Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Hiệu quả từ những phương pháp can thiệp không mất phí của Sao Mai

Trung tâm Sao Mai là cơ sở chăm sóc, phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ. Hàng chục năm qua, mô hình can thiệp của Sao Mai hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp với da dạng các loại hình như: Can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm.  

Các loại hình can thiệp được đều thực hiện trên cơ sở các chương trình can thiệp tiên tiến trên thế giới như mô hình can thiệp sớm Denver, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu giác quan, trị liệu mỹ thuật, trị liệu nước…, với nhiều phương pháp chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, điển hình như: TEACCH, DIR/flotime, PECS, ABA, RDI, từng bước nhỏ… Tất cả các mô hình và phương pháp can thiệp nhằm cải thiện các khiếm khuyết của trẻ, tối đa hóa khả năng học tập và phát triển của trẻ. Mỗi trẻ tự kỉ đều có những sự khác biệt riêng vì thế những biện pháp can thiệp cho từng trẻ đều được cá nhân hóa để có được kết quả tốt nhất.

Tự kỷ không phải là một rối loạn đơn lẻ, mà là một loạt các rối loạn trong cơ thể có liên quan chặt chẽ với nhau. Mỗi trẻ mắc hội chứng phổ tự kỷ đều gặp khó khăn về tương tác xã hội, sự đồng cảm, giao tiếp và hành vi, tùy theo mức độ từng trẻ. Nhưng mức độ khiếm khuyết và sự kết hợp của các triệu chứng rất khác nhau ở mỗi trẻ. Trên thực tế, hai đứa trẻ có cùng chẩn đoán có thể rất khác nhau khi xét về hành vi và khả năng của chúng. Vì vậy, để can thiệp thành công trên trẻ các nhà trị liệu, chuyên gia hay giáo viên phải tìm được chìa khóa phù hợp để mở cánh cửa đóng kín của trẻ.

Bên cạnh những hướng tiếp cận đã được thực hiện phổ biến như nhóm các phương pháp can thiệp hành vi, can thiệp phát triển, can thiệp kết hợp, can thiệp dựa trên liệu pháp hay can thiệp y tế… thì tại Sao Mai những hướng tiếp cận mới cũng đã được sử dụng nhằm tối đa hóa khả năng, cơ hội học tập và phát triển của trẻ như: Mỹ thuật trị liệu, âm nhạc trị liệu, thủy trị liệu… Những phương pháp tiếp cận mới đó của Sao Mai trong can thiệp cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ không mất phí nhưng đã đem lại hiệu quả tích cực, trẻ có nhiều tiến bộ rõ rệt.

Có thể nói, trị liệu âm nhạc là một trong những loại hình trị liệu rất cần thiết đối với trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ, chậm phát triển nói riêng. Như chúng ta đã biết, âm nhạc nó có thể kích thích cả hai bán cầu não của chúng ta, thay vì chỉ một bán cầu. Điều này có nghĩa là nhà trị liệu có thể sử dụng một bài hát hoặc nhạc cụ để hỗ trợ hoạt động nhận thức để chúng ta có thể xây dựng nhận thức về bản thân và cải thiện mối quan hệ với những người khác.

Theo Liên đoàn Âm nhạc trị liệu thế giới: “trị liệu âm nhạc là việc sử dụng các yếu tố cấu thành âm nhạc như âm thanh, nhịp điệu, giai điệu, tiết tấu, hòa âm bởi một nhà trị liệu có trình độ với một hoặc một nhóm người”. Trị liệu âm nhạc có thể gia tăng hành vi tốt, nâng cao khả năng tập trung, chú ý, tăng sự cố gắng nỗ lực để giao tiếp với người khác thông qua phát âm, cử chỉ, hành động và lời nói, giảm lo âu và giúp trẻ nhận thức rõ hơn về cơ thể và sự phối hợp vận động.  

Đối với trẻ em mức chứng tự kỷ, tương tác với những người khác có thể khó khăn, nhưng thông qua một nhạc cụ trẻ thích trong chương trình can thiệp, trước tiên trẻ có thể gắn bó với nhạc cụ đó và sau đó mở ra cho những người khác sự tương tác và dần trẻ có thể chuyển sang các nhạc cụ khác. Cả trong lời bài hát và âm thanh có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc dạy trẻ giao tiếp. Đối với trẻ tự kỷ, điều này có nghĩa là học một từ mới từ một bài hát hoặc hiểu rõ hơn cách hành động trong một tình huống xã hội dựa trên nội dung mà bài hát đang thể hiện. Hội chứng tự kỷ có thể tạo ra rào cản cho trẻ trong môi trường xã hội, nhưng những nhóm nhỏ trẻ nghe nhạc cùng nhau có thể cảm thấy đủ tự tin và thoải mái để bình luận hoặc hát theo những người khác. Hay các bài tập khiêu vũ cũng có thể giúp kích thích hệ thống giác quan của trẻ và cho phép trẻ tăng cường các kỹ năng vận động tinh …

Mỹ thuật trị liệu hay “hội hoạ” là một kênh công cụ mang tính tích cực, giúp trẻ tiếp nhận thông tin, cải thiện trí nhớ, tăng khả năng quan sát; phối hợp tay mắt, nâng cao khả năng vận động tinh, vận động thô, điều hoà cảm giác - cảm xúc, giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung chú ý, làm chủ các hành vi một cách có ý thức thông qua các chất liệu, dụng cụ và màu sắc. Đặc biệt hội hoạ còn là một công cụ “giao tiếp” của trẻ, giúp giảm bớt các rào cản về ngôn ngữ, giúp trẻ tự tin thể hiện bản thân và giao tiếp với thế giới xung quanh tốt hơn. Hoặc đơn giản chỉ giúp trẻ giải tỏa căng thẳng để trẻ có tinh thần thoải mái hơn cho những tiết học quan trọng khác.

