Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Hưởng ứng Ngày tự kỷ Việt Nam (2/4)- Khác biệt vẫn tuyệt!

Cộng đồng mạng đang truyền nhau một clip rất hot mang thông điệp lan tỏa yêu thương người tự kỷ của một cô bé 17 tuổi. Câu chuyện cảm động về sự khác biệt vẫn tuyệt đang truyền cảm hứng mạnh mẽ...

Khác biệt vẫn tuyệt! - Ảnh 1.
 

Sandy và anh trai Ryan - Ảnh: NVCC

Với khát khao thay đổi nhận thức cộng đồng với người tự kỷ, Sandy Nguyễn (Nguyễn Hà Vy Sandy, 17 tuổi, ở TP.HCM) - có anh trai là người tự kỷ tên Ryan Nguyễn (18 tuổi) - đã cho ra đời video Puzzle Dance Challenge với thông điệp "Khác biệt vẫn tuyệt" sau hơn 3 tháng ấp ủ.

Sandy Nguyễn đã có buổi trò chuyện với Tuổi Trẻ về hành trình cho ra đời bài nhảy trên hướng đến Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2-4.

Cùng nhảy Puzzle Dance, lan tỏa yêu thương người tự kỷ

* Được biết ý tưởng em cho ra đời video Puzzle Dance Challenge xuất phát từ người anh trai hơn mình một tuổi bị tự kỷ cũng như cộng đồng người tự kỷ ở Việt Nam?

- Anh trai em tên Ryan. Gia đình phát hiện anh bị tự kỷ lúc 3 tuổi. Anh thường bị mọi người xa lánh, trêu chọc, nhiều trường học từ chối vì sự khác biệt của anh. Lúc anh Ryan 9 tuổi, em từng chứng kiến anh bị các bạn trong lớp trêu chọc tại căngtin trường. Em đã chạy tới ngăn cản, nói chuyện trực tiếp với những người bạn của anh.

Anh đã phải cố gắng rất nhiều và chưa một lần bỏ cuộc khi thực hiện bất cứ việc gì. Chẳng hạn chỉ tập rửa tay, mẹ phải tách việc đó thành 5-6 động tác nhỏ như: mở vòi nước, cho hai tay vào vòi nước, lấy xà bông... Mỗi động tác phải được tập nhuần nhuyễn mới chuyển sang động tác kế tiếp. Mỗi lần anh làm được từng động tác, cả nhà đều reo hò cổ vũ.

Video Puzzle Dance Challenge của Sandy Nguyễn với thông điệp “Khác biệt vẫn tuyệt" nhằm lan tỏa yêu thương người tự kỷ - Video: NVCC

Năm 2008, cả gia đình em từ Úc về TP.HCM. Lúc ấy, nhiều trường ở TP.HCM từ chối dạy anh. Mẹ phải rất vất vả, đi hết trường này đến trường khác để kiếm trường cho anh và may mắn cũng mỉm cười khi anh được một trường niềm nở đón nhận.

Nay anh Ryan 18 tuổi và hiện đang học chuyên ngành đồ họa cùng các giảng viên một trường đại học TP.HCM. Anh vẽ tranh rất đẹp, bơi giỏi, biết giúp việc nhà và đặc biệt là rất thương em. Để có được như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của chính bản thân, anh Ryan nhận được nhiều sự hỗ trợ từ thầy cô, cho anh cơ hội học đến hôm nay.

Em thấy mình cần làm gì đó để trả ơn mọi người bằng cách giúp lại những trẻ tự kỷ khác. Động cơ này thúc giục em kêu gọi cộng đồng lan tỏa yêu thương. Càng nhiều người nghe và thấy người khác tham gia sẽ càng có nhiều người, nhiều tổ chức cho người tự kỷ thêm nhiều cơ hội để đóng góp cho xã hội.

* Thông điệp Sandy gửi gắm qua bài nhảy là gì?

- Em chọn thông điệp "Khác biệt vẫn tuyệt", qua đây muốn nhắn nhủ đến anh trai mình cũng như cả cộng đồng: "Có rất rất nhiều người trên trái đất này cũng yêu thương anh và các trẻ tự kỷ khác".

Khác biệt vẫn tuyệt! - Ảnh 3.

Dù bị tự kỷ nhưng Ryan vẽ rất đẹp, bơi giỏi, đánh đàn điêu luyện

Mang yêu thương đến người tự kỷ

* Tại sao Sandy chọn nhảy múa để kêu gọi cộng đồng? Em có gặp khó khăn nào trong quá trình thực hiện?

- Em thấy có rất nhiều hoạt động phong phú hướng đến ngày tự kỷ như: vận động tất cả mọi người mặc áo xanh, thắp đèn xanh cho các tòa nhà lớn trong thành phố... nhưng hoạt động em thích nhất là hoạt động do các trường học ở Toronto, Canada làm.

Đã có khoảng 11.000 học sinh cấp III ở Toronto mặc áo xanh, nhảy múa cùng nhau vào ngày 2-4 để ủng hộ trẻ tự kỷ. Ở Việt Nam, em chọn phát động thử thách nhảy vì trẻ tự kỷ Puzzle Dance qua mạng xã hội. Tên của bài nhảy này xuất phát từ trò chơi anh Ryan yêu thích nhất: Puzzle (ghép hình).

Tuy nhiên lúc này lịch học của em rất nhiều nên từng suy nghĩ không đủ thời gian thực hiện chương trình. Nhưng với khát khao cháy bỏng, em cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, vừa không ảnh hưởng việc học, vừa tập trung vào xây dựng nội dung video.

Khác biệt vẫn tuyệt! - Ảnh 4.

Ca sĩ Mỹ Linh đã đăng status hưởng ứng chương trình này - Ảnh: FBNV

* Ai là những người đã giúp Sandy thực hiện dự án này?

- Đây giống như là một giấc mơ đang trở thành hiện thực. Ban đầu em định tổ chức một show thời trang vào mùa hè do các trẻ tự kỷ như Ryan trình diễn cho nên em đến nhờ siêu mẫu Xuân Lan hướng dẫn. Nhưng sau đó em thấy nên làm gì đó thêm vào ngày 2-4. Với khát vọng của em, siêu mẫu Xuân Lan đã giới thiệu em gặp anh Mạnh Quyền - quán quân chương trình Tinh hoa hội tụ năm 2019 để nhờ biên đạo. Sau đó đạo diễn, nhà sản xuất phim Nguyễn Ngọc Lâm tình nguyện giúp em làm video từ những câu chuyện về anh Ryan.

Em rất biết ơn cộng đồng đã xem, chia sẻ clip trên mạng xã hội và đã tham gia thử thách Puzzle Dance cùng em. Em mong muốn mọi người tiếp tục lan tỏa thông điệp "Khác biệt vẫn tuyệt" trong suốt tháng 4 năm nay.

* Ngoài hoạt động này Sandy còn tham gia những hoạt động xã hội nào khác?

- Em từng và đang tham gia các hoạt động cộng đồng như xây nhà và dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo, biểu diễn văn nghệ gây quỹ từ thiện Heart beat. Anh Ryan cũng tham gia bán tranh sơn dầu do anh vẽ, gói bánh chưng bán lấy tiền gây quỹ cho các hoạt động giúp cộng đồng tự kỷ.

Tự kỷ không hoàn toàn bế tắc

Chị Lê Hà - mẹ Ryan và Sandy - tâm sự từ lúc bác sĩ cho biết Ryan bị tự kỷ, chị rất sốc, từ chối kết quả này rồi rơi vào trầm cảm. Mất gần một năm, sau khi tìm hiểu chứng tự kỷ và gặp gỡ hội phụ huynh có con bị tự kỷ, chị mới chấp nhận. Từ đó, chị tập trung vào việc làm sao Ryan phát triển tốt nhất trong khả năng của con.

"Tự kỷ không hoàn toàn bế tắc như tôi từng nghĩ. Thay vì tự dằn vặt, tự đau khổ, tôi kiên trì dạy con từng tí một, không bỏ cuộc dù những năm đầu thật sự rất khó khăn" - chị Hà chia sẻ.

Theo tuổi trẻ


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT