Những điều cha mẹ nên biết khi chăm sóc, can thiệp cho trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm, trẻ sẽ có cơ hội để hòa nhập nhưng nếu trẻ bị phát hiện muộn hay không được can thiệp đúng cách, đúng chỗ sẽ mất đi cơ hội vàng của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên để ý phát hiện sớm hội chứng tự kỷ của con mình thông thông qua các triệu chứng mà biểu hiện đơn giản nhất là trẻ không hề có phản ứng khi được gọi tên hoặc trẻ chỉ thích thú tập trung thời gian lâu với 1 vật gì đó...
Cha mẹ thường hay có quan niệm sợ người khác xa lánh khi biết con mình bị mắc chứng tự kỷ, không nên giấu con mình mà nên nói cho tất cả mọi người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như người trong gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng, cô giáo dạy cháu biết về tình trạng của con mình. Những người đó họ sẽ quan tâm tới con mình hơn, sẽ chia sẻ hỗ trợ mình trong cách chăm sóc trẻ, hiểu tình trạng trẻ hơn thì mọi người sẽ phối hợp tốt hơn trong việc can thiệp cho bé.
Tôi từng chứng kiến một ông bố đưa hai con trai tầm 3-5 tuổi, đều mắc hội cứng tự kỷ đến can thiệp sớm theo giờ tại một trung tâm chuyên biệt. Nhân ngày kỷ niệm người khuyết tật Việt Nam 18/4, nhà tài trợ đến trao quà cho Trung tâm mà hai bé đang theo học. Lúc ông đón con ra về, nhà tài trợ chạy đến trao 2 bé hai túi quà cho hai bé (trị giá 500.000đ/ suất), bên ngoài túi đựng quà có in tên tổ chức từ thiện thì ông bố liền từ chối với lý do anh sợ mang hai túi quà đó về nhà, những người hàng xóm nhìn thấy sẽ bảo nhà anh có những 2 trẻ bị khuyết tật. Thì ra bấy lâu nay, gia đình anh giấu con vì sợ bị kỳ thị, xấu hổ. Nhưng ông bố ấy đâu có hiểu rằng, chính hành động và suy nghĩ của mình càng làm cho hội chứng tự kỷ của con mình ngày một tồi tệ hơn.
Theo các chuyên gia thì phụ huynh nên cho trẻ hoà nhập với các bạn bè càng sớm càng tốt: bằng cách cho đi nhà trẻ, chơi với trẻ con hàng xóm… Nên cho trẻ hòa nhập vào môi trường của các bé bình thường càng sớm càng tốt.
Để có thể tiến bộ nhanh, các bậc phụ huynh đừng đặt hết trách nhiệm vào cô giáo mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình. Khi dạy cho trẻ tốt nhất mọi người trong gia đình phải tham gia. Dạy trẻ thông qua các đồ vật trong nhà, các tranh ảnh… Việc dạy trẻ tự kỷ đòi hỏi phải rất kiên nhẫn, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, đòi hỏi người dạy phải trò chuyện nhiều với cháu. Cách dạy hiệu quả nhất là thông qua các đồ chơi, các sinh hoạt trong gia đình hàng ngày. Khi trẻ có tiên bộ, cha mẹ nên khen thưởng trẻ đúng nơi đúng lúc, nhằm khích lệ trẻ khi trẻ làm được việc gì dù rất nhỏ. Khen thưởng cần đúng nơi đúng chỗ nếu không sẽ có tác dụng ngược lại
Nhiều trẻ tự kỷ khả năng tri giác và trí nhớ hình ảnh tương đối tốt cho nên khi dạy trẻ tự kỷ chúng ta cần phải có đồ dùng hoặc tranh ảnh để giúp trẻ tiếp thu tốt hơn. Việc dạy trẻ tự kỷ có những lúc rất khó khăn nhưng không phải lúc nào trẻ cũng không tiếp thu được cái ta dạy, mà có lúc sẽ còn nhanh hơn rất nhiều so với việc ta nghĩ. Do đó khi làm việc với trẻ cha mẹ hãy luôn kiên trì, kiên nhẫn, lặp đi lặp lại cho trẻ nhiều lần, không nên bi quan bỏ mặc trẻ mà hãy cùng trẻ vượt qua mọi thử thách. Hãy cố gắng hiểu trẻ hơn là để trẻ phải cố gắng hiểu ta.
Các cha mẹ nên tham gia các buổi hội thảo chuyên đề hay các buổi tập huấn cho phụ huynh về các kỹ năng can thiệp vì ở đó cha mẹ sẽ được trao dồi thêm kỹ năng và kiến thức để làm việc với con mình.
Điều quan trọng hơn cả là khi cha mẹ đưa trẻ đi học ở một cơ sở chuyên biệt nào đó thì hãy tìm hiểu kỹ về môi trường, cở sở vật chất, trình độ giáo viên cũng như chất lượng, uy tín để có thể chọn được một Trung tâm, trường học chuyên biệt tốt nhất cho trẻ, tránh tiền mất tật mang. Sự cả tin, vội vàng của cha mẹ đôi khi vô tình làm hại cuộc đời con mình. Bởi khi trẻ đang ở giai đoạn can thiệp vàng từ 18-36 tháng tuổi hoặc dưới 5 tuổi mà không được can thiệp sớm, đúng phương pháp, đúng quy trình thì trẻ mất đi cơ hội hòa nhập.