Phác đồ điều trị rối loạn tự kỷ ở trẻ em
Cha mẹ cần nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ, tạo môi trường sống thích hợp cho trẻ. Sử dụng những phương pháp can thiệp dựa trên học thuyết nhận thức và hành vi, sử dụng phương tiện nhìn (thị giác) để dạy trẻ, huấn luyện đa nguyên tắc cho tất cả nhân viên chuyên nghiệp làm việc với trẻ tự kỷ.
Chương trình giáo dục nên bắt đầu càng sớm càng tốt nhất là khi trẻ ở lứa tuổi từ 2 đến 4 tuổi. Chương trình can thiệp sớm cho trẻ trước 5 tuổi bao gồm dạy trẻ và tư vấn cho gia đình.
Có bằng chứng cho thấy phương pháp trị liệu hành vi tích cực cho trẻ trước 3 tuổi đã có hiệu quả cải thiện về khả năng ngôn ngữ và chức năng xã hội sau này, can thiệp sớm tích cực 40 giờ/1 tuần trong 2 năm liên tục cho thấy trẻ có tiến bộ về nhận thức và hành vi.
Giáo dục, huấn luyện và trợ giúp cho cha mẹ cần được tiến hành thường xuyên. Gia đình trẻ tự kỷ cùng tham gia dạy trẻ có vai trò quan trọng cho sự tiến bộ của trẻ và chăm sóc trẻ toàn diện.
Trẻ tự kỷ vẫn cần được hỗ trợ về giáo dục thậm chí cả khi ngôn ngữ phát triển gần như bình thường. Dạy trẻ tại nhà theo chương trình cá biệt hóa, cung cấp cho trẻ thông tin thị giác, cấu trúc và dự đoán.
Những trẻ lớn, trẻ vị thành niên với trí tuệ khá cao nhưng kỹ năng xã hội nghèo nàn và có một số triệu chứng tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh nghi thức cần được điều trị tâm lý, hành vi nhận thức và bằng thuốc.
Huấn luyện các kỹ năng xã hội có hiệu quả đặc biệt trong điều trị nhóm.
Hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị tự kỷ mà chỉ dùng thuốc điều trị một số triệu chứng kèm theo. Một số thuốc an thần kinh có tác động làm giảm hành vi tăng động, cơn hờn giận, tự gây thương tích, hành vi định hình, rối loạn ám ảnh nghi thức.
Giáo dục trẻ bằng tranh ảnh, âm nhạc, trò chơi…
Điều hoà cảm giác là một phương pháp điều trị trẻ tự kỷ bị rối loạn điều hoà cảm giác (xúc giác, thị giác, thính giác, mùi vị, sờ, thăng bằng). Kỹ thuật này dùng để tăng hoặc giảm đáp ứng của trẻ với các kích thích khác nhau.
Với trẻ bị tự kỷ nhẹ nên đưa trẻ đi học ở lớp học bình thường. Trẻ bị tự kỷ nặng (ít hòa nhập với bạn, khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, khó khăn về học tập nhất là những môn xã hội ) cần được giáo dục đặc biệt.
Các nội dung trong trị liệu trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp:
Đa số trẻ tự kỷ có vấn đề nghiêm trọng trong phát triển giao tiếp và ngôn ngữ do đó trị liệu về giao tiếp, ngôn ngữ là hết sức quan trọng.
Can thiệp Giao tiếp và Ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ cần được thiết kế theo các mức độ
Mức độ cơ bản về các kỹ năng: Kỹ năng chú ý; Kỹ năng bắt chước; Kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ; Kỹ năng thể hiện ngôn ngữ; Kỹ năng trước khi đến trường; Kỹ năng tự chăm sóc. Sau đó nâng dần các kỹ năng này ở trẻ
Huấn luyện mức độ cao về các kỹ năng như trên và thêm: Ngôn ngữ trừu tượng; Kỹ năng trường học; Kỹ năng xã hội.
Có thể sử dụng máy hỗ trợ việc kích thích tạo ra âm thanh và lời nói của trẻ với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Hoạt động trị liệu:
Là kỹ năng vận động liên quan đến các cử động nhỏ của bàn tay, cổ tay, ngón tay, ngón chân, môi và lưỡi. Hoạt động trị liệu giúp trẻ hiểu về ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ không lời, phối hợp với các hoạt động chức năng của bàn tay.
Trẻ cần được hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt hàng ngày: kỹ năng ăn uống (dùng dao, dĩa, thìa, uống nước bằng cốc), tắm rửa, mặc quần áo, đi giầy và tất, đi vệ sinh
Kỹ năng của bàn tay: Cầm vật nhỏ, viết, vẽ, dùng kéo cắt dán; Kỹ năng tiền học đường
Phương pháp chơi trị liệu:
Với trẻ nhỏ, chơi cũng là phương tiện chủ yếu để dạy các kỹ năng xã hội và nhiều trị liệu khác. Các hoạt động trong vui chơi thường nhằm cải thiện động cơ hoặc ngôn ngữ hoặc các kỹ năng nhận thức.
Trẻ tự kỷ bị hạn chế kỹ năng chơi tập thể, chính vì vậy việc cho trẻ chơi trong một nhóm khoảng 5 đến 6 bạn theo một chủ đề nào đó (gia đình, bác sĩ, xây dựng, nấu nướng…) với sự hướng dẫn của giáo viên giúp trẻ hoà nhập với bạn bè và tuân theo các luật chơi.
Nhiều trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, điều trị kiên trì, hiệu quả sau đó vẫn có thể hòa nhập được với bạn bè cùng lứa. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và can thiệp có thể khiến trẻ bị tự kỷ nặng hơn.
Do vậy, người đóng vai trò quan trọng trong việc “đồng hành” với trẻ chính là cha, mẹ của trẻ. Tình thương dành cho con, tiếp cận các phương pháp khoa học, với sự hỗ trợ của bác sĩ, nhân viên trị liệu, cô giáo …. sẽ giúp con được điều trị tốt nhất.
PV