Chuyển giao mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ tại các tỉnh thành: Kinh nghiệm từ Sao Mai
Xuất phát từ thực tế là số lượng trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng, trong khi nhiều cơ sở được mở ra chỉ để đáp ứng nhu cầu nhưng chất lượng không đồng đều, chưa có quy chuẩn từ phía Nhà nước. Và các cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện nay chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, còn các tỉnh lẻ thì rất ít. Vì vậy, trẻ ở các tỉnh (nhất là trẻ thuộc gia đình nghèo) không hoặc ít được phát hiện, can thiệp kịp thời và hiệu quả. Với thành công của mình sau 22 năm hoạt động, Trung tâm Sao Mai đã chia sẻ, nhân rộng mô hình ra cộng đồng để ngày càng có nhiều trẻ tự kỷ được hưởng lợi từ mô hình.
Hơn 22 năm trưởng thành và phát triển, Trung tâm Sao Mai luôn thực hiện sứ mệnh cao cả là cung cấp hệ thống dịch vụ phát hiện sớm- can thiệp sớm chất lượng cao nhằm thay đổi chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ và giúp các em hòa nhập cộng đồng; Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo và nhân văn; tạo điều kiện nâng cao chuyên môn và cơ hội phát triển công bằng cho tất cả nhân viên; Thay đổi nhận thức của gia đình và cộng đồng về khả năng của trẻ KTTT và tự kỷ. Và quan trọng hơn cả là làm “Thay đổi chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ & giúp các em hòa nhập cộng đồng”.
Để thực hiện được sứ mệnh của mình, Trung tâm Sao Mai đã phải đặt ra một tầm nhìn đúng đắn. Đó là thúc đẩy đào tạo giáo viên và nhà trị liệu can thiệp cho trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT) - tự kỉ. Phát triển các dịch vụ kết hợp giữa y tế và giáo dục trong can thiệp cho trẻ KTTT – Tự kỉ. Ủng hộ và vận động các chính sách bảo đảm quyền cho trẻ em KTTT – Tự kỉ.
Trung tâm thành lập từ năm 1995, thuộc Hội CTTETTVN, có chức năng giúp phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ KTTT dưới 5 tuổi, bao gồm trẻ Down, Bại Não, Asperger, tự kỉ, rối loạn phát triển, rối loạn giác quan, tăng động giảm chú ý ( ADHD). Và triển khai các chương trình hỗ trợ tích hợp tiền học đường, tiểu học. Sau thời gian can thiệp sớm, giáo dục mầm non phát triển khả năng tự lâp, ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, phần lớn trẻ em sẽ được gửi đến các trường mẫu giáo và tiểu học; chú trọng nâng cao kỹ năng sống và nhận thức về giới tính cho trẻ lớn tuổi. Ngoài ra, Trung tâm còn tư vấn và đào tạo các trường hoặc trung tâm khác ở Hà Nội và các tỉnh khác dựa trên mô hình của Trung tâm Sao Mai; Tổ chức các buổi tập huấn cho phụ huynh để nâng cao kiến thức về trẻ khuyết tật.
Những năm gần đây, Trung tâm Sao Mai còn nhận đào tạo, nâng cao kỹ năng thực hành cho giáo viên cho cơ sở. Trung tâm đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 2 cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội Hiền Lương (Nghệ An); 2 giáo viên về trị liệu ngôn ngữ, 1 bác sỹ Tâm thần nhi và 1 cử nhân tâm lý về khám và chẩn đoán cho Bệnh viện tâm thần tỉnh Khánh Hòa; 1 giáo viên can thiệp sớm và trị liệu ngôn ngữ cho BV Tâm thần Trung ương I; 3 cán bộ, giáo viên Trung tâm PHCN Thụy An (Ba Vì) thuộc bộ LĐTBXH; 1 giáo viên thực hành can thiệp sớm Trung tâm Can thiệp sớm Hương Giang (Yên Bái); 2 giáo viên Trường dạy trẻ điếc Nhân chính (Quận Thanh Xuân, Hà Nội);1 giáo viên lớp, 1 giáo viên trị liệu ngôn ngữ cho Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Lào Cai; 2 cán bộ quản lý, 3 giáo viên nhóm lớp, 3 giáo viên trị liệu ngôn ngữ trở thành các giáo viên nguồn cho Trung tâm nghiên cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hải Phòng.
Trung tâm còn thường xuyên tiếp nhận khám, chẩn đoán cho các trẻ KTTT, tự kỷ và tư vấn cho gia đình trẻ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận (400 – 500 trẻ/năm); Hàng tháng hoặc quý, Trung tâm có tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kiến thức, kỹ năng chơi và dạy trẻ cho phụ huynh. Trong hàng chục năm gần đây, Trung tâm là cơ sở thực hành của nhiều đoàn sinh viên khoa giáo dục đặc biệt của các trường CĐ SPHN, ĐHSPHN, ĐH xã hội-nhân văn, ĐH Lao động và Xã hội…. Hàng năm, Trung tâm còn đón hàng chục đoàn sinh viên, tình nguyện viên nước ngoài đến Sao Mai thực tập và giao lưu chia sẻ.
Xuất phát từ thực tế là số lượng trẻ tự kỷ ngày càng gia tăng, trong khi nhiều cơ sở được mở ra chỉ để đáp ứng nhu cầu nhưng chất lượng không đồng đều, chưa có quy chuẩn từ phía Nhà nước. Và các cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện nay chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, còn các tỉnh lẻ thì rất ít. Vì vậy, trẻ ở các tỉnh (nhất là trẻ thuộc gia đình nghèo) không hoặc ít được phát hiện, can thiệp kịp thời và hiệu quả. Với thành công của mình sau 22 năm hoạt động, Trung tâm Sao Mai đã chia sẻ, nhân rộng mô hình ra cộng đồng để ngày càng có nhiều trẻ tự kỷ được hưởng lợi từ mô hình.
Năm 2010 Trung tâm Sao Mai nhận được dự án từ Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP). Dự án “Chuyển giao mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ đến địa phương”. Đơn vị thụ hưởng “Trung tâm nghiên cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe công đồng” thành phố Hải Phòng. Với vai trò của mình, Sao Mai đã tư vấn cho đơn vị cách thức lập hồ sơ hoạt động để xin cấp phép thành lập nghiên cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe công đồng vào tháng 9 /2010 thuộc Hội Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Trung tâm có nhiệm vụ chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ bán trú trong ngày và can thiệp theo giờ.
Trung tâm còn tư vấn môi trường vật chất cần và đủ khi can thiệp, mua sắm trang thiết bị sân chơi, đồ chơi, đồ dùng học liệu, phương tiện giảng dạy…; Tư vấn công tác tuyển chọn các vị trí nhân lực phù hợp cũng như cách thức vận hành hoạt động Trung tâm cho cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tham gia đào tạo giáo viên nguồn, tổ chức tập huấn, chia sẻ với phụ huynh có con tự kỷ đang theo học tại Trung tâm nghiên cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe công đồng nói riêng và phụ huynh Hải phòng. Trung tâm định kỳ tổ chức dịch vụ phát hiện sớm (khám, chẩn đoán, tư vấn) cho trẻ theo học tại Trung tâm nghiên cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe công đồng nói riêng và Hải phòng nói chung.
Mô hình mà Sao Mai chuyển giao cho Trung tâm nghiên cứu, tư vấn chăm sóc sức khỏe công đồng được đánh giá là rất hiệu quả. Hiện Trung tâm có 4 lớp học và 5 phòng trị liệu cá nhân, đáp ứng nhu cầu can thiệp theo cả 2 hình thức cá nhân và nhóm. Số lượng học sinh và nhân sự tăng theo hàng năm. Tỷ lệ học sinh tiến bộ ra học hòa nhập ngày càng cao, từ 5-10% vào giai đoạn 2011-2013, đến nay đã tăng lên 25 -30%. Hầu hết nhân sự có trình độ phù hợp, bao gồm 1 thạc sĩ tâm lý, 4 cử nhân tâm lý giáo dục, 3 cử nhân công tác xã hội, 2 cử nhân sư phạm giáo dục mầm non, 4 trung cấp mầm non, 1 sư phạm tiểu học, đáp ứng công tác giảng dạy, can thiệp cho trẻ hiệu quả.
