Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim

CLB Phụ nữ quốc tế long trọng tổ chức lễ trao giải thưởng tầm nhìn 2017 cho BS Đỗ Thúy Lan

Nhân dịp kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, tại Hà Nội, HIWC đã long trọng tổ chức buổi lễ trao giải thưởng Tầm Nhìn  2017 cho bác sĩ, thầy thuốc ưu tú  Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai. Bà Sarah Allen, Chủ tịch Câu lạc bộ HIWC  đã thay mặt HIWC đã trao tặng kỷ niệm chương cho bác sĩ Đỗ Thúy Lan, nhằm ghi nhận tài năng, tầm nhìn và sự cống hiến cao cả của bà trong lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ.

Giải thưởng Tầm Nhìn 2017 dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng. Đây là giải thưởng của Câu lạc bộ phụ nữ quốc tế Hà Nội (HIWC) trao hàng năm cho một người phụ nữ thể hiện tầm nhìn lớn lao, khả năng lãnh đạo và sự cống hiến cho những mục đích cao cả.

Tại lễ trao giải Bác sĩ Đỗ Thúy Lan đã rất xúc động nói: “Sự tôn vinh của CLB phụ nữ quốc tế Hà Nội là niềm vinh dự, sự động viên to lớn với bản thân tôi và tập thể nhân viên của Trung tâm Sao Mai để tiếp tục học hỏi, phát triển hơn nữa các phương pháp can thiệp tiên tiến, không ngừng nâng cao kỹ năng cho giáo viên và xây dựng 1 hệ thống can thiệp sớm cho các tỉnh thành phố theo kinh nghiệm, đặc biệt sau khi nhận giải thưởng này bà sẽ vươn dài cánh tay đến các tỉnh miền núi xa xôi trong việc chuyển giao mô hình, thành lập cơ sở để trẻ KTTT và tự kỷ ở đây có cơ hội được phát hiện sớm và can thiệp sớm. Mô hình Trung tâm Sao Mai sau 22 năm đúc kết từ các phương pháp của các nước tiên tiến trên thế giới sẽ luôn được chia sẻ và nhân rộng ra cộng đồng để giúp đỡ những trẻ có khó khăn về trí tuệ và tự kỷ ở khắp Việt Nam”.

BS Lan cũng đã tự hào chia sẻ về quá trình hoạt động của mình với trẻ KTTT và tự kỷ. Bà là bác sỹ chuyên khoa tâm thần có 42 năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Hà Nội từ 1975 cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2004. Trước đây, bà làm việc tại bệnh viện tâm thần Hà Nội, và nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện này. Năm 1998 thành lập Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương - bệnh viện tâm thần ban ngày đầu tiên ở Việt nam thì bà kiêm giám đốc. Thời kỳ bà làm việc ở các bệnh viện tâm thần này, bà thấy các trẻ KTTT và tự kỷ chỉ được điều trị bằng thuốc an thần (antipsychotic) và bà đã rất trăn trở. Năm 1992, bà được cử đi học về tâm thần nhi tại vương quốc Hà Lan thì bà mới hiểu ra rằng trẻ KTTT và tự kỷ không phải can thiệp bằng thuốc mà bằng giáo dục. Kết thúc khóa học 1 năm, bà trở về nước và lập tức bắt tay vào thực hành kiến thức tiên tiến mà đã tiếp nhận ở nước ngoài. Lớp học thí điểm dành KTTT và tự kỷ (gồm 12 trẻ từ 6 đến 12 tuổi) đặt tại bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, nơi bà làm việc. 1 bác sĩ tâm lý và  1 y tá và 1 giáo viên đã được chuyên gia của  ủy ban 2 Hà Lan cử sang hỗ trợ đào tạo kỹ năng để phụ trách lớp học. Nhưng sau 2 năm thì bệnh viện yêu cầu giải tán lớp học. Với những kết quả đạt được đối với trẻ sau 2 năm thí điểm lớp học và nhu cầu của phụ huynh đã thúc đẩy bà thành lập Trung tâm Sao Mai. Ngay cái tên Sao Mai mà bà đặt cho Trung tâm hàm chứa cả một mục đích, tầm nhìn của bà, đó là một ngôi sao mọc sáng sớm báo hiệu một ngày mới sắp đến, mặt trời chiếu sáng cho nhân loại - giáo dục đặc biệt làm thay đổi chất lượng cuộc sống và hòa nhập cho trẻ KTTT và tự kỷ của Việt Nam.

          Chặng đường hình thành và phát triển của Trung tâm Sao Mai đã trải qua biết bao gian khó nhưng dưới sự lãnh đạo tài ba và tầm nhìn đúng đắn của Bác sĩ Đỗ Thúy Lan, GĐ Trung tâm đã đưa Trung tâm ngày một phát triển và khẳng định vai trò, ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.

