Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim

Kỷ niệm 24 năm ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4

Trước những sự thay đổi nhanh đến chóng mặt nền kinh tế Công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao kéo theo đó là những sự đòi hỏi cá nhân mỗi chúng ta không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để thực hiện những hoài bão và khát khao. Chúng ta- là những cá thể hoàn thiện cả mặt sinh thể và tâm sinh lý, chúng ta có ước mơ, thỏa sức vùng vẫy và lăn xả để đạt những điều mình mong muốn. Tuy nhiên, không phải tất cả ai cũng được có cơ hội để làm những điều mình muốn và làm công việc mình thích. Có những thứ với chúng ta tưởng chừng rất đơn giản như đi lại, chạy nhảy, múa hát,… hay đơn giản là được nhìn thế giới xung quanh, được nghe thấy tiếng ồn ào náo nhiệt của cuộc sống đời thường, được ngửi những mùi vị thơm ngon từ những quán ăn ven đường mỗi chiều tan làm, hay là hương thơm của một loài hoa nào đó mà ta vừa bước qua…. Nhưng đối với những người khuyết tật thì đó lại là sự cố gắng không ngừng nghỉ và cũng có thể chỉ là những ước mơ mà có lẽ cả đời không thể thực hiện được.

Năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã chính thức sử dụng cụm từ người khuyết tật thay cho tàn tật trong các bộ luật ban hành có liên quan. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, người khuyết tật được định nghĩa như sau:

“1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

Người khuyết tật có những đặc điểm cơ bản như: Người khuyết tật là nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất; Người khuyết tật có ở mọi nơi trên thế giới và các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người khuyết tật.

Hiện nay, sau những cuộc vận động kiên trì của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền, nhận thức rằng người khuyết tật cũng là chủ thể bình đẳng của các quyền con người mới dần dần chiếm ưu thế trên thế giới. Sự chuyển biến về nhận thức dẫn tới thay đổi cả cách gọi tên của nhóm xã hội này. Thay cho việc dùng từ “những người tàn tật” (disable persons) có hàm ý miệt thị và hạ thấp, hiện nay, nhóm xã hội này được gọi một cách chính xác và trân trọng là những người khuyết tật (persons with disabilities). Tên gọi mới, ngoài những yếu tố khác, mang hàm ý rõ ràng rằng đây là nhóm người tuy có những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, nhưng họ không phải và không được coi họ là những người vô dụng, đứng ngoài lề dòng chảy và là gánh nặng cho xã hội.

 Ý nghĩa Ngày người khuyết tật Việt Nam

Kể từ ngày 18 tháng 4 năm 1998, khắp nơi trong cả nước đều có các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng, chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam. Ngày này được coi là ngày hội của người khuyết tật. Các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan đến người khuyết tật đều có các hành động để hướng đến ngày này. Các hoạt động trong ngày người khuyết tật Việt Nam như giao lưu văn nghệ - thể thao, toạ đàm, hội nghị, hội thảo,  tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí... dành cho người khuyết tật được triển khai khắp nơi trong cả nước.

Lịch sử ra đời Ngày người khuyết tật Việt Nam

Ngày 30 tháng 7 năm 1998 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số  06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau này, khi Luật người khuyết tật Việt Nam, Luật số: 51/2010/QH12, tại điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam.

Ngoài ra chúng ta có thể tham khảo thêm một cột mốc liên quan đến ngày ngày 18 tháng 4 như sau: Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng liên hiệp quốc năm 1976 lấy năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật, ngày 18 tháng 4 năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam.

Kể từ năm 2019, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chính thức công bố chủ đề cho ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2019 là “Tiếp cận cho mọi người”. Mỗi năm Liên hiệp hội sẽ đưa ra một chủ đề với thông điệp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và sự hoà nhập của người khuyết tật Việt Nam.

Các sự kiện năm 2019 kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam trên cả nước:

Ngày 17/04/2019, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) cũng phối hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Hội người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức sự kiện chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam 18/04 với chủ đề “Tiếp cận cho mọi người” với mục tiêu thúc đẩy quyền tiếp cận của người khuyết tật.

Khắp nơi trong cả nước cũng đồng thời diễn ra các sự kiện như:

  1. Ngày 12/4 Hội NKT Thành Phố Hà Nội tổ chức sự kiện Mít tinh hưởng ứng ngày người khuyết tật Việt Nam 18/04 và Chương trình biểu diễn nghệ thuật "Không giới hạn".
  2. Ngày 18/4 Hội NKT Tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đồng loạt tổ chức các sự kiện như Hội thi tay nghề dành cho NKT, Toạ đàm, cắm trại, đi bộ vì NKT….
  3. Ngày 20/4/2019, Trung tâm ACDC và Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị tổ chức chạy cùng NKT với chủ đề “không khoảng cách không giới hạn" nhân ngày 18/4 - Ngày người khuyết tật Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và vấn đề khuyết tật; tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế của người khuyết tật. Xóa bỏ rào cản, thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật trong xã hội.

Ngày người khuyết tật Việt Nam năm 2022 (18/4) được lựa chọn với chủ đề “Hòa nhập và thích ứng - Định hình tương lai” nhằm huy động sự ủng hộ, thúc đẩy quyền của người khuyết tật trong toàn xã hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đã dành nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm bảo đảm các quyền của người khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn.

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT