Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

Mong con khuyết tật có thể làm được điều có ích cho mọi người

Có con bị khuyết tật trí tuệ, chị Vũ Thị Nhàn (Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn đau đáu, tìm mọi cơ hội để con được học nghề, để con biết làm việc gì đó. Bạn Nguyễn Thu Thuỷ (con chị Nhàn), là 1 trong 23 học viên vừa được nhận chứng chỉ nghề bánh và pha chế trong khoá đào tạo nghề của "Dự án thí điểm phục hồi chức năng thông qua dạy nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật tại Hà Nội".

Chị Nhàn cho biết, là mẹ có con bị khuyết tật trí tuệ, chị luôn mong con có môi trường giao tiếp, biết được một nghề để con tự tin hơn. "Khi con được học nghề bánh và pha chế ở Trung tâm Sao Mai, con được cải thiện rất nhiều về giao tiếp. Con rất vui vì được giao lưu, kết nối với các thầy cô, bạn bè. Hiện tại, con có thể làm một vài loại bánh cơ bản. Tôi cũng đã đăng ký tham gia lớp học làm bánh bên ngoài để có thể đồng hành làm bánh với con sau này. Bánh con làm ra, tôi không dám mơ có thể sẽ bán được, nhưng con có thể mang tặng bạn bè, người thân, trẻ em hàng xóm. Điều quan trọng nhất là con sẽ thấy mình có một giá trị gì đó, con có thể làm được điều có ích cho mọi người", chị Nhàn chia sẻ.

Mong con khuyết tật trở thành người có giá trị - Ảnh 2.

Từ lớp học nghề, các em đã có những trải nghiệm công việc, nâng cao năng lực xã hội và cảm nhận được giá trị của bản thân mình

Ông Kwon O Seong, giám đốc chi nhánh Angels' Haven Việt Nam, cho biết: Angels' Haven đã thực hiện một số dự án nhằm cải thiện quyền và lợi ích của người khuyết tật tại Việt Nam, trong đó có Dự án thí điểm phục hồi chức năng thông qua dạy nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam. "Người khuyết tật, học sinh khuyết tật gặp rất nhiều kỳ thị. Học sinh khuyết tật nhận được chứng chỉ học nghề đã có thể chứng minh cho mọi người thấy các em hoàn toàn có năng lực nghề nghiệp, hoàn toàn có thể làm được công việc giống như người bình thường. Quan trọng nhất là, các em đã có những trải nghiệm công việc, nâng cao năng lực xã hội và cảm nhận được giá trị của bản thân. Các em đã học được bài học để bắt đầu hoà nhập với xã hội".

Mong con khuyết tật trở thành người có giá trị - Ảnh 3.

Thành quả của các em trong lớp học làm bánh

Chia sẻ về việc thanh thiếu niên khuyết tật được học nghề, bác sĩ Đỗ Thuý Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai cho biết, một trong mục tiêu của dự án là nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và năng lực trong công việc cho thanh niên khuyết tật, hỗ trợ họ tìm được công việc phù hợp. Từ lớp học nghề làm bánh và pha chế như thế này cũng thay đổi nhận thức của các phụ huynh và của cộng đồng.

Mong con khuyết tật trở thành người có giá trị - Ảnh 4.

Bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai, chia sẻ những trăn trở về vấn đề hướng nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật

Mục tiêu quan trọng của dự án, theo bác sĩ Đỗ Thuý Lan, đó là thông qua trường học nghề để phục hồi chức năng tâm lý xã hội, tăng cường nhận thức của các thanh thiếu niên khuyết tật, để các em biết điều chỉnh cảm xúc, điều chỉnh hành vi, cũng như tăng cường khả năng nhận thức xã hội. "Có nhiều bạn tiến bộ qua lớp học nghề này. Các em biết ứng xử với mọi người xung quanh cũng như với bạn bè. Có nhiều em đã chủ động trong giao tiếp. Đây chính là mục tiêu quan trọng của dự án- phục hồi chức năng xã hội cho thanh thiếu niên khuyết tật".

Mong con khuyết tật trở thành người có giá trị - Ảnh 5.

Những học sinh xuất sắc được khen thưởng trong lớp học làm bánh và pha chế

Tuy nhiên, theo bác sĩ Đỗ Thuý Lan, để trẻ khuyết tật tiến bộ và có thể phần nào hoà nhập với xã hội, ngoài trường học, các dự án dành cho người khuyết tật, các thầy cô giáo thì cha mẹ là người đồng hành quan trọng nhất. Tuy nhiên, có không ít bố mẹ, do nhận thức còn hạn chế, lại chính là rào cản để con khó hoà nhập với xã hội. "Nhiều bố mẹ có suy nghĩ rằng, con bị khuyết tật thì sẽ không thể làm được gì. Các cha mẹ không biết rằng, các con có thể làm được nhiều thứ, các con có những khả năng rất đặc biệt. Cũng không ít cha mẹ có tâm lý, đứa con khuyết tật của mình đang 'gánh nợ' cho cả gia đình, dòng họ của mình nên phải chăm sóc, cho con ăn uống đầy đủ mà không cần phải học hành. Đó là những suy nghĩ rất sai lầm. Các cha mẹ hãy hỗ trợ con, đồng hành cùng con, hãy để con đứng trên đôi chân của mình", bác sĩ Đỗ Thuý Lan chia sẻ.

https://phunuvietnam.vn/mong-con-khuyet-tat-co-the-lam-duoc-dieu-co-ich-cho-moi-nguoi-20221228195917477.htm

( Phỏng theo tạp chí Phụ nữ Việt Nam)


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