Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

Sao Mai mang kiến thức đến với phụ huynh Sơn La

Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, Đoàn công tác Sao Mai đã về Trung tâm Sao Sáng tâp huấn cho giáo viên, phụ huynh về các kỹ năng, phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.

Trước tình trạng, nhiều phụ huynh ở Sơn La chưa biết có nhiều kiến thức về trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Nhiều phụ huynh còn nghĩ do con mình hư hay bị ma ám và có những hủ tục như cúng bái để trừ ma hay quát mắng, thậm chí dùng cả roi vọt để dạy con… Chính vì phụ huynh không biết con em mình bị khiếm khuyết về trí tuệ, tự kỷ đã khiến cho tình trạng của trẻ ngày càng nặng hơn. Một số phụ huynh hiện đại hơn thì tìm hiểu tình trạng của con em mình qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đưa con đi thăm khám ở các cơ sở chuyên biệt, các bệnh viện cũng đã biết con em mình bị tự kỷ, chậm phát biết con em mình bị tự kỷ nhưng đang rất hoang mang vì không biết tương lai của con mình sẽ ra sao? Các bạn như con mình thì các cha mẹ làm gì? Có phương pháp bài thuốc nào cứu chữa được không?... Nhưng qua đợt tập huấn phụ huynh của các nhà chuyên môn trong Đoàn công tác Sao Mai, đã giúp phụ huynh hiểu được về khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, đặc biệt là biết được tình trạng của con và đã hiểu về con hơn và bớt đi những hoang mang, lo lắng. Họ biết cần phải làm gì cho em em mình để trẻ có cuộc sống tốt nhất có thể.

Sao Mai cũng đã mang đến cho các phụ huynh vùng cao Sơn La một giải pháp, một niềm tin đó là các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ hiện nay cũng như nâng cao năng lực cơ sở để họ có thể can thiệp cho con em mình ngay tại địa phương mà không phải vất vả tốn kém, bỏ công bỏ việc đưa con về Thủ đô để can thiệp.

Qua chương trình tập huấn phụ huynh, giảng viên cũng đã chỉ ra cho phụ huynh rằng, hiện nay rất nhiều phương pháp để can thiệp cho trẻ, tuy nhiên không có một phương pháp nào tốt nhất, phù hợp với tất cả mọi trẻ, mọi gia đình, mỗi phương pháp đều có điểm yếu điểm mạnh khác nhau và mỗi trẻ tự kỷ cũng có điểm yếu, điểm mạnh riêng. Vì vậy, cần phải kết hợp nhiều phương pháp, biện pháp khác nhau, từ nhiều nhà chuyên môn và từ nhiều phía, trong đó, sự hợp tác của gia đình cũng có một vai trò rất lớn trong quá trình can thiệp thành công cho trẻ. Và khi chọn phương pháp can thiệp, địa chỉ can thiệp cho con, phụ huynh cần tìm đến những cơ sở, bác sĩ, chuyên gia uy tín để được tư vấn kỹ càng; ưu tiên sử dụng điểm mạnh của trẻ, và chọn phương pháp phù hợp với khả năng hiện tại của trẻ, điều kiện của gia đình…

Tại buổi tập huấn, phụ huynh cũng được lưu ý không nên tin vào những lời hứa hay những khẳng định của một chuyên gia hay cơ sở nào đó rằng phương pháp của họ có thể chữa khỏi tự kỷ hoặc trẻ có thể chữa hết tự kỷ trong một khoảng thời gian nhất định; có một phương pháp can thiệp nào đó là tốt nhất, duy nhất và hiệu quả với tất cả mọi trẻ; cải thiện tất cả mọi lĩnh vực của tự kỷ, can thiệp mà không cần đánh giá ban đầu hay theo dõi quá trình của trẻ… Những lưu ý này có thể giúp cho phụ huynh tránh được bị lừa, “tiền mất tật mang”.

Chương trình tập huấn phụ huynh của Sao Mai tại địa phương Sơn La đã được đông đảo phụ huynh nơi đây hưởng ứng và tham dự. Trước tinh thần cầu thị của phụ huynh Sơn La, Đoàn công tác Sao Mai quên hết mệt mỏi, đường sá xa xôi, làm việc hết mình trong 2 ngày của lịch trình để mang đến những điều bổ ích cho các quý vị phụ huynh nơi đây. Tất cả với mong muốn đồng hành cùng cha mẹ của trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ ở vùng cao Sơn La để giúp bé vững bước trong tươi lai.

Các phương pháp can thiệp được giới thiệu trong chương trình tập huấn thì có 2 phương pháp mà các phụ huynh quan tâm đó là: phương pháp ESDM và phương pháp PECs. Vì ESDM là mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ nhỏ được đánh giá cao hiện nay và PECs là phương pháp giúp cho phụ huynh dễ thực hiện với trẻ có "xuất phát điểm thấp" – ngay cả với trẻ tuổi khôn dưới 9 tháng, đây là đối tượng mà phụ huynh gặp nhiều khó khăn khi dạy con...

Phương pháp ESDM được kết hợp hài hòa giữa 3 cách tiếp cận, đó là khung phát triển, dựa trên các mối quan hệ, phân tích hành vi ứng dụng. tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt cho sự phát triển của trẻ trong suốt quá trình can thiệp, nhằm phát triển nhuần nhuyễn và chủ động các kỹ năng, có nhấn mạnh vào giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Tập trung vào sự tham gia tích cực của phụ huynh và của nhóm đa chức năng. Dạy trong khi chơi và dạy ở đa môi trường, diễn ra trong bất cứ thời gian nào trong ngày. Trẻ theo học ESDM được đánh giá các kỹ năng bằng công cụ bảng điểm (dựa trên thang phát triển của trẻ nhỏ) để chỉ ra những điểm thiếu hụt. Bên cạnh đó trẻ còn được đánh giá bởi một nhóm giáo viên trị liệu, phụ huynh và giáo viên lớp, nếu cần thiết sẽ được phối hợp cả với giáo viên trị liệu ngôn ngữ và giáo viên trị liệu giác quan, tâm lý… Sự đánh giá của mô hình ESDM rất cụ thể, khoa học, chính xác với trẻ nhỏ tự kỷ, từ đó để đưa ra liệu trình can thiệp phù hợp cho trẻ, giúp trẻ tiến bộ nhanh. ESDM là hiện đang là mô hình can thiệp rất hiệu quả tại Sao Mai.

PECs là một dạng của hình thức giao tiếp thay thế và thúc đẩy giao tiếp trong đó người ta sử dụng hình ảnh dưới các hình thức khác nhau thay cho ngôn ngữ để giúp trẻ có thể học cách giao tiếp. PECs thường được ứng dụng với 6 giai đoạn/ cấp độ khác nhau: Giai đoạn 1: Dạy trao đổi có trợ giúp về mặt thể chất (Khi trẻ thấy đồ vật rất thích, trẻ lấy tranh, đưa cho đối tác giao tiếp). Giai đoạn 2: Tăng cường tính chủ động (Trẻ di chuyển lấy tranh, đến gần đối tượng giao tiếp, gây sự chú ý, bỏ tranh trong tay của các đối tác giao tiếp). Giai đoạn 3: Phân biệt tranh (Trẻ xin đồ vật bằng cách đến gần sách giao tiếp, chọn đúng tranh, đến gần đối tượng giao tiếp và đưa tranh cho đối tác giao tiếp). Giai đoạn 4: Hình thành câu (Trẻ xin đồ vật bằng nguyên câu. Thông thường, trẻ sẽ có nhiều hơn 20 tranh mà trẻ có thể giao tiếp được với nhiều người khi xong với giai đoạn này). Giai đoạn 5: Trả lời “Con muốn gì” (Trẻ tự xin đa dạng đồ vật và trả lời câu hỏi “con muốn gì”). Giai đoạn 6: Bình luận (Trẻ chủ động xin, bình luận và trả lời thuần thục các câu hỏi “con muốn”, “con thấy”, “con có”, “con nghe” …”

Đài Thanh

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