Gian nan trông con tự kỷ mùa dịch Covid-19
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát phức tạp, khó lường khiến các trường học trên cả nước phải đóng cửa cho học sinh nghỉ học để phòng dịch, trong đó có cả học sinh ở các Trung tâm, cơ sở chuyên biệt. Tuy nhiên, thời gian nghỉ dài ở nhà nghỉ dịch Covid-19 đã với trẻ tự kỷ thực sự là vấn đề rất khó khăn đối với những gia đình có con tự kỷ.
Ở nhà bức bi, trẻ tự kỷ phát sinh nhiều hành vi không làm chủ bản thân, khiến không ít cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, bất lực... Chưa kể, trẻ tự kỷ nghỉ học ở nhà quá lâu, những kiến thức, những tiến bộ đã được can thiệp ở trường lớp hầu như không được duy trì khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng. Trong khi, mời giáo viên chuyên biệt đến nhà can thiệp cho con thì tốn kém, không phải gia đình nào cũng kham nổi. Một số gia đình kinh tế eo hẹp đã phải gửi con đến nhà cô giáo hoặc người thân quen nhờ trông coi, hỗ trợ để đi làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức và sự kiên nhẫn đối với trẻ tự kỷ để hỗ trợ, can thiệp đúng hướng. Đó còn chưa kể có nhiều nguy cơ tiềm ẩn thiếu an toàn đối với các em.
Chị Huyền (Hà Nội) có đứa con trai út 8 tuổi của chị mắc chứng tự kỷ tăng động, nhiều lúc con đùa nghịch, chảy nhảy không kiểm soát khiến chị nhiều phen thót tim vì sự nguy hiểm rình rập. Từ ngày đứa con út nghỉ ở nhà phòng dịch Covid-19, không được can thiệp theo lộ trình ở trường lớp khiến chị lo lắng vì mọi sự cố gắng, nỗ lực của cả cô và trò cùng gia đình đang đổ sông đổ bể. May có bà cô độc thân ở quê còn khỏe mạnh nên chị đã nhờ được bà cô lên trông coi giúp chị để vợ chồng chị đi làm. Buổi trưa giờ nghỉ chị tranh thủ về cơm nước cho bà cháu. Không có thời gian dạy dỗ con buổi ngày, tối về chị phải thường xuyên liên lạc với cô giáo để được hướng dẫn can thiệp cho con tại nhà nhằm phần nào cải thiện sự thụt lùi của con trong thời gian dài ở nhà phòng dịch.
Trước đây, bé Bon 4 tuổi, con trai chị Nhung (Long Biên, Hà Nội) đã cho con đi can thiệp được 4 tháng ở một trung tâm chuyên biệt, con cũng có nhiều tiến bộ, nhưng đợt này con phải nghỉ dịch lâu quá, nên sự tiến bộ ấy gần như đã bay biến, mọi thứ con quay về vạch xuất phát như trước khi chưa đi can thiệp. Từ ngày Trung tâm thông báo cho con nghỉ học ở nhà phòng dịch, chị Nhung đã phải xin nghỉ việc không lương để ở nhà trông con. Do không có nhiều kỹ năng để chăm sóc, can thiệp cho con tại nhà nên khiến trẻ càng ngày tăng động, chạy nhảy mất kiểm soát và ném đồ đạc lung tung. Chị Nhung sốt ruột, mong hết dịch để con đi học trở lại, con vừa được can thiệp để cải thiện hội chứng tự kỷ, vừa có chỗ yên tâm gửi gắm con để đi làm kiếm tiền lo cho gia đình. Chồng chị làm công nhân cho công ty tư nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lương cũng bị cắt giảm một nửa. Nhưng công ty vẫn phải duy trì sản xuất nên chồng chị không được nghỉ làm. Dịch Covid không chỉ khiến cuộc sống của gia đình chị đảo lộn mà kinh tế cũng đang lâm vào khó khăn, trong khi con lại bệnh tật khiến chị vô cùng nản lòng.
Nhiều gia đình có trẻ tự kỷ nhưng lại không có ông bà trông giúp khiến bố mẹ phải thay nhau nghỉ làm để trông con như chị Nhung đang phổ biến. Lo lắng về công việc, dịch bệnh, thu nhập rồi chăm sóc con... trong thời gian này khiến không ít phụ huynh có con tự kỷ cảm thấy căng thẳng, thậm chí bất lực, tuyệt vọng.Nhiều phụ huynh đã chia sẻ rằng, không biết phải làm gì để giúp con, chỉ cố gắng dành thời gian chơi với con, tìm hiểu cách dạy con, tham khảo ý kiến của giáo viên nhưng con không hề tiến bộ mà ngày càng thụt lùi. Họ đều cầu mong cho mau hết dịch, để những đứa con “đặc biệt” của mình được đi can thiệp sớm, không bỏ lỡ giai đoạn vàng của con…
Gần 2 tháng nay, dù có những ngày Hà Nội nắng nóng lên đến hơn 40 độ C, chị Lan ở quận Thanh Xuân trưa nào cũng vượt quãng đường hơn 5 cây số về nhà lo cơm nước, chăm sóc cho Hưng- cậu con trai út mắc chứng tự kỷ.
Thời gian Hà Nội dịch giã phức tạp nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, anh trai bận ôn thi Đại học, các trường, trung tâm dạy trẻ tự kỷ đóng cửa, Hưng quanh quẩn cả ngày với những trò chơi tự nghĩ: Lúc thì ném đồ qua cửa sổ, khi thì xả nước trong nhà tắm, lúc lại chạy ra bấm thang máy...
Điều lo nhất là việc học tập của Hưng gián đoạn quá lâu, học online gần như không hiệu quả. Để duy trì những kỹ năng, thói quen mà con đang học, chị Lan buộc phải mời giáo viên đến kèm tại nhà. Cô giáo ở trung tâm giáo dục đặc biệt đến giảng cho con 3 buổi/ tuần, mỗi buổi 2 tiếng để giảm thời gian con ở nhà một mình và duy trì được nề nếp, cũng như tiến độ can thiệp. Tuy nhiên, chi phí lớn, tăng khoảng gấp rưỡi so với con đi học tập trung ở lớp. Trong thời điểm covid này, mọi thứ khó khăn nên lo chi phí học hành cho con đang là thử thách lớn đối với gia đình chị.
Giống như chị Lan, nhiều phụ huynh lo lắng việccan thiệp cho con bị gián đoạn và cũng không tự tin khi bản thân làm “cô giáo” cho con tại nhà đã thuê hẳn cô giáo về dạy con tại nhà. Với gia đình khá giả thì không thành vấn đề nhưng với gia đình kinh tế eo hẹp, thu nhập lại giảm sút trong thời gian dịch bệnh Covid-19 là cả một vấn đề nan giải vì can thiệp tại nhà 1h mất 100-150 nghìn đồng, thậm chí nhiều hơn. Thế nhưng, cô giáo cũng chỉ ở bên con có một vài giờ trong ngày, thời gian còn lại đòi hỏi phải có phu huynh trông nom.
Chi phí mời giáo viên chuyên biệt đến can thiệp tại nhà cho trẻ tự kỷ rất tốn kém nên một số gia đình không có điều kiện đã phải gửi con đến nhà cô giáo hoặc người thân quen nhờ trông coi, hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức và sự kiên nhẫn đối với trẻ tự kỷ để hỗ trợ, can thiệp đúng hướng. Đó còn chưa kể có nhiều nguy cơ tiềm ẩn thiếu an toàn đối với các em.
Theo các chuyên gia, bác sĩ thì trong thời gian chờ đợi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các con được đi học trở lại thì các phụ huynh tiếp tục tham khảo các ý kiến, kỹ năng của cô giáo, chuyên gia, cũng như tìm kiếm các tài liệu chính thống qua sách, báo, intenrt để hỗ trợ cho con giúp con duy trì được nề nếp, hoạt động, các kỹ năng... để khi trở lại lớp học con không phải vất vả học lại từ đầu!
Để phần nào hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và duy trì nề nếp, kỹ năng cho trẻ trong thời gian trẻ nghỉ phòng dịch Covid-19, các giáo viên, bác sĩ... của Trung tâm Sao Mai cũng đã thường xuyên trao đổi, hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, cách can thiệp cho con tại nhà. Mọi thắc mắc của phu huynh cũng đều được các giáo viên, chuyên viên tâm lý tận tình giải đáp, tư vấn...
Đài Thanh