Mô hình ESDM nhóm lớp ở Sao Mai
Có thể nói, mô hình ESDM là một mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ rất hiệu quả tại Sao Mai, hướng đến đa môi trường. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình theo nhóm lớp, mô hình can thiệp ESDM ngày càng đi vào hoàn thiện hơn vì đã đủ hình thức can thiệp cá nhân và nhóm lớp. Hiện Trung tâm đã đầu tư mua giáo trình ở nước ngoài về dịch làm tài liệu giảng dạy như giáo trình trị liệu cá nhân, giáo trình nhóm lớp và cuối cùng là sự kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để dạy trẻ tại gia đình giúp trẻ đạt được sự tiến bộ nhanh nhất có thể.
Hiện Trung tâm Sao Mai có 2 lớp can thiệp theo mô hình ESDM 1 và Denver 2. Mỗi lớp có 9-10 trẻ. Qua kết quả tổng kết đánh giá khách quan từ các nhà chuyên môn, giáo viên và phụ huynh thì hầu hết trẻ theo học các lớp Denver theo chương trình ESDM có nhiều tiến bộ rõ rệt, tương đối đồng đều và ổn định về độ tập trung chú ý, khả năng tương tác, giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, kỹ năng nhận thức, kỹ năng chơi. Các trẻ giao tiếp tốt với người thân trong gia đình, hòa mình trong môi trường lớp học, chơi được với các bạn, theo kịp chương trình học ở lớp mà cần rất ít sự hỗ trợ từ phía các cô giáo, hiếm khi có hành vi không phù hợp tại nơi công cộng.
ESDM được cung cấp cho trẻ Rối loạn phổ tự kỷ bắt đầu ở tuổi 1-3 và tiếp tục trị liệu cho đến 4-5 tuổi. Giáo trình ESDM có các mục tiêu trị liệu và sự sắp xếp các kỹ năng can thiệp, được thể hiện qua bảng kiểm chương trình giảng dạy và mô tả công cụ. Bảng kiểm được tổ chức thành 4 cấp độ kỹ năng, tương ứng với các giai đoạn phát triển lứa tuổi. Trẻ đạt các mục tiêu đề ra ở từng cấp độ trong quá trình can thiệp thì sẽ chuyển sang mức độ cao hơn, theo tuổi khôn và các kỹ năng đạt được theo mục tiêu kế hoạch cá nhân. Khi trẻ đạt đến cấp độ 4 thì trẻ phát triển gần như bình thường và có thể ra học hòa nhập ở mẫu giáo, tiểu học. Bảng kiểm được phát triển đặc biệt cho trẻ Rối loạn phổ tự kỷ, gồm các lĩnh vực chủ chốt: Giao tiếp tiếp nhận, giao tiếp diễn đạt, kỹ năng xã hội, kỹ năng chơi, kỹ năng nhận thức, kỹ năng vận động thô và tinh, tự lập và hành vi thích ứng.
Mỗi trẻ được đánh giá theo 1 bảng kiểm. Và bảng kiểm chương trình giảng dạy ESDM thường đượcđánh giá 3 tháng/ lần, có sự tham gia của phụ huynh, giáo viên trị liệu và giáo viên lớp học.Từ các thông tin có được qua bảng kiểm, phụ huynh và đội ngũ can thiệp sẽ đưa ra 15-25 mục tiêu cho 1 chu kỳ học tập ngắn hạn trong khoảng thời gian 12 tuần, có ưu tiên các kỹ năng chủ chốt ở từng thời điểm phát triển của trẻ. Các mục tiêu được chia thành nhiều bước nhỏ hướng tới mục tiêu chính, là mục tiêu đạt đến sự thành thạo hoàn toàn và có tính khái quát với môi trường, tình huống và các đối tác giao tiếp.
Ngoài sự tham gia của giáo viên nhóm lớp, giáo viên trị liệu cá nhân thì sự tham gia của phụ huynh và gia đình trẻ được coi là yếu tố quan trọng trong sự can thiệp của ESDM. Trẻ tự kỷ cần được trải nghiệm bằng hoặc nhiều hơn cơ hội học tập so với trẻ em phát triển bình thường. Một phần trong can thiệp ESDM là đào tạo phụ huynh sử dụng kỹ thuật tương tác (có cẩm nang hướng dẫn) để phát triển mục tiêu. Phụ huynh phối hợp với giáo viên trị liệu cá nhân và giáo viên can thiệp theo nhóm lớp để thiết lập các mục tiêu cho trẻ, học cách lồng ghép các kỹ thuật trong các hoạt động chơi và chăm sóc trẻ để dạy trẻ. Các giáo viên thường xuyên làm việc với phụ huynh để hướng dẫn lồng ghép các kỹ thuật thu hút sự tham gia của trẻ vào các hoạt động, trò chơi ở nhà, hướng tới mục tiêu can thiệp đã đặt ra cho trẻ. Các buổi làm việc chung tạo điều kiện cho phụ huynh chia sẻ thuận lợi và khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ, khuyến khích cha mẹ tham gia thảo luận và lựa chọn các mục tiêu thích hợp với trẻ trong từng chu kỳ học tập, giúp cha mẹ hiểu cách khái quát hóa một mục tiêu cho trẻ thông qua nhiều tình huống hoàn cảnh, môi trường với nhiều người khác nhau để cùng nhóm giáo viên tận dụng cơ hội giúp trẻ phát triển. Tuy nhiên, một số phụ huynh bạn việc rộn nên không dạy con ở nhà mà phó thác cho giáo viên ở lớp, cô trị liệu. Bởi thực tế, trẻ được phụ huynh dạy con tốt ở nhà, trẻ được học ở đa môi trường thường có những tiến bộ hơn so với trẻ thiếu đi sự tương tác, dạy dỗ của phụ huynh ở nhà.
