Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Nhật ký người mẹ có con tự kỷ

 Mẹ không tha thứ cho mình Chỉ vì những bất cẩn của mẹ, con đã phải trả giá quá đắt. Nhìn đôi mắt con vô hồn, lơ đãng, thờ ơ, mẹ luôn tự dằn vặt mình. Giá như mẹ quan tâm hơn đến con thì đâu đến nỗi…  

Chỉ tại mẹ vô tâm

Dù đã đọc hàng trăm lần những nghiên cứu, khuyên cáo phân tích rằng đừng nên đổ lỗi cho cha mẹ khi thấy con mình mắc bệnh tự kỷ, nhưng mẹ vẫn không thể không tự trách mình. Để con như hôm nay, mẹ thấy nghìn lần có lỗi.

Ngày mẹ có con, mẹ không hề biết. Khi đó, mẹ đang bước vào giai đoạn bận rộn nhất trong cuộc đời. Mẹ hăm hở phấn đấu và nỗ lực gây dựng cho mình một sự nghiệp, một vị trí mà mẹ nghĩ mẹ cần phải đạt được. Mẹ làm hết sức mình mà quên mất rằng con người ta cần phải ăn ngủ, nghỉ ngơi, cần phải sống trước khi có được bất cứ điều gì. Bởi vậy, mẹ luôn luôn mệt mỏi, luôn cảm thấy hụt hơi. Đến khi mẹ rơi vào tình trang kiệt quệ thì mẹ phát hiện ra con đã đến với mẹ. Không phải tin mừng mà là dấu hiệu động thai. Mẹ bị ra máu và phải nằm điều trị tại bệnh viện. Nhiều người khuyên mẹ bỏ con. Nhưng mẹ thấy oan ức cho con quá. Và mẹ nỗ lực cùng bác sỹ giữ con lại trên đời. Có lẽ những chấn động này đã ảnh hưởng đến con chăng? Vì lúc đó con còn quá nhỏ, mỗi tổn thương đều để lại dấu ấn khó chữa lành.

Những ngày sau đó, mẹ càng vất vả hơn. Mẹ thường xuyên chịu áp lực, căng thẳng và hay cáu gắt. Sau này có thời gian đọc lại các sách vở, mới hay những căng thẳng, cáu gắt tạo nên những độc tố trong máu mẹ. Những độc tố này có thể truyền thẳng cho con, gây độc thần kinh cho con, khiến não bộ và thần kinh của trẻ không được hoàn chỉnh. Chẳng biết con của mẹ có phải chịu đựng nỗi khủng khiếp này không?

Lần nào đi khám thai, bác sỹ cũng bảo mẹ là thai rất nhỏ, khả năng suy dinh dưỡng. Nhưng mẹ chẳng để tâm. Mẹ nghĩ con của mẹ có thể hơi nhỏ, nhưng đến lúc đủ tháng đủ ngày, con sẽ ổn cả thôi. Đến tháng thứ chín, con cũng chịu tăng tốc thật. Đến ngày chuyển dạ, con được 3kg. Mẹ cho thế là tạm ổn.

Đứa trẻ bị bỏ quên

Khi hết thời gian được nghỉ thai sản, mẹ phải đi làm trở lại. Bà nội, bà ngoại đều bận cả. Mẹ phải đưa con đi gửi ở nhà bác hàng xóm. Mỗi lần nghe thấy tiếng con khóc, mẹ xót hết cả ruột. Không biết cảm giác mẹ đột ngột biến mất cả ngày dài có tạo nên những chấn động tâm lý đến con?

Sau đó, mẹ nhờ người họ hàng ở quê ra trông con. Công việc bận rộn, mẹ đi từ sáng tới tối mới về. Con ít giao tiếp, ít cười đùa, không vẫy tay tạm biệt hay giơ tay đón mỗi khi thấy mẹ. Trong lòng mẹ áy náy nhưng mẹ nghĩ chắc là do con chậm hơn anh. Mẹ hy vọng rồi con cũng làm được như mọi đứa trẻ khác.

Con bỏ sữa mẹ rất sớm và chuyển sang bú bình. Bởi mẹ đi cả ngày nên sữa mẹ chẳng còn chất gì cả, không thơm ngon như trước. Sữa ngoài thì ngọt, con càng thích hơn. Mỗi lần trông con ôm cái bình, tay mân mê bình như ôm một vật thân thiết nào đó, mẹ chợt cảm thấy xót xa. Con yêu cái bình hơn yêu mẹ mất rồi. Có lẽ con đang mường tượng cái bình ấy là ti mẹ. Mẹ ôm con vào, dấu dí, nhưng con chỉ nhoai người, choài ra. Con từ chối sự vồ vập của mẹ. Nhưng mẹ đâu hiểu nổi điều gì đang diễn ra trong trí óc, trong tâm hồn bé xíu của con. Con đã đóng cửa tấm hồn mình và tự nhốt mình trong đó. Mẹ chỉ nhận ra điều ấy khi đã khá muộn màng.