Đối với nghệ thuật thị giác có tác động rất lớn trong việc cải thiện nhận thức, sự khác biệt về thị giác và không gian, kỹ năng vận động và khả năng ứng phó. Nhiều người mắc chứng tự kỷ phải vật lộn với giao tiếp và thường là những người suy nghĩ bằng hình ảnh. Nghệ thuật phù hợp một cách tự nhiên với chứng tự kỷ ở chỗ nó có thể giúp những người tự kỷ thể hiện bản thân thông qua hình ảnh đồng thời là một hoạt động nhẹ nhàng. Những tương tác mặt đối mặt, chẳng hạn như trò chuyện có thể gây căng thẳng cho những người mắc chứng tự kỷ, khiến họ khó hiểu những gì người đó đang cảm thấy hoặc suy nghĩ. Giải pháp cho điều này là tập trung vào nghệ thuật của người đó và thảo luận về nó, điều này sẽ cho phép người kia hiểu và hình thành mối quan hệ tốt hơn.

Trị liệu nước giúp giảm các triệu chứng tự kỷ, bao gồm các chức năng vận động và các vấn đề cảm giác. Từ đó, làm tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị rối loạn phổ tự kỷ. Trị liệu nước còn giúp tăng cường cơ bắp, giúp tăng khả năng giữ thăng bằng và phát triển phạm vi chuyển động tốt hơn. Ở dưới nước còn là một nơi an toàn để thực hành các tương tác nhỏ mà không bị áp lực phải trò chuyện.

Thủy trị liệu cũng trợ giúp được các vấn đề về giác quan. Thông thường, trẻ em bị ASD phải vật lộn với các rối loạn tích hợp cảm giác. Nước có xu hướng tác dụng làm dịu và với một số hoạt động được thiết kế để giúp đỡ các vấn đề về giác quan … Ngoài ra, trị liệu nước còn mang lại nhiều lợi ích khác như trẻ có thể trở thành một vận động viên bơi lội giỏi hơn và ít gặp rủi ro hơn khi ở gần nước. Và nó còn được xem như một trò chơi dưới nước thú vị đối với trẻ, trẻ thoải mái  đùa nghịch, từ đó giúp cho trẻ có kỹ năng giao tiếp tốt hơn. 

Thực tế, nhiều bạn sau khi được can thiệp theo phương pháp tiếp cận mới của Sao Mai đã có những tiến bộ rõ rệt. Như em N.T.D.A vốn là một cậu bé nhút nhát, thờ ơ với mọi thứ xung quang, các thầy cô đã thử nhiều cách tiếp cận như các trò chơi giác quan xã hội, các hoạt động với đồ chơi yêu thích… nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, do bé không có hứng thú. Ngược lại, cậu bé lại rất sung sướng và hứng thú với các dụng cụ tạo ra âm thanh. Bé có thể ngồi ngoan để nghe, nhìn và bắt chước cô giáo từng động tác nhỏ với các dụng cụ âm nhạc như đàn, trống, phách …. Dần dần bé đã bắt chước cô giáo gõ phím đàn theo các nốt nhạc, rồi đến nhận lượt trong giao tiếp, ngôn ngữ và nhận thức cũng tăng dần, cơ hội hòa nhập theo đó cũng đến gần hơn với bé.

Hay cậu bé L. V. T có đặc điểm không thể ngồi yên một chỗ, khả năng tập trung kém nên bé không tiếp thu được bài học và cũng không muốn giao tiếp với ai, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, sẵn sàng va đập vào bất kỳ đâu mà không biết đau. Mọi thứ đã thay đổi từ khi bé cầm được những chiếc bút sáp màu đặc chủng (loại dễ di ra màu). Bé có thể tập trung hàng giờ để vẽ những bức tranh thể hiện cách nhìn thế giới đầy màu sắc và tuyệt đẹp. Thông qua những bức tranh, bé  dần nhận thức được mọi thứ, có thể giao tiếp, vận động tinh tiến bộ rõ rệt, tinh thần vui vẻ và nhận thức tiến bộ từng ngày.

Còn cậu bé P. G. H chỉ thích ôm ấp, kể cả người lạ và rất thờ ơ, không giao tiếp mắt, không có ghi nhớ và không biết ngồi xổm… nhưng bé lại có khả năng bơi lội rất giỏi, có thể bơi từ đầu đến cuối bể bơi. Khi được thả mình dưới nước, bé trở thành một con người hoàn toàn khác, tinh thần vui vẻ, cảm giác sung sướng. Thậm chí, bé còn biết chơi rất nhiều trò chơi dưới nước dưới sự hướng dẫn của người lớn, sử dụng tốt các chức năng giao tiếp, có ghi nhớ và biết vận dụng các mẫu câu trong tình huống mới …

Hiện Trung tâm Sao Mai cũng như các nhà chuyên môn chưa có nhiều nghiên cứu về chất lượng hay kiểm tra hiệu quả của các chương trình can thiệp này nhưng với một số trẻ đã có những kết quả khích lệ, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng can thiệp cho trẻ.

Là đơn vị tiên phong trong các phương pháp trị liệu cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, Sao Mai luôn khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh tiềm ẩn của trẻ, tạo cơ hội tốt nhất để trẻ sớm học hòa nhập và tự lập tốt hơn như nhóm trẻ đã có thu nhập từ bản quyền tranh vẽ với Tòhe trong suốt những năm qua.

   

Chương trình học hát của học sinh Sao Mai với ca sỹ Thanh Lam và Tùng Dương


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT