Bác sĩ 70 tuổi hạnh phúc khi được trẻ khuyết tật gọi là bà nội
Niềm vinh sự nhất là bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai, được nhận giải thưởng Tầm Nhìn 2017 (của HIWC) dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng. Mới đây, bác sĩ Đỗ Thúy Lan được Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam vinh danh Bảng vàng vì bà đã cống hiến cuộc đời mình cho việc ngăn ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ cho trẻ em tự kỉ và khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam.
Hiện tại, Trung tâm Sao Mai, trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh có con bị khuyết tật trí tuệ, tự kỷ ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Hiện tại, trung tâm có hơn 200 học sinh. Con số ấy đối với một ngôi trường bình thường quá nhỏ bé, nhưng với trung tâm dành cho trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trí tuệ thì lại là con số không hề nhỏ chút nào. Bởi, một đứa trẻ tự kỷ đến trường và thay đổi, tiến bộ là cả một hành trình vô cùng gian nan của cả đứa trẻ, gia đình và giáo viên.
Chia sẻ về ý tưởng mở trung tâm Sao Mai, bác sĩ Đỗ Thúy Lan cho biết, năm 1992 trở về trước, nhiều trẻ tự kỷ đến bệnh viện tâm thần để khám và uống thuốc. Lúc đó, các bác sĩ không biết đó là chứng tự kỷ. Khi đi học ở Hà Lan, bà mới biết những đứa trẻ tự kỷ phải được hỗ trợ giáo dục chứ không phải y tế. Sau đó, bà đã mở lớp thí điểm, sau này là trung tâm Sao Mai để có thể hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ.
Là trung tâm dạy trẻ tự kỷ đầu tiên nên bác sĩ Đỗ Thúy Lan gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt thiếu những giáo viên có kỹ năng dạy trẻ tự kỷ. Bà đã nhờ các chuyên gia ở Hà Lan về tập huấn cho giáo viên, đặt bài từ các chuyên gia, xây dựng nhóm giáo viên nòng cốt, soạn giáo án và hiện giờ trung tâm đã có bộ sách giáo khoa áp dụng cho trẻ tự kỷ. Bác sĩ Đỗ Thúy Lan cho biết, thời gian đầu, trung tâm chỉ có vài chục cháu nhưng số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng, có thời điểm lên 240 cháu. “Ở các lớp thường, 1 lớp chỉ cần 1 giáo án vì trình độ các học sinh như nhau nhưng ở trung tâm Sao Mai, 240 cháu là 240 giáo án khác nhau. Các cô phải hiểu cặn kẽ từng cháu để có phương pháp dạy phù hợp”.
Không chỉ dạy trẻ học, bác sĩ Đỗ Thúy Lan còn chú trọng đến khả năng giao tiếp, kỹ năng sống cho trẻ. Vì thế mà bà đã cho mở quán cà phê, mở phòng dạy nghề làm bánh cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ lớn tuổi đang theo học tại Trung tâm Sao Mai. “Mục đích của quán không phải kinh doanh mà là giúp các em học sinh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ ở độ tuổi thanh thiếu niên có được các kỹ năng cần thiết để có một cuộc sống tự lập và hòa nhập cuộc sống. Tiền thu được từ bán cà phê, bán bánh hay photocoppy sẽ được dùng để tái đầu tư mua nguyên liệu cho các em thực hành và dùng mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em”, bác sĩ Đỗ Thúy Lan chia sẻ.
Hiện tại, dù đã ở tuổi thất thập nhưng chưa bao giờ bác sĩ Đỗ Thúy Lan cho phép mình “nghỉ hưu” mà hàng ngày vẫn cập nhật sự tiến bộ trong giáo dục trẻ tự kỷ, vẫn đi thăm các trung tâm trẻ tự kỷ ở nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo cho giáo viên trung tâm. “Điều mà tôi tự hào nhất trong gần 24 năm gắn bó với trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ là xây dựng được mô hình học tập chuyên nghiệp, hiệu quả với học sinh, mang lại điều gì đó cho đứa trẻ, cho gia đình trẻ, đạt mục tiêu thay đổi chất lượng cuộc sống cho những đứa trẻ đó”, bác sĩ Đỗ Thúy Lan cho biết.
Minh chứng cho điều này, bác sĩ Đỗ Thúy Lan kể về kỷ niệm những năm đầu mở lớp thử nghiệm cho trẻ tự kỷ, khi một bà mẹ là phụ nữ bán xôi mang đứa con trai chậm phát triển trí tuệ và ngọng đến gửi chỉ với một mong ước: Dạy cháu biết sử dụng tiền để sau này thay mẹ bán xôi vì bố và chị gái đều chậm phát triển trí tuệ. Sau mấy năm được bà can thiệp, dạy tập đọc, tập viết, các kỹ năng và đặc biệt quan tâm đến sử dụng tiền thì cậu bé này đã tiến bộ vượt bậc so với mong muốn của bà mẹ. Hiện tại, chàng trai này đã có 1 cuộc sống ổn định với vợ và hai con, có thể tự kiếm tiền bằng công việc là nhân viên bảo vệ để nuôi bản thân và con cái. Hay có 1 cháu chậm phát triển trí tuệ được bà cho đi học làm bánh, học nấu ăn, giờ trở thành nhân viên của 1 quán BBQ. Theo bác sĩ Đỗ Thúy Lan, những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ có thể hòa nhập với cuộc sống, kiếm tiền nuôi sống bản thân là thành công lớn nhất của những giáo viên như bà.
Thế nên, 24 năm gắn bó với những đứa trẻ “đặc biệt”, điều mà bác sĩ Đỗ Thúy Lan luôn cảm thấy hạnh phúc bởi “mỗi lần đến trung tâm, nghe các cháu gọi bà nội, tôi cảm thấy rất ấm áp, yêu thương và không muốn nghỉ ở nhà một ngày dù đã ở tuổi 70”.