Cảm động tấm lòng của một người cha với đứa con thiếu may mắn
Mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng ảnh D. vẫn hàng ngày nhận phần chăm sóc, đưa đón đứa con nhỏ hơn 3 tuổi bị mắc chứng tự kỷ từ một vùng quê ở Bắc Ninh sang tận Trung tâm Sao Mai (Hà Nội) để can thiệp cho con, mong con có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghị lực phi thường, sự hy sinh, hết lòng vì con của anh D khiến nhiều người vô cùng cảm động.
Anh D từng là chủ một xưởng sản xuất sắt thép, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân, mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Từ năm 2011, phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo- bệnh tự miễn và tưởng thần chết đã mang anh đi vào năm 2013, nhưng với nghị lực bản thân, cùng với sự đồng hành của gia đình, tìm mọi phương cứu chữa cho anh, đã giúp anh thoát khỏi thần chết. Nhưng lúc nào anh cũng gắn với bác sĩ và thuốc men điều trị để kiểm soát tình trạng bệnh tật rất tốn kém. Do có điều kiện thuốc men và biết điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt nên sức khỏe cũng đã tốt lên. Từ khi bị bệnh, không thể quán xuyến các phân xưởng sản xuất nên anh đã bán dần các cổ phần ở các phân xưởng xa như ở TP HCM…. chỉ giữ lại cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh. Tuy bản thân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng hàng ngày anh vẫn trực tiếp quản lý, điều hành công việc kinh doanh của gia đình. Và hiện nay anh đã dừng tất cả công việc sản xuất, kinh doanh để tập trung can thiệp cho đứa con trai hơn 3 tuổi mắc chứng tự kỷ. Với anh giờ việc cứu con là trên hết.
Anh D cho biết, từ khi bé Đ. A hơn một tuổi, vợ chồng anh đã phát hiện những bất thường của con so với những đứa trẻ khác cùng trang lứa như bé không tập trung, rập khuôn, thờ ơ với người thân… Anh đã cho con đi khám nhiều lần ở bệnh viên Nhi Trung ương, nhưng bác sĩ chỉ kết luận về theo dõi triệu chứng tự kỷ. Anh không chịu bó tay “chờ theo dõi” mà tự mày mò tìm hiểu nhiều tài liệu, kiến thức trên mạng internet và qua những phụ huynh có con cùng mắc chứng tự kỷ để hỗ trợ con. Khi bé Đ. A hơn 2 tuổi, vẫn có nhiều biểu hiện khác thường và chậm phát triển ngôn ngữ nên anh bàn với vợ, rồi quyết định cho con đi can thiệp ở một trường chuyên biệt tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau một năm can thiệp tình trạng của bé vẫn không được cải thiện nhiều. Trước đó, anh cũng được người quen giới thiệu, đã đưa con trai đến khám, chẩn đoán tại Trung tâm Sao Mai nhưng do địa lý cách trở, anh đành cho con về can thiệp ở trường gần nhà. Nhưng rồi, thấy trình trạng của con không tiến triển, thậm chí còn có biểu hiện tăng động hơn, anh vô cùng lo lắng và sốt sắng, nên đã từ bỏ tất cả công việc kinh doanh, làm ăn để đưa con sang Trung tâm Sao Mai can thiệp. Vì nếu theo anh nếu con mình không được can thiệp đúng cách, không được học ở địa chỉ uy tín, hiệu quả sẽ mất đi cơ hội của trẻ. Vì vậy hơn 2 tháng nay, trừ lúc bé bị ốm, còn đều đặn hàng ngày anh vẫn đồng hành cùng con trên chặng đường dài vất vả, đưa con đi học rồi đón con về.
Mặc dù mang trongmình căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe không được tốt. Nhưng hàng ngày vượt chặng đường gần 200 cấy số (4 lượt đi - về), anh từ Bắc Ninh sang Hà Nội và mất khoảng 6 tiếng đồng hồ (mỗi lượt di chuyển hết 1,5h) trong quỹ thời gian ban ngày của nhưng anh không quản ngại vất vả, khó khăn. Anh có thể nhờ tài xế của gia đình đưa con đi nhưng anh không muốn, mà đích thân anh đi cùng, đưa con đến tận lớp học. Ngày nào cũng vậy, sau khi đưa con vào lớp anh thường tranh thủ hỏi cô giáo hoặc đôi khi đi tìm gặp bác sĩ Lan, Giám đốc Trung tâm để hỏi han, để được tư vấn tình trạng của con. Với anh. trên cung đường đưa con đi học, đón con về cũng là thời gian anh bên con để dạy con mọi hiện tượng của cuộc sống, phương tiện giao thông, màu sắc, cảnh vật…để con nhận biết và vui chơi cùng con để con cảm thấy vui vẻ, hứng thú, bớt áp lực khi phải di chuyển quãng đường xa xôi.
