mặt bằng chung ở Thủ đô thì cũng vào dạng khá. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên của TT Sao Mai cũng rất tốt. Nnhư chế độ lễ,tết, BHYT, BHXH được áp dụng như công nhân viên chức Nhà nước. Tập thể lãnh đạo ở TT Sao Mai luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ, giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Đặc biệt, BS Đỗ Thúy Lan, GĐ TT là người có tấm lòng nhân ái, luôn sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, giáo viên những lúc khó khăn để giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Vốn là một giáo viên ở quê lên Hà Nội lập nghiệp rất khó khăn, nên lúc chị Lê lập gia đình, mua đất làm nhà thiếu thốn, chị đã được BS Đỗ Thúy Lan lấy tiền túi ra cho chị vay để lo liệu công việc, an cư lạc nghiệp. Những tình cảm thân tình, gần gũi ấy khiến chị không bao giờ muốn rời xa TT Sao Mai, nguyện gắn bó với trẻ tự kỷ của TT Sao Mai cho đến lúc về hưu. 

Học trò của chị là những trẻ tự kỷ nặng, mỗi em mang một dạng chứng tự kỷ khác nhau. Em thì thu mình vào một thế giới riêng, em thì la hét, đập phá, em lúc lên cơn thì cào cấu, gào khóc, rồi lao ra ngoài trong vô thức, em thì bị tăng động thích đập đầu vào tường… Mỗi trẻ một chứng, chị thường phải quan sát, ghi chép hành vi để theo dõi và có cách can thiệp phù hợp. Những lúc trẻ phát sinh hành vi thách thức chị thường nhẹ nhàng, tìm cách chuyển hướng hành vi cho trẻ, rồi ôm trẻ vào lòng vỗ về yêu thương.

Lớp của chị có 8 trẻ, do chị và cô giáo Trần Hằng phụ trách nhưng phần lớn trẻ không tự chủ được bản thân nên công việc hàng ngày của các cô rất vất cả, lúc nào cũng luôn tay luôn chân. Nào là lo vệ sinh, ăn uống, lo trông chừng lúc trẻ lên “cơn bệnh”. Nào dạy cá nhân, mỗi trò mỗi giáo án. Dạy các em không tuân thủ giờ giấc như trẻ bình thường mà phụ thuộc vào chứng bệnh của trẻ. Lúc trẻ phát sinh hành vi thách thức thì cô giáo phải lựa và can thiệp cho trẻ cắt cơn, sau đó mới học. Chương trình học của các con chủ yếu là chào hỏi, dạy nói, dạy bật âm, phục hồi chức năng, dạy theo kiểu chơi mà học học mà chơi với các kỹ năng vận động thô, tinh, tự lập, tương tác...Ngoài ra, các cô còn tự mày mò sáng tạo các đồ chơi giúp trẻ cảm nhận được các giác quan như lọ gạo nhuộm sắc màu để trẻ sờ nắm, xát lên người để tạo cảm giác, tranh ảnh màu sắc để kích thích giác quan nhìn hay những lọ sỏi lúc lắc để tạo giác quan nghe...

Chị bảo, từ ngày đi dạy trẻ tự kỷ, chị chưa được một giấc ngủ trưa. Có hôm vừa chợp mắt thì có em thức dậy bỗng dưng trẻ la hét, gào khóc om sòm, cô phải bật dậy để dỗ trò. Thậm chí, có cháu phát không kiểm soát được hành vi chạy đến cào cấu đến thâm tím cả tay chân nhưng chị vẫn vui vẻ, cảm thông với trẻ. 16 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, chị luôn nỗ lực, tâm huyết với công việc. Ngày ngày chị không quản khó khăn, tận tâm, tận tụy, hết lòng thương yêu học trò của mình, để bù đắp cho trẻ phần nào thiệt thòi của số phận.

Là một giáo viên lâu năm nhưng chị chưa một lần được chính học trò của mình tặng cô bó hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như những trẻ ở trường lớp bình thường nhưng chị chưa bao giờ thấy buồn lòng. Ngược lại, chị rất cảm thông và càng thấy thương những “học trò đặc biệt” của mình hơn.

Niềm vui lớn nhất của chị là khi nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ sau một thời gian nỗ lực của cả cô và trò. Đó là giúp được một đứa trẻ từ không biết nói đã biết bật được những âm a, âm ô đầu tiên hay giúp một em bé từ chưa gì về thế giới xung quanh đến khi biết nhận biết màu sắc, âm thanh của cuộc sống, biết tự chủ khi đi vệ sinh, có tiến bộ về hành vi, nhận thức…

                                                                                                                                         Đài Thanh


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT