Sao Mai tham gia Hội thảo chính sách giáo dục về hòa nhập:thực tiễn và sự thúc đẩy ở Việt Nam
Sao Mai là một đơn vị xây dựng và thực hiện chính sách quyền trẻ em từ rất sớm. Với vị thế là một cơ sở chuyên biệt, tiền hòa nhập có quy mô, hiệu quả và có những tác động xã hội nhất định, Trung tâm Sao Mai đã đóng góp bài tham luận trong kỷ yếu quốc gia về chính sách giáo dục về hòa nhập: thực tiễn và sự thúc đẩy ở Việt Nam. Những bài tham luận hay trong kỷ yếu cũng đã được chia sẻ tại Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Chính sách về Giáo dục hòa nhập: Thực tiễn và sự thúc đẩy ở Việt Nam” vào ngày 15/3/2018 tại Hà Nội, do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tổ chức CBM phối hợp tổ chức.
Hội thảo “Chính sách về Giáo dục hòa nhập: Thực tiễn và sự thúc đẩy ở Việt Nam” nhằm hướng đến các mục đích: Tạo diễn đàn trao đổi về chính sách về giáo dục hòa nhập giữa các bên liên quan như Bộ, Sở, ban ngành bao gồm Bộ GD&ĐT, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, các hội và hiệp hội quốc gia, địa phương, các câu lạc bộ của người khuyết tật, hội cha mẹ người khuyết tật; các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước; các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập địa phương;cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường;
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về cách tiếp cận trong xây dựng chính sách về giáo dục hòa nhập hiện hành, hiệu quả và thách thức của những chính sách này trong thực tiễn ở các nhà trường, cộng đồng, gia đình người khuyết tật, chính quyền địa phương và những cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan khác. Đồng thời rút ra được các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các chính sách về giáo dục hòa nhập hiện hành và đưa ra các giải pháp để các chính sách này có hiệu quả, hiệu lực hơn trong thực tiễn ở các vùng miền, địa phương của Việt Nam. Bên cạnh đó, khuyến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo để bổ sung, tăng cường và xây dựng các chính sách về Giáo dục hòa nhập trong thời gian tới.
Việt Nam không chỉ thực hiện được phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở - mà đặc biệt là các nhóm đối tượng thiệt thòi, nhóm trẻ em và người học có nhu cầu đặc biệt, người học khuyết tật đã được tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp bậc học, ngành học. Giáo dục trẻ khuyết tật không còn là vấn đề nhân đạo mà đã chuyển sang tiếp cận Quyền của người khuyết tật. Việc trẻ em, người khuyết tật theo học ở trường mầm non, trường phổ thông hòa nhập đã trở thành một thực tế phổ biến.
Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc năm 1989 và luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Việt Nam năm 2001, năm 2010 luật người khuyết tật ra đời đều có những ý tưởng chung: tất cả các trẻ em đều có quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, tôn trọng, giáo dục, vui chơi và phát triển như nhau. Như vậy, trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ cũng như những trẻ em khác đều xứng đáng được hưởng những quyền lợi đó.
Và chính sách quyền trẻ em này đã được Sao Mai xây dựng và thực hiện từ rất sớm. Sao Mai là đơn vị đầu tiên đi tiên phong trong việc tư vấn và tổ chức dịch vụ phát hiện sớm - can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỷ, đã trải qua chặng đường 23 năm hoạt động và tích lũy kinh nghiệm. Bằng sự nghiên cứu học hỏi từ các mô hình của nước ngoài ngay từ khi thành lập, đặc biệt từ năm 2006 đến nay, Sao Mai thường xuyên nhận được sự giúp đỡ và đào tạo chuyên môn sâu của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt của nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Úc, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Nhật, … Trung tâm đã xây dựng được nội dung, chương trình can thiệp cá nhân hóa, linh hoạt ứng dụng được các phương pháp giảng dạy chuyên biệt, giúp các em có cơ hội phát triển tối đa các kỹ năng với khả năng cao nhất của mỗi trẻ để có thể hòa nhập xã hội. Song hành với hoạt động phát hiện sớm và can thiệp sớm, Sao Mai đã và đang tiếp tục xuất bản các tài liệu hướng dẫn giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, hội chứng down, bại não…, tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ, hướng dẫn chăm sóc và can thiệp trẻ KTTT, tự kỷ với phụ huynh và cộng đồng. Tất cả giúp trẻ khuyết tật trí tuệ, tử kỷ có cuộc sống tốt đẹp hơn, được hưởng quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập và hòa nhập cuộc sống như bao trẻ em bình thường khác.
Đ.T
Chủ tọa Hội thảo
Các đại biểu tham gia Hội thảo