Anh chia sẻ: hầu như tất cả quỹ thời gian trong ngày của anh đều dành cho đứa con thiếu may mắn. Hàng ngày anh đánh thức con dậy vào 6h sáng, cho con vệ sinh, ăn sáng đến đúng 7h sáng và bố con anh lên xe để tài xế chở sang Trung tâm Sao Mai cho kịp giờ học vào 8h30, sau đó tài xế chở anh quay về, về đến nhà cũng là 10h sáng, lo thuốc men cho mình và phụ giúp vợ con việc nhà. Quanh quẩn một lúc buổi trưa đã đến 2h 30 chiều, anh lại cùng tài xế hành trình đi sang Hà Nội đón con về. Anh lại tiếp tục trông con, chơi với con, cho con ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ…
Vì anh mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe và mắt kém nên anh phải thuê tài xế riêng để đưa đón con anh đi học. Anh bảo chi phí cho Đ. A riêng tiền xăng xe di chuyển, tiền thuê tài xế, tiền học cho con mất khoảng 30 tr/tháng, còn tiền thuốc cho bản thân anh cũng mất 30tr. Riêng 2 bố con anh, chi phí mất khoảng 60 tr/ tháng, chưa kể mọi thứ chi tiêu hàng ngày trong gia đình và 4 người con khác của anh học hành, bỉm sữa.
Hiện này anh phải chi tiêu rất nhiều, trong khi công việc kinh doanh ngưng lại nên kinh tế gia đình anh đã giảm sút nhưng anh bảo còn người, còn của. Dù tốn kém và vất vả nhưng anh vẫn cố gắng tìm mọi cách để cứu con, thậm chí có thể bán hết tài sản, miễn con anh có tương lai tươi sáng hơn. Anh chỉ mong mình có sức khỏe tốt, để còn đồng hành cùng con.
Anh D “giành” phần chăm sóc bé Đ.A vì anh muốn gánh vác bớt những vất vả cho vợ, để vợ có thời gian chăm sóc đứa con nhỏ chưa được 1 tuổi.
Tấm lòng của một người cha, sẵn sàng hy sinh tất cả đối với đứa con thiếu may mắn của mình thật là cảm động. Anh là một tấm gương về người cha nghị lực, tận tụy, chịu thương chịu khó. Một người chồng có trách nhiệm với gia đình, thương yêu vợ con hết lòng.
Sao Mai muốn chuyển tải thông điệp về hình ảnh người cha này để tiếp thêm động lực cho các ông bố, bà mẹ không may có con bị khiếm khuyết, hãy đồng hành cùng con và tạo mọi điều kiện cho con có thể, để các con bớt đi những thiệt thòi, có được cơ hội hòa nhập và trở thành những đứa trẻ bình thường, tự lập cuộc sống, có tương lai tươi sáng hơn, không phải sống phụ thuộc hay trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.
Câu chuyện về anh D cũng muốn nhắn gửi tới một số ông bố còn chưa thực sự hy sinh hay hết lòng vì những đứa con thiếu may mắn của mình, phó thác mọi việc con cái cho vợ, cho ông bà thì có những thay đổi tích cực hơn để cùng người thân của mình chung tay cứu vớt cuộc đời của con mình, mang đến cho trẻ cuộc sống tốt hơn.
Khâm phục hơn khi anh D còn có tấm lòng rất bao dung, nhân ái. Anh luôn sẵn lòng làm từ thiện để giúp đỡ những phận người khó khăn, kém may mắn ở địa phương và ở bất kỳ nơi đâu anh bắt gặp. Khi đưa con vào học ở Trung tâm Sao Mai, anh đã tặng trung tâm hai dụng cụ đi thăng bằng cho các con vui chơi. Ngoài ra, anh cũng tặng tiền mặt để cùng Trung tâm hỗ trợ thêm học phí cho các bé có hoàn cảnh khó khăn.
Đài Thanh