Trung tâm Sao Mai thành lập năm 1995, trực thuộc Hội CTTETTVN, là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Ngày đầu mới thành lập, Trung tâm không có nhà làm lớp học, BS Lan đã phải xoay xở, đi thuê nhà để làm lớp học. Gọi là Trung tâm nhưng cũng chỉ có một lớp học với 15-20 học sinh và 3-5 nhân viên. Nhưng lớp học của bà lúc đó là điểm đến duy nhất của những trẻ KTTT và tự kỷ không có trường nào nhận. Chúng bị phân biệt đối xử, phụ huynh thì mặc cảm. Lớp học đầu tiên thuê nhà học tại phố Đội cấn, sau đó chuyển về phố Bạch Mai do trường tiểu học Bạch mai cho mượn ngôi nhà cấp 4 có 90 m2 để sửa chữa và mở 2 lớp, số học sinh tăng dần lên 30-45 học sinh, trong khi cở sở vật chất tồi tàn, chật chội không đủ điều kiện đáp ứng nên bà phải thuê thêm nhà tại Nghĩa Tân (Cầu Giấy) để cho trẻ học. Trung tâm của bà may mắn được CLBPNQT hỗ trợ từ năm 1997 đến nay, ban đầu là hỗ trợ tiền sửa chữa cơ sở Bạch Mai, sau này là tài trợ học bổng, cơ sở vật chất…; CRS (Catholic Relife Service) tài trợ tiền thuê nhà ở Đội Cấn và Nghĩa Tân.

Là một bác sỹ chuyên khoa 2 về tâm thần, lại được đi đào tạo nâng cao ở các nước tiên tiến về lĩnh vực tâm thần nhi và tự kỷ, bà hiểu phát hiện sớm và can thiệp sớm là rất quan trọng đối với trẻ KTTT và tự kỷ. Bà đã cố gắng tham quan, học tập từ các mô hình của nước ngoài để xây dựng kế hoạch phát triển mô hình đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2002, do những thành quả mà Trung tâm Sao Mai đã đạt được trong việc phát hiện sớm và can thiệp sớm, tư vấn phụ huynh và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giảm mặc cảm cho gia đình…Trung tâm đã được quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cấp cho 900m2 đất và Atlantic Philantropies (New York) tài trợ hơn 400.000 USD để xây dựng trung tâm Sao Mai khang trang, rộng rãi như ngày hôm nay.

Thời kỳ đầu hoạt động, Trung tâm chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ và từ 2010, Trung tâm hoạt động như 1 DNXH và đã nhận được dự án giai đoạn “cất cánh” của TT hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng CSIP: “Chuyển giao mô hình can thiệp sớm cho trẻ KTTT và tự kỷ cho các địa phương”. Bà cùng cán bộ Trung tâm tư vấn, đào tạo giáo viên cho địa phương để thành lập 1 trung tâm tại TP Hải Phòng; đào tạo giáo viên cho bệnh viện tâm thần TW1, Bệnh viện tâm thần Khánh Hòa, Trung tâm Phục hồi chức năng Thụy An (thuộc Bộ TBXH), trường câm điếc Nhân Chính và nhiều cơ sở khác. Hiện nhiều tỉnh đang thăm và đề nghị giúp đỡ thành lập trung tâm, trường học dành cho trẻ tự kỷ. Vài năm gần đây đã có một số học sinh tự kỷ là con em người nước ngoài có cha mẹ công tác tại Việt Nam và con em người việt định cư ở Úc, Ba lan, Hàn quốc… can thiệp tại TTSM và đã có cháu tiến bộ, trở về nước.

Trải qua 22 năm hoạt động, Trung tâm Sao Mai đã trở thành một địa chỉ tin cậy ở Việt Nam dành cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Có được thành quả ấy là có sự đóng góp lớn lao của BS Đỗ Thúy Lan. Bà đã xây dựng nhiệm vụ, tầm nhìn, chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động của Trung tâm Sao Mai để đạt được kết quả tốt nhất trong lĩnh vực phát hiện sớm, can thiệp sớm. Và hơn hết là sự tận tụy, hết lòng vì tình yêu và tương lai tươi sáng đối với trẻ KTTT và tự kỷ của BS Lan cùng với tập thể CBCNV (lúc đầu 6-7 người và hiện nay là 92 CBCNV).

Bà Hà Angelet Phan, Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ Cộng đồng của Câu lạc bộ Phụ Nữ Quốc Tế Hà Nội cho biết: “Bác sĩ Lan đã tạo nên những tác động to lớn trong cuộc sống của các trẻ em và các gia đình đang sống chung với tự kỉ và khó khăn về trí tuệ ở khắp Việt Nam. Bà đã nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy việc phát hiện sớm, thực hiện các phương thức giáo dục mới mẻ và vận động chính sách cho trẻ em mắc chứng tự kỉ, là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta. Chúng tôi rất vui mừng được trao tặng giải thưởng Tầm nhìn dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng HIWC 2017 cho bác sĩ Đỗ Thúy Lan.”

                                                          

Bà Sarah Allen, Chủ tịch Câu lạc bộ HIWC tặng kỷ niệm chương và hoa cho BS Đỗ Thúy Lan, GĐ Trung tâm Sao Mai

Quang cảnh buổi lễ trao giải

Các quý bà CLB Phụ nữ quốc tế Hà Nội và bạn bè chia sẻ niềm vui với BS Đỗ Thúy Lan

 

Các nhân vật đoạt giải tầm nhìn phụ nữ của các năm trước chụp ảnh lưu niệm với BS  Lan

Cán bộ Trung tâm Sao Mai chúc mừng niềm vui của BS Đỗ Thúy Lan

 

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT