Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm mới có thể hòa nhập xã hội

Tỉ lệ trẻ tự kỷ gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ.

Theo chuyên trang của LHQ thì rối loạn tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời. Tự kỷ là kết quả rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Đặc trưng của người có chứng tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

Mặc dù chứng tự kỷ chưa rõ nguyên nhân, chưa tìm ra cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm đúng cách người tự kỷ có cơ hội tiến bộ rất cao. Họ có thể hòa nhập xã hội và đi học, đi làm có khả năng sống độc lập không trở thành gánh nặng xã hội.

Chứng tự kỷ hiện đang có tỷ lệ mắc rất cao trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện tại, chưa có một số liệu thống kê chính thức về số lượng người mắc chứng tự kỷ ở trong nước.
Trung tâm phòng và kiểm dịch Hoa Kỳ (CDC) ước tính tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ là 1 trong 68 trẻ. Những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu, và Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ trung bình là 1% dân sốtương đương khoảng 910.000 người mắc chứng này. Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường, nhưng con số đó chưa nói lên hết thực trạng, vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đang tăng mạnh từng năm với số lượng khoảng 20.000 trẻ. Trẻ tự kỷ thường có những biểu hiện chậm trễ trong ngôn ngữ nói so với bạn cùng tuổi hoặc nói những từ ngữ không có nghĩa. Trẻ tự kỷ hạn chế giao tiếp bằng mắt, chậm nhận thức, có những hành vi rập khuôn, định hình không giống như những đứa trẻ khác.

Cho đến nay, các nhà chuyên môn trên thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân xác thực vì sao một đứa bé sinh ra hoàn toàn bình thường, tay chân lành lặn lại mắc hội chứng tự kỷ. Với một trẻ tự kỷ, sinh hoạt quy định hằng ngày có thể không được thực hiện. Đời sống của cha mẹ và của những trẻ khác trong gia đình do đó trở nên căng thẳng và đầy lo âu.

Các nghiên cứu đã chứng minh việc can thiệp giáo dục sớm dẫn đến những kết quả tốt cho trẻ và gia đình. Can thiệp sớm có thể bao gồm việc dạy trẻ nhận biết những gì đang xảy ra trong môi trường xung quanh, biết chú ý, biết bắt chước hành vi, dần dần cải thiện những kỹ năng giao tiếp của trẻ. Tuỳ theo nhu cầu của trẻ, sự can thiệp sớm có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, vật lý và hướng nghiệp.

Tuy nhiên, câu chuyện về những bậc phụ huynh, những trẻ được can thiệp sớm hay muộn là việc vô cùng quan trọng. Cũng có không ít những trường hợp đến viện can thiệp khi đã quá muộn, khi đó, hiệu quả điều trị, thay đổi hành vi cho những bé khó khăn hơn rất nhiều.

Theo tính toán của các chuyên gia, việc can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội: Nếu 100 trẻ được can thiệp sớm và 40 trong số đó chỉ có một phần tiến bộ, cộng đồng có thể tiết kiệm tới 9,5 triệu đô la trong suốt quá trình những đứa trẻ này đi học (từ 3 - 22 tuổi). Và quan trọng hơn là phần lớn trẻ tự kỷ thể hiện sự tiến bộ nhờ vào can thiệp sớm. Nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng can thiệp sớm hiệu quả có tác dụng cải thiện chức năng của não. Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ.

Vì vậy, vai trò của phát hiện sớm là rất quan trọng. Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ không thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường. Với trẻ em từ 0 đến 6 tuổi, giáo viên và phụ huynh là hai nhóm người chăm sóc trẻ chính. Hai người này rất quan trọng, ảnh hưởng tới cuộc đời của một đứa trẻ tự kỷ. Nếu một người mẹ có kiến thức và một giáo viên tốt, có kỹ năng chuyên môn thì sẽ giúp cho một đứa trẻ có nhiều tiến bộ. Nhưng nếu một người mẹ không hiểu biết, không có kiến thức về hội chứng tự kỷ mà con mắc phải và một giáo viên không được đào tạo bài bản, can thiệp không đúng phương pháp thì sẽ làm mất cơ hội hòa nhập của một đứa trẻ tự kỷ, khiến cuộc đời của trẻ trở nên tàn phế.  Thực tế nhiều phụ huynh do hoàn cảnh mà không có hiến thức về xã hội cũng như kiến thức về hội chứng tự kỷ mà con mình mắc phải. Phụ huynh cứ tưởng con mình lì lợm, quậy phá thường dùng roi vọt để dạy con khiến cho bệnh của con trầm trọng hơn. Đến tuổi đi nhà trẻ, phụ huynh cho con đến lớp, cô giáo phát hiện thấy trẻ không bình thường so với bạn bè trong lớp, biết trẻ bị tự kỷ nhưng không nói với phụ huynh vì thiếu tự tin, né tránh… Nhưng sự thiếu hiểu biết của phụ huynh hay sự vô tâm của cô giáo đều mắc tội lớn với đứa trẻ.

Thiết nghĩ, các bậc làm cha mẹ cần có con nhỏ cần tìm hiểu những thang phát triển của trẻ theo từng độ tuổi để đối chiếu với sự phát hiện của con mình, nếu thất bất thường của con mình cần sớm đưa con đi thăm khám ở các cơ sở y tế uy tín hoặc gặp gỡ các nhà chuyên môn, chuyên gia. Còn đối với giáo viên trong các trường mầm non cũng cần tìm hiểu những thông tin về hội chứng tự kỷ, phát hiện sớm để đối chiếu những thông tin đó với sự phát triển hiện tại của trẻ. Khi thấy học sinh có dấu hiệu tự kỷ, giáo viên sử dụng những kiến thức về dấu hiệu sớm để kiểm tra, sử dụng bảng kiểm Mchat, trao đổi với nhà chuyên môn, phụ huynh.

Một chuyên gia khuyến nghị: “Giáo viên cần đưa ra lời khuyên ở thời điểm sớm nhất khi có thể, nhưng không gán nhãn, chụp mũ, mà nhấn mạnh đây mới chỉ là điều bạn “lo ngại” và chỉ có nhà chuyên môn mới làm được chẩn đoán chính xác cho trẻ. Nếu có thể, giáo viên cùng phụ huynh thực hiện bảng kiểm Mchat và cung cấp thông tin về các cơ sở chẩn đoán cho phụ huynh”.

Bên cạnh đó, hiện nay những người có hội chứng tự kỷ nhận được rất ít sự quan tâm giúp đỡ của xã hội và các ngành có liên quan. Dường như họ bị “bỏ lửng” và đang đứng giữa ranh giới rất mong manh. Một đứa trẻ không may mắc hội chứng tự kỷ nếu được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ hiểu hiết, có điều kiện kinh tế sẽ có cơ hội hòa nhập tốt hơn một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình cha mẹ thiếu hiểu biết và điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, để một đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, can thiệp sớm và có cơ hội hòa nhập xã hội thì rất cần sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu thiếu đi một trong các vai trò ấy thì đứa trẻ mất đi cơ hội được can thiệp sớm. Mà can thiệp sớm là “giai đoạn vàng” giúp trẻ tự kỷ tiến bộ và hòa nhập.

Bác sỹ Đỗ Thúy Lan, Chuyên khoa II tâm thần, Giám đốc Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn Phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trí tuệ) cho biết: Hầu như phụ huynh đều bị sốc khi bác sĩ kết luận con họ mắc hội chứng tự kỷ. Bởi hiện tại, tự kỷ chưa có thuốc chữa, trẻ mắc tự kỷ khi nhỏ thì lớn lên, trưởng thành vẫn là người tự kỷ. Khoa học đang nghiên cứu để tìm nguyên nhân và thuốc chữa. Tuy nhiên nếu trẻ tự kỷ được phát hiện, chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lí và kiên trì trước 40 tháng tuổi thì trẻ có thể tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu được can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống, còn nếu không được điều trị sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi dễ bị tâm thần. Trước đây, tự kỷ bị hiểu nhầm là rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ. Đây là một quan điểm sai lầm làm khổ tâm nhiều bậc phụ huynh và sai lầm trong phương pháp can thiệp. Hiện nay, y học hiện đại chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh tự kỷ mà chỉ điều trị các tổn thương não kèm theo như động kinh, tăng động...Chính vì vậy, các hoạt động chủ yếu vẫn là can thiệp sớm cho trẻ với nhiệm vụ của giáo viên đặc biệt, chuyên viên tâm lý, bác sỹ nhi khoa và nhất là phụ huynh bởi yếu tố gia đình vẫn là quyết định tới kết quả can thiệp. Phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ. Khi phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được khắc phục ngay những khiếm khuyết của mình và trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và nhận thức. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Trong quá trình trị liệu cho trẻ tự kỷ cần áp dụng đa dạng các phương pháp khác nhau như: Ứng dụng phân tích hành vi, liệu pháp ngôn ngữ, trị liệu về vận động, trị liệu kỹ năng xã hội, vật lý trị liệu, liệu pháp trò chơi, trị liệu hành vi, các liệu pháp phát triển, các liệu pháp dựa và trực quan, những liệu pháp y sinh học...

Sau đây là một số cơ sở thăm khám, phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại Hà Nội:

- Trung tâm Sao Mai: địa chỉ số 6 ngõ 9 Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội. ĐT: 04.35578135

- Trung tâm Hoa Anh Đào: địa chỉ số 161/42 phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. ĐT:  04.22405687.

- Trung tâm Hy Vọng: địa chỉ số 82/189 ngõ 290Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 04. 37260200

- Trung tâm Phúc Tuệ: địa chỉ 67 Phó Đức Chính, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 04.37161159

- Trường giáo dục hòa nhập Happyhose: địa chỉ số 18 ngõ 47 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội.

- Trung tâm Nắng Mai: địa chỉ số 8, xóm Gồm, Mỹ Đình, Hà Nội

-  Trường mầm non đặc biệt Myoko, lô 4b, licogi 13, 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.

- Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương.

- Phòng tư vấn và trị liệu của Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em, tại số 17 ngõ 663 Trương Định, Hà Nội


 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