Hầu hết trẻ can thiệp theo chương trình ESDM có những tiến bộ rõ rệt sau 3-6 tháng can thiệp. Như bạn Nguyễn Minh Hoàng (sinh năm 2015), lớp Denver 1. Bạn vào Trung tâm Sao Mai từ lúc 2 tuổi, với nhiều hành vi điển hình của tự kỷ, hay khóc, ăn vạ, tăng động, chạy nhảy, hay cắn bạn, ngôn ngữ không có… Nhưng sau hơn 1 năm can thiệp theo chương trình Denver nhóm lớp và trị liệu cá nhân (1 giờ/ ngày), Minh Hoàng đã có ngôn ngữ, biết thể hiện nhu cầu, chủ động nói được câu hơn 2 từ như biết gọi mẹ ơi, bố ơi hay biết đề xuất trò chơi, yêu cầu cô chơi trò chơi theo ý thích như chơi con kiến, chơi đi xe đạp. Trẻ còn bập bõm xúc cơm ăn, và biết mang bát ăn xong đi cất vào ở góc lớp theo yêu cầu của cô giáo. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn rập khuôn, cứng nhắc, ăn chưa đa dạng thức ăn.
Hay bạn Đức Anh khi vào Trung tâm rất chậm, chưa có ngôn ngữ. Nhưng chỉ sau 6 tháng can thiệp trẻ đã có ngôn ngữ, phát triển như trẻ bình thường. Nhớ được tên cô, và một số bạn trong lớp,biết nhận biết đồ vật, hình ảnh, biết tương tác và xúc được cơm ăn. Đến giờ biết bảo cô đưa đi học trị liệu cá nhân..
Tiến bộ rõ nét hơn đó là bạn Nguyễn Thái Sơn ( 3,5 tuổi). Vào học Trung tâm từ lúc 18 tháng tuổi. Có những biểu hiện như khóc, khó thích nghi, gọi không phản ứng, không có ngôn ngữ ê, a. Theo phòng khám đánh giá thì tuổi khôn của bạn chỉ bằng trẻ 4-5 tháng tuổi. Nhưng sau khi theo học Denver được 3 tháng thì trẻ có những tiến bộ rõ rệt và đến 5 tháng thì bạn biết bắt đầu bật âm và đến nay thì trẻ có tương tác và tham gia nhiều trò chơi, tự xúc cơm ăn, biết thể hiện nhu cầu, bắt chước múa hát, đọc thơ tốt, biết từ chối, phản ứng những gì mình không thích, biết tham gia trò chơi, nói được dâu dài 5-6 từ. Sau hơn 1 năm can thiệp trẻ tiến bộ rất nhiều so với ban đầu, đạt được tuổi khôn khoảng 2,5 tuổi, hiện trẻ đang học ở cấp độ Denver 2 và trong vòng 6 tháng- 1 năm tới trẻ có thể đạt lên cấp độ 4 để ra học hòa nhập như trẻ bình thường.
Đó là 3 trong hàng chục trẻ theo học mô hình ESDM có những trẻ tiến bộ điển hình. Đây là thành công của Trung tâm Sao Mai, và là niềm vui giáo viên, phụ huynh khi hàng hàng chứng kiến sự tiến bộ của trẻ.
Trẻ có được tiến bộ ấy cũng nhờ có sự trao đổi hàng ngày giữa giáo viên nhóm lớp, nhà trị liệu cá nhân và phụ huynh. Trẻ được học ở đa môi trường (cá nhân 1 cô - 1 trò, nhóm lớp, phụ huynh). Thường hết một quý giáo viên cá nhân gặp lại phụ huynh để đánh giá sự tiến bộ của trẻ và lên kế hoạch, mục tiêu cho những kỹ năng chưa đạt hoặc có những đánh giá lại và hướng dẫn cách dạy con em mình tại nhà để làm sao trẻ có những tiến bộ trong quá trình can thiệp theo mô hình ESDM- một mô hình can thiệp có nhiều ưu việt dành cho trẻ tự kỷ nhỏ tuổi.
Thanh Thanh
Bạn Minh Hoàng nhóm lớp Dever 1 đang tự xúc cơm ăn
Bạn Thái Sơn nhóm lớp Denver 2 cũng chủ động xúc cơm trưa ăn