Con biết cái gì cũng chậm. 18 tháng tuổi, con nói được vài từ, từng âm tiết một, nhiều lắm làm hai âm tiết “mẹ ơi” “bà ơi”, “bố ơi” rồi con dừng lại. Dù cố khuyến khích, con cũng không thể nói thêm được từ nào. Ánh mắt con bất lực vì ngôn ngữ không thể bật ra. Từ 20 tháng trở đi, con trở nên cáu gắt, hay nổi khùng và hay dằn dỗi. Con muốn cái gì con không nói được, chỉ ngắc ngứ rồi dậm chân. Con đau ở đâu cũng không biết kêu, không thể lấy tay để chỉ. Nếu ở nhà, mẹ sẽ cố tìm mọi cách để biết con muốn nói gì. Hai mẹ con đánh vật với nhau để tìm ra câu trả lời. Nhưng nếu không có mẹ, con chẳng thể có người phiên dịch hộ. Thế là con càng cáu gắt, quấy khóc và hung tợn hơn. Con làm bị thương tất cả mọi người ở gần con. Con đập vỡ làm hỏng đồ đạc một cách quá khích. Khi đồng hồ sinh học của con gióng lên “Mẹ !mẹ” mà mẹ vẫn chưa về, con chui xuống gầm bàn ngồi buồn thiu như chó cúm. Vậy mà mẹ vẫn không biết rằng con đang lâm vào tình trạng gì. Ôi, sự vô tâm của mẹ thật là tội ác với con.

Ân hận muộn

Nhưng chỉ một tháng sau khi con nhập học mẫu giáo, cô giáo hiệu trưởng đã gọi mẹ lại, bảo đưa con đi khám tự kỷ. Kết luận của bác sỹ ngay sau đó đã làm mẹ choáng váng. Con bị tự kỷ ở mức độ nhẹ, nhưng vẫn cần phải hỗ trợ điều trị, đặc biệt là về tâm lý. Lúc này, mẹ chưa hề có những khái niệm gì về căn bệnh này. Và mẹ chia sẻ với bố. Nhưng bố con đã gạt đi. Với bố, con vẫn bình thường, chỉ là hơi chậm một chút. Lớn lên con sẽ hết, bố động viên mẹ như vậy. Và mẹ yên tâm con sẽ sớm khỏi thôi.

Nhưng con đã không như mẹ nghĩ. Trong khi những đứa trẻ cùng lứa tuổi với con biết mọi thứ, thì con vẫn dậm chân tại chỗ. Con không thể nói được một câu, không trả lời được câu hỏi, không biết bộc lộ tình cảm yêu, ghét, vui, buồn, không biết tự làm những việc cá nhân, không biết chơi cùng bạn bè, không biết nhai và tự xúc cơm ăn. Mọi việc đều có người làm giúp. Trong nhà luôn có hai người giúp việc. Một để làm việc nhà và một chăm sóc con. Mẹ nghĩ con đã được chăm sóc tốt nhất. Nhưng mẹ không biết rằng khi mẹ đi vắng, con chỉ được chơi với cái tivi và ipad. Người giúp việc của con thì buôn điện thoại. Đến giờ thì xay cháo đổ vào mồm con. Con chỉ việc há, ngậm, nuốt nuốt.

Khi con được gần 5 tuổi, cô giáo chủ nhiệm khuyên mẹ cho con đi điều trị, mẹ còn ương bướng cãi: “Em chẳng tin vào những kết luận của bác sỹ”. Thật may, cô giáo chủ nhiệm lại là người rất có kinh nghiệm và rất thương con. Cô đã bảo mẹ đứng ở bên cửa sổ để theo dõi con một buổi sáng. Những gì mẹ thấy khiến cho mẹ thẹn thùng xấu hổ. Con ngồi im một chỗ, không nói chuyện với ai, không tham gia bất kỳ hoạt động nào. Các bạn khác thì răm rắp, nói một cái là làm. Cô đẩy vào lưng con, bảo con làm gì, con ngơ ngác một chút rồi lại chìm đắn trong hư vô. Cô giáo nói “Con em nó không hòa đồng được với xung quanh. Đó chính là tự kỷ. Nó khác thường và nó không biết phải làm gì. Là mẹ, em không sớm nhận ra và giúp đỡ nó, để những thời gian vàng trôi quá thật lãng phí. Đó chẳng phải là lỗi của mẹ là gì?”.

Cô giáo nói trúng những gì mẹ đang lo lắng. Những giọt nước mắt ân hận không bù đắp lại được sự vô tâm của mẹ. Hẳn con đã phải chịu đựng rất nhiều, phải một mình vật lộn với thế giới bóng tối lạnh lẽo và cô đơn của con mà mẹ không hề biết. Dù muộn còn hơn không, mẹ cần phải đánh thức con dậy, phải kéo con trở về. Mẹ sẽ làm như thế nào đây? Bằng bất cứ giá nào, mẹ tin mẹ sẽ làm được.

Hải Hằng

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT