Nhiều đổi mới trong phương pháp dạy trẻ tự kỷ
Mỗi năm, Trung tâm (TT) Sao Mai tiếp nhận khoảng 200 cháu can thiệp sớm dưới 5 tuổi và chậm phát triển trí tuệ. Các cháu được chia thành 17 lớp, theo tuổi khôn. Trong đó có 2 lớp (từ 10-15 tuổi) dạy tự phục vụ bản thân, dạy tiền văn hoá và tiền học nghề; 3 lớp tự kỷ nặng, còn lại là các lớp can thiệp sớm, tự kỷ nhẹ và chậm phát triển trí tuệ từ 2 - 5 tuổi. Đối với các cháu can thiệp sớm từ 2-3 tuổi các cô dạy kỹ năng sống như tự phục vụ, tự lập, tự đi vệ sinh, tự ăn uống; đối với trẻ tự kỷ từ 6 - 7 tuổi các cô dạy tự mặc quần áo, tự đi dày, đội mũ, giao tiếp. Đối với những cháu gặp khó khăn trong giao tiếp thì được dạy các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ: như điệu bộ, hệ thống tranh biểu tượng về các hoạt động trong ngày của trẻ. Lúc đầu các cháu chưa quen với hệ thống tranh biểu tượng nhưng nay các cháu đã quen dần và ngày càng có nhiều tiến bộ.
Đây là hệ thống tranh biểu tượng rất tiên tiến của nước ngoài, được TT chọn lọc những tranh phù hợp với Việt Nam và áp dụng dạy cho các cháu. Tuỳ từng đối tượng, tuỳ từng hoạt động để phân ra từng tập tranh khác nhau (như hoạt động vòng tròn buổi sáng cho các cháu có khoảng 20 tranh biểu tượng). Đối với trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, kể cả trẻ không có khả năng nói đều được học cách nhận biết thông qua các bức tranh biểu tượng. Cô giáo đưa cho trẻ các tranh biểu tượng (như tranh ăn, ngủ, tắm, đi vệ sinh…) để trẻ nhớ lại những gì diễn ra với mình ở nhà ngày hôm trước rồi chỉ vào tranh. Có trẻ chỉ nhớ được một hoặc hai hoạt động, có trẻ nhớ được nhiều hơn. Theo bà Đỗ Thuý Nga, Phó Giám đốc TT Sao Mai cho biết thì, thông qua học tranh biểu tượng để rèn luyện trí nhớ cho trẻ, có thể hôm nay trẻ chỉ nhớ được hoạt động ăn, nhưng ngày mai, ngày kia trẻ nhớ thêm được các hoạt động khác đã diễn ra trong ngày của mình. Đây là phương pháp dạy rất hiệu quả đối với trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ. Năm nay TT cũng có các phương pháp dạy trẻ khác phong phú và phát triển hơn những năm trước.
Từ khi được sự giúp đỡ của các chuyên gia, thời gian biểu giảng dạy cho các cháu thay đổi rất nhiều. Thời gian biểu dạy cho các cháu ở lớp có đầy đủ các kỹ năng từ giao tiếp đến vận động tinh (phối hợp các giác quan) và thô (tập vận động, PHCN)…để rèn cho trẻ tính năng động, biết được những gì xảy ra ở quá khứ, hiện tại. Thời gian buổi sáng (từ 8h15 đến 8h30) thường cô giáo hướng dẫn các cháu chào hỏi, thông qua đó để khuyến khích cháu nói.
Hệ thống đồ dùng học tập, đồ chơi ở đây cũng được thực hiện theo phương châm riêng cho trẻ chuyên biệt là học mà chơi, chơi mà học chứ không ép trẻ học như ở trường bình thường. Như cho trẻ chơi búp bê để thông qua búp bê trẻ học và nhận biết được các bộ phận của cơ thể hoặc trẻ chơi con gà trống, gà mái bằng nhựa để nhận biết đặc điểm của con gà trống, gà mái… Điều khó khăn khi dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ là phải mất cả tháng trời trẻ mới nhớ được. Những trẻ này không thể nhận biết trên tranh ảnh như trẻ thường mà phải có các mô hình (bằng nhựa hoặc bông) để nhận biết.
Ngoài đồ dùng, đồ chơi do TT mua sẵn, còn có các đồ chơi của các cô giáo tự làm. TT cũng khuyến khích các cô giáo tự làm đồ chơi để phục vụ bài giảng. Thường mỗi tháng cô giáo phải làm một sản phẩm đồ chơi, không yêu cầu vật liệu đắt tiền, góp phần thực hiện phương châm tiết kiệm, hạn chế mua sắm đồ chơi cho TT.
TT cũng đã chuyển đổi cách trang trí lớp học theo chủ điểm cho phù hợp hơn với trẻ. Cách trang trí này được áp dụng theo mô hình các của các trường chuyên biệt của Nhật. Như trang trí theo mùa hoặc chọn những ngày đặc biệt mà trẻ có thể nhận biết được để trang trí như ngày 8/3 (trang trí tranh hoa tặng mẹ), ngày Tết cổ truyền (trang trí tranh phong tục ngày tết)…, và thường 2-3 tháng thay đổi chủ điểm một lần.
Nhờ những hoạt động hiệu quả, uy tín nên TT ngày càng có nhiều tổ chức từ thiện nhân đạo ở nước ngoài, các tình nguyện viên quốc tế quan tâm, giúp đỡ về vật chất chuyên môn. Mỗi năm, TT có hàng chục chuyên gia nước ngoài đến từ các Tổ chức tình nguyện viên quốc tế như: chuyên gia đào tạo kỹ năng giao tiếp, chuyên gia đào tạo về phương pháp dạy trẻ tự kỉ...TT còn có các sinh viên tình nguyện nước ngoài đến tham gia dạy trẻ cùng với các giáo viên của TT, thông qua hoạt động giao lưu giúp các giáo viên của TT mở mang thêm kiến thức, học hỏi thêm nhiều kỹ năng. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài thì các giáo viên của TT Sao Mai tương đối nắm chắc các phương pháp dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Từ cơ sở vật chất, đến đội ngũ cán bộ, giáo viên đến các hoạt động khám, can thiệp, trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ rất hiệu quả, giúp cho việc chăm sóc can thiệp sớm chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ luôn đạt kết quả tốt. Hàng năm số trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ xin TT rất đông và tỉ lệ ra học hòa nhập cũng rất cao, được các cơ quan, ban, ngành chức năng biểu dương và đánh giá cao thành quả của TT. Nhiều năm nay, TT Sao Mai trở thành địa chỉ tin cậy về chăm sóc, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ. Uy tín, chất lượng của TT đang ngày một lan xa.
Nguyễn Đài Thanh