TỰ KỶ LÀ GÌ?
Tự kỷ là một dạng chậm phát triển, phá huỷ sự phát triển các kỹ năng giao tiếp và xã hội. Có tới 75% những người mắc hội chứng tự kỷ có kèm theo khó khăn về học (25% trẻ Tự kỷ có trí tuệ bình thường, một số rất thông minh). Tuy nhiên, cho dù trình độ và khả năng chung của trẻ có khác nhau nhưng họ cùng có chung sự khó khăn trong việc hiểu thế giới theo cách bình thường.
NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA HỘI CHỨNG TỰ KỶ?
Mức độ hội chứng tự kỷ ảnh hưởng tới cá nhân rất khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ: “Tự kỷ điển hình” hay “Tự kỷ không điển hình” (theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICDX và DSM VI). Tuy nhiên hội chứng Tự kỷ có những đặc điểm chung sau:
- Khó khăn trong các mối quan hệ xã hội:
Trẻ em và người lớn mắc hội chứng tự kỷ dường như lãnh đạm với những người khác – thậm chí với cả cha mẹ và người thân. Khả năng phát triển mối quan hệ bạn bè bị phá vỡ, cũng như không có khả năng hiểu những cảm giác, cảm xúc của người khác.
- Khó khăn trong giao tiếp:
Những trẻ mắc hội chứng tự kỷ dường như thiếu khả năng và sự hiểu biết cần thiết để có thể tham gia vào các quan hệ giao tiếp có ý nghĩa.
Ở một số trẻ Tự kỷ thời kì từ 1 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi dường như ngôn ngữ phát triển bình thường, sau đó dần dần trẻ không nói và sử dụng ngôn ngữ như trước nữa (gọi là hiện tượng thoái hoá ngôn ngữ).
Nếu có phát triển ngôn ngữ thì ngôn ngữ ở họ phát triển chậm. Những cấu trúc âm thanh thường rất riêng biệt, khác thường. Từ được dùng không phù hợp và lối nói cứng nhắc, đơn điệu, tuỳ hứng...
Ở một số trẻ hoàn toàn chậm hoặc không phát triển ngôn ngữ thậm trí 3 tuổi, 4-5 tuổi vẫn chưa nói được từ nào, thỉnh thoảng phát ra những âm, từ vô nghĩa.
Những trẻ tự kỷ thường thấy khó khăn trong việc nhận ra và hiểu những thông điệp, những tín hiệu (dấu hiệu phi ngôn ngữ) mà đối với chúng ta việc hiểu chúng là một khả năng hiển nhiên như: biểu hiện nét mặt, giọng nói, cử chỉ.
- Khó khăn trong phát triển hoạt động chơi và trí tưởng tượng:
Trẻ em tự kỷ không phát triển được hoạt động chơi mang tính sáng tạo, ví dụ như trò chơi đóng vai“chúng ta hãy giả vờ là…”, theo cách mà những trẻ khác thường chơi. Việc chơi của trẻ Tự kỷ thường cứng nhắc dập khuôn: xoay bánh xe ô tô thay vì cho xe chạy, ít chơi lần lượt với bạn hoặc với anh chị em trong nhà…
- Chống lại những sự thay đổi:
Trẻ Tự kỷ cứng nhắc trong tư duy vì vậy trẻ gặp khó khăn để hiểu và tự điều chỉnh khi có sự thay đổi: trẻ đi theo một con đường nhất định để về nhà hoặc đến trường..., chơi xếp hình chỉ theo cách riêng của từng trẻ, chỉ ăn một thức ăn nhất định (cháo, bánh mì..). Nếu thay đổi cách khác với trẻ, lập tức trẻ phản ứng mạnh mẽ (la khóc, cào cấu…) để chống lại sự thay đổi.
Những trẻ mắc hội chứng Tự kỷ thường bị ám ảnh với những vật cá biệt hay những hành vi đặc biệt, tập trung vào chúng mà không quan tâm đến những việc khác xung quanh.
Trẻ cũng có “những vùng phát triển khả năng đặc biệt”. Một số trẻ tự kỷ tổn thương nặng ở nhiều khả năng nhưng họ cũng có thể thể hiện được những tài năng như trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, toán và cơ khí.
NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG TỰ KỶ?
Đây là câu hỏi mọi người thường hỏi nhưng cũng là câu hỏi khó tìm được lời giải đáp nhất, vì cách thức ứng xử, hành vi nào đó của trẻ khi chúng ta đang chẩn đoán có thể không xuất phát và bắt nguồn từ một lý do.
Hầu hết các nghiên cứu cho rằng đó là do những vấn đề thể chất ảnh hưởng tới những phần não điều khiển, xử lý ngôn ngữ và thông tin thu nhận từ các giác quan. Có thể có sự không cân bằng về chất hoá học nào đó trong não. Nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ những yếu tố liên quan đến gen. Có nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy nguyên nhân bệnh có nguồn gốc thể chất, chứ không phải do tâm lý, tình cảm gây ra.
HỘI CHỨNG TỰ KỶ XẢY RA THƯỜNG XUYÊN NHƯ THẾ NÀO?
Tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỉ:
- Việt Nam chưa có thống kê tỉ lệ trẻ mắc chứng Tự kỉ.
- Hội tự kỷ vương quốc Anh: 7/ 1000 trẻ mắc Hội chứng Tự kỉ điển hình Kanner.
- Hội Tự kỉ bắc Carolina ( Mỹ): 2/ 1000 dân số mắc Tự kỉ.
- Hội chứng Asperger tỉ lệ nam gấp 9 lần trẻ gái.
- Chỉ số thông minh IQ: 25%- 30% trẻ mắc Hội chứng Tự kỉ có IQ bình thường ,thậm trí rất thông minh (70% có IQ < 70).
Nếu ước lượng theo tỷ lệ của Anh: Việt Nam hiện có khoảng 80 triệu dân thì trong đó sẽ có khoảng 160.000 người Tự kỉ.
NHỮNG AI CÓ THỂ BỊ MẮC PHẢI?
Hội chứng tự kỷ xảy ra với bé trai nhiều hơn 4 lần so với các bé gái. Nó xuất hiện ở tất cả các chủng tộc, quốc gia, các tầng lớp xã hội. Tại Việt nam vài ba năm gần đây cộng đồng bắt đầu quan tâm và tìm hiểu, ngay cán bộ y tế còn rất nhiều người chưa hiểu biết gì về chứng tự kỷ vì vậy có nhiều thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến tâm lí các gia đình có con em bị tự kỷ.
HỘI CHỨNG TỰ KỶ CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?
Không có thuốc để chữa khỏi chứng Tự kỷ. Tuy nhiên với chương trình giáo dục cá nhân phù hợp, kèm theo các chương trình trị liệu ngôn ngữ, hành vi, điều chỉnh giác quan... tình trạng của trẻ sẽ cải thiện được rất nhiều. Trẻ mắc hội chứng tự kỷ cần được giúp đỡ để có thể sống một cuộc sống hoà nhập và độc lập ở mức cao nhất. Sự phối hợp giữa gia đình - Trung tâm, cùng các giáo viên và các nhà trị liệu sẽ quyết định sự tiến bộ của trẻ.
VAI TRÒ CỦA CAN THIỆP SỚM:
Việc phát hiện sớm và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng đến sự hoà nhập của trẻ tự kỷ. Nguyên tắc cơ bản của can thiệp sớm là hỗ trợ và kích thích tối đa những tiềm năng của trẻ cũng như giúp định hướng sự phát triển về nhận thức, ngôn ngữ - giao tiếp và điều phối các giác quan làm giảm tối đa các khiếm khuyết của tự kỷ gây cản trở sự phát triển các hoạt động tâm lý.
CHA MẸ CẦN LÀM GÌ?
Khi chúng ta nhận được chẩn đoán của các nhà chuyên môn, đó là giai đoạn khó khăn nhất, đau buồn - hoang mang - cố tìm nguyên nhân - đổ lỗi - trách cứ…
Chúng ta cần phải thấy rằng trên thế giới cũng có hàng triệu gia đình cũng trải qua
những giai đoạn như vậy. Điều quan trọng các bậc cha mẹ cần nhanh chóng chấp nhận để tìm cách tốt nhất, hiệu quả nhất cho con. Nếu trẻ dưới 4 tuổi cần đưa đi can thiệp càng sớm càng có hiệu quả. Nếu phát hiện muộn hơn thì cũng cần phải đưa đi can thiệp ngay tại các cơ sở chuyên biệt. Để sau 1-2-3 năm trẻ có thể được đưa ra hoà nhập ở trường mẫu giáo hay trường tiểu học. Trẻ cần được can thiệp bằng chương trình cá nhân phù hợp với trình độ của trẻ.
TTSM