Trung Quốc: Trẻ tự kỷ cũng học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19
Ở phía bên kia màn hình là Haorui và mẹ cậu. Cầm một tấm thẻ có ảnh quả táo, mẹ Haorui nhắc lại từ quả táo nhiều lần, cố gắng thu hút sự chú ý của con và để cậu nhận ra đó là quả táo.
Tuy nhiên, Haoru nhanh chóng thiếu kiên nhẫn, phớt lờ sự hướng dẫn của mẹ và thậm chí xé đôi tấm thẻ. Sau vài lần cố gắng, người mẹ mất kiên nhẫn và có ý định bỏ cuộc. Cô Wang trấn tĩnh người mẹ trước khi hướng dẫn bà bước tiếp theo. “Dù có một số trở ngại trong giao tiếp, nhưng Haorui có sở thích và cảm xúc của mình” – cô giải thích – “Chúng ta nên trôn trọng điều đó và giúp cậu cải thiện trên cơ sở tôn trọng. Thời gian cũng rất quan trọng trong việc dạy học của chúng tôi”.
Cô giáo 34 tuổi làm việc tự nguyện tại 4 tổ chức tự kỷ ở Suihua, tỉnh Hắc Long Giang trong 10 năm qua. Cô mang hy vọng cho hơn 200 gia đình có thành viên mắc chứng tự kỷ - một chứng rối loạn phát triển gây ra trở ngại trong các kỹ năng xã hội, cảm xúc và giao tiếp.
“Trẻ em tự kỷ ở Trung Quốc thường được gọi là ‘trẻ em của những vì sao’, các em giống như những ngôi sao, lấp lánh một mình trên bầu trời xa xôi và tối tăm” – cô Wang nói – “Học những khái niệm đơn giản như trái cây đối với các em có thể mất 1 năm, thậm chí ngay cả ở trong trung tâm phục hồi chức năng chuyên nghiệp”.
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến các trường học phải đóng cửa và giới hạn trẻ em trong nhà, cô Wang lo ngại HS của cô có thể “tụt lùi nếu không được dạy đúng lúc, đúng cách”. Thật may, internet đã mang lại hy vọng khi nó kết nối “trẻ em của những ngôi sao” với GV của các em.
Hơn 20 HS tham gia các lớp học trực tuyến của cô Wang với những hoàn cảnh và khả năng dạy của phụ huynh khác nhau. Ngày 30/1, cô Wang bắt đầu dạy trực tuyến và cô cho rằng việc này có hiệu quả hơn.
Điện thoại di động và máy tính xách tay giờ đây là công cụ giảng dạy hàng ngày của cô Wang. Cô xử lý khoảng hơn 1.000 tin nhắn mỗi ngày, giải quyết các vấn đề của phụ huynh như đưa ra cách hướng dẫn cho trẻ và cách kiểm soát giao tiếp bằng mắt. Cô dành hầu hết thời gian của mình cho các lớp học từ xa và thường cùng con gái 7 tuổi của mình để giúp thể hiện cách dạy học phù hợp.
“Mỗi đứa trẻ là một thiên thần, là một phụ huynh, tôi thấy vui và ý nghĩa khi giúp trẻ em tự kỷ bằng kiến thức chuyên môn của mình” – cô Wang nói.
Theo China Daily