Bước đầu đã hình thành được 1 cơ sở hoạt động theo mô hình can thiệp sớm của Sao Mai. Tuy quy mô chưa lớn, nhưng sau 7 năm vẫn duy trì tốt hoạt động và luôn ở trên đà tăng trưởng đều đặn. Nhờ đó, hàng trăm trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ được chăm sóc và can thiêp ngay tại chính gia đình và nơi mình sinh sống với dịch vụ chất lượng đảm bảo. Giúp giảm chi phí rất nhiều cho các gia đình có trẻ tự kỷ. Nâng cao hiểu biết về tự kỷ cho phụ huynh tại địa phương.
Từ thành công của việc chuyển giao mô hình, Sao Mai ngày càng tự tin và trau dồi được thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn quản lý và đào tạo kiến thức chuyên môn ở lĩnh vực can thiệp sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ cho các đồng nghiệp, phụ huynh, gia đình trẻ.
Cũng từ việc thực hiện Dự án chuyển giao mô hình cho cơ sở này, Trung tâm Sao Mai đã nhận ra một số khó khăn cần khắc phục. Đó là từ phía đơn vị thụ hưởng dự án thì nguồn kinh phí hoạt động còn eo hẹp trong giai đoạn khởi nghiệp (học sinh ít, đa phần học sinh nghèo). Cơ sở vật chất đi thuê, không ổn định. Quy mô nhỏ nên chưa phát triển hết tính ưu việt chuyển giao mô hình. Còn về phía trung tâm Sao Mai trong quá trình thực hiện dự án do khoảng cách địa lý quá xa gây tốn kém chi phí khi thực địa. Nhận thức cộng đồng tại địa phương còn thấp. Thủ tục hành chính kéo dài. CSIP là đơn vị đồng hành cùng dự án thì chỉ tham gia thời điểm ban đầu, thiếu sát sao trong theo dõi hiệu quả dự án và sự phát triển của đơn vị thụ hưởng ở giai đoạn sau.
Từ những thành quả cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển giao mô hình cho địa phương, Trung tâm Sao Mai đã đúc rút bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là đối tác để chuyển giao mô hình cần có các tiêu chí cơ bản như cùng sứ mệnh làm việc vì trẻ tự kỷ, có tư cách pháp nhân, có tiềm năng cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực hoạt động, có ý tưởng và nỗ lực thực hiện với mong muốn ngày càng phát triển bền vững.
Để giảm chi phí và hạn chế khó khăn về khoảng cách địa lý thì hai bên nên sử dụng công nghệ thông tin như giảng dạy online, chia sẻ kinh nghiệm video, hỏi đáp qua internet…Bên cạnh đó, doanh nghiêp đồng hành cần theo sát không chỉ trong giai đoạn chuyển giao ban đầu mà đến khi họ thực sự phát triển và chứng minh được năng lực phát triển bền vững. Ngoài ra, đơn vị đồng hành có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời với đơn vị được chuyển giao khi họ gặp khó khăn, nhằm hạn chế sự “chết yểu” của đơn vị sau giai đoạn khởi nghiệp. Nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế để có nguồn kinh phí thực hiện chuyển giao, đồng thời có thể giúp các đơn vị mới có thêm ngân quỹ hoạt động. Thúc đẩy sự quan tâm, các chính sách, sự quản lý có tính pháp lý của các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền về lĩnh vực y tế - giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ.
Ngày 10/11 vừa qua, tại Hội thảo quốc tế về tinh thần khởi nghệp xã hội năm 2017- tăng cường và phát triển sáng tạo xã hội tại châu Á do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội đồng Anh tại Việt Nam và Trường Đại học Northampton Vương quốc Anh tổ chức tại Hà Nội, Bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai đã có bài chia sẻ kinh nghiệm về chuyển giao mô hìn can thiệp cho trẻ tự kỷ tại các tỉnh, thành trên cả nước.
BS Đỗ Thúy Lan, GĐ TT Sao Mai (thứ 4 từ phải qua) tại Hội thảo quốc tế về tinh thần khởi nghệp xã hội năm 2017