Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Tầm quan trọng của việc can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ

Hiện nay, trẻ mắc chứng tự kỉ ngày càng nhiều ở Việt Nam. Trẻ mắc chứng tự kỷ được can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội phát triển và hòa nhập hơn.

Với những gia đình có con mắc hội chứng tự kỷ thì “cuộc chiến” thường kéo dài và rất gian nan. Và việc phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ là rất quan trọng. Vì phát hiện càng sớm thì việc can thiệp, khắc phục sẽ có kết quả cao hơn, trẻ càng có nhiều cơ hội hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống. Sao Mai với  mô hình can thiệp sớm của mình đã luôn đề cao trách nhiệm xã hội, chia sẻ gánh nặng với gia đình trẻ bằng việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả chuyên môn, lấy trẻ là trung tâm trong mọi hoạt động, hướng đến một tương lai tươi sáng cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ...

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, ước tính trên toàn thế giới, cứ 160 trẻ thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Còn tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Và thực tế số trẻ tự kỷ có thể cao hơn con số thống kê bởi nhiều trẻ chưa được phát hiện hoặc phát hiện, chẩn đoán muộn…

Việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ là một vấn đề cấp bách và rất quan trọng, bởi nếu được phát hiện sớm, các em sẽ có nhiều cơ hội để trị liệu và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, trở thành người có ích. Tuy nhiên, hiện nay, điều đáng báo động là nhiều bậc cha, mẹ không phát hiện ra con mình tự kỷ hoặc không chịu thừa nhận con mình mắc chứng bệnh này, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn. Phần đông trẻ được chẩn đoán tự kỷ khi đã quá 3 tuổi.

Những biểu hiện của chứng tự kỷ khá đa dạng và có mức độ khác nhau, đa phần phụ huynh chưa có nhiều hiểu biết về hội chứng này do vậy có những trẻ bị mắc bệnh thể nhẹ thường được gia đình cho đi khám chẩn đoán muộn, có trẻ đến lúc đi học tiểu học mới được phát hiện khiến trẻ mất đi cơ hội can thiệp và sự cải thiện của trẻ sẽ rất thấp. trong khi nhiều phụ huynh chủ quan, không để ý đến con khi có các dấu hiệu tự kỷ nhẹ khiến cho tình trạng này kéo dài, cản trở sự phát triển của trẻ và gây khó khăn trong quá trình can thiệp, điều trị. Ngược lại, những trẻ bị nặng, thể điển hình thường được cha mẹ phát hiện đưa đi khám và can thiệp sớm tự kỷ từ lúc 12-18 tháng tuổi.

Trẻ mắc bệnh tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tương lai của bản thân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, các em sẽ được trợ giúp ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để có thể hòa nhập với cuộc sống.

Thời điểm can thiệp tốt nhất cho trẻ tự kỷ là ba năm đầu đời, do bộ não có tính linh hoạt, nơron thần kinh liên kết lỏng nên dễ nối kết. Phần lớn các chương trình can thiệp sớm hiện nay thường chú ý nhóm trẻ từ 0 đến 3 tháng, còn theo thuật ngữ mở rộng thì can thiệp sớm đến trước 6 tuổi. Sau độ tuổi này, trẻ đi học tiếp tục được can thiệp hỗ trợ hoặc can thiệp hòa nhập. Chương trình can thiệp hòa nhập được hiểu là sự kết hợp với hoạt động học tại trường phổ thông hoặc can thiệp phục hồi chức năng hoàn toàn tại môi trường chuyên biệt đối với trẻ nặng.

Hiện nay, Trung tâm Sao Mai áp dụng các hình thức can thiệp sớm cho trẻ theo lộ trình trị liệu cá nhân và trị liệu nhóm. Trị liệu cá nhân như: Trị liệu tâm lý, trị liệu ngôn ngữ - giao tiếp phi ngôn ngữ (bằng cử chỉ) hoặc bằng ngôn ngữ nếu có thể, trị liệu hành vi, trị liệu nước, điều chỉnh các giác quan, mỹ thuật, nhận biết thế giới xung quanh trẻ.... Và trị liệu nhóm như: Âm nhạc, tâm kịch, dã ngoại .... tạo tương tác và giao tiếp xã hội. Ngoài ra cần giáo dục đặc biệt cho trẻ về các kỹ năng tự lập, phát triển chức năng, các kỹ năng tiền văn hoá và văn hoá, các kỹ năng tiền hướng nghiệp.

Để chương trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ đạt hiệu quả, Trung tâm Sao Mai tiến hành phân loại trẻ dựa vào kết quả đánh giá tình trạng ban đầu tại phòng khám của trung tâm. Các thông tin đó là: chỉ số phát triển, chỉ số thông minh (sử dụng test Denver 2, bộ trắc nghiệm trí tuệ dành cho trẻ em WISC-IV, trắc nghiệm Raven màu…), kết quả từ bảng chẩn đoán tự kỷ cho trẻ có chỉ số phát triển bình thường và chậm phát triển trí tuệ (CARS, Bảng chẩn đoán Tự kỷ cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, M-CHAT), gia đình trẻ, nhu cầu của trẻ và gia đình. Sau đó kết hợp với sự quan sát của giáo viên, đánh giá sở thích, điểm mạnh, điểm yếu, mức độ tật, mỗi trẻ sẽ có một chương trình giáo dục cá nhân trong từng tháng. Sau mỗi tháng giáo viên, cán bộ tâm lý, giáo viên trị liệu sẽ đánh giá lại để xây dựng chương trình can thiệp của tháng tiếp... Tuy nhiên, một số trẻ nặng sẽ phải dùng thuốc (An thần kinh, kháng động kinh...) hỗ trợ kết hợp. Sau 6 tháng đến một năm học, tất cả trẻ lại được đánh giá lại tuổi khôn và mức độ tự kỷ.

Trên thực tế, mỗi một trẻ tự kỷ sẽ có các biểu hiện khác nhau, vì vậy, không có phương pháp can thiệp sớm điều trị chuẩn cho tất cả các trường hợp, mà giáo viên, nhà trị liệu của Trung tâm Sao Mai sẽ xây dựng chương trình can thiệp riêng cho từng nhóm trẻ hoặc từng cá nhân cụ thể. Hầu hết các trường hợp can thiệp sớm ở Sao Mai đều đạt kết quả tốt, thậm chí nhiều trẻ phát triển bình thường và hòa nhập cuộc sống như bao trẻ em khác cùng trang lứa.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng can thiệp sớm hiệu quả có tác dụng cải thiện chức năng của não. Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ. Vì vậy, vai trò của phát hiện sớm là rất quan trọng. Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ không thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường.

Còn theo Bác sỹ Đỗ Thúy Lan, Chuyên khoa II tâm thần, Giám đốc Trung tâm Sao Mai cho biết: Hầu như phụ huynh đều bị sốc khi bác sĩ kết luận con họ mắc hội chứng tự kỷ. Bởi hiện tại, tự kỷ chưa có thuốc chữa, trẻ mắc tự kỷ khi nhỏ thì lớn lên, trưởng thành vẫn là người tự kỷ. Khoa học đang nghiên cứu để tìm nguyên nhân và thuốc chữa. Tuy nhiên nếu trẻ tự kỷ được phát hiện, chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lí và kiên trì trước 40 tháng tuổi thì trẻ có thể tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu được can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống, còn nếu không được điều trị sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi dễ bị tâm thần… 

Đài Thanh

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT