Mô hình của Trung tâm Sao Mai bạn nên biết
Trung tâm Sao Mai là đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực phát hiện sớm- can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ & tự kỷ ở Hà Nội nói riêng và Việt nam nói chung. Trung tâm có trụ sở rộng rãi, khang trang, các trang thiết bị đầy đủ phục vụ cho khám đánh giá – chẩn đoán, dạy và học. Có đội ngũ cán bô, giáo viên, nhân viên gần 90 người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, tân tâm, tận tình với trẻ khuyết tật. Đặc biệt, Trung tâm có phòng khám do Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa 2 về tâm thần Đỗ Thúy Lan phụ trách, hàng ngày bà trực tiếp khám cho bệnh nhi rất cẩn thận, tư vấn – giải đáp cho phụ huynh của trẻ rất tận tình.
Hiện nay, Trung tâm có 17 lớp, bao gồm: 1 lớp can thiệp trẻ Down, 1 lớp can thiệp trẻ bại não, 2 lớp can thiệp trẻ chậm phát triển trí tuệ đơn thuần và 13 lớp can thiệp trẻ tự kỷ. 17 lớp này được Trung tâm đặt cho 17 cái tên của các loài chim, loài hoa rất đáng yêu, gần gũi đó là: Họa Mi, Hoa Sữa, Hoàng Yến, Thủy Tiên, Anh Đào, Vành Khuyên, Vàng Anh, Phong Lan, Sơn Ca, Trà Mi, Gà Non, Chích Bông, Chim Non, Bồ Câu, Hoa Sen, Hoa Mai và kỹ năng sống.
Trung tâm có xe ô tô, bể bơi, sân chơi ngoài trời, 1 phòng tâm vận động, 1 phòng Phục hồi chức năng, phòng trị liệu mỹ thuật, phòng trị liệu giác quan,18 phòng trị liệu ngôn ngữ, hội trường & các phòng chức năng.
Trung tâm sắp xếp trẻ theo lớp hoặc nhóm dựa trên tuổi khôn, tuổi đời, loại tật và mức độ tật của trẻ. Trong 5 năm gần đây, trẻ được can thiệp tại Trung tâm Sao Mai chủ yếu là hội chứng tự kỷ, chiếm hơn 70%, tiếp đến là chậm PTTT chiếm gần 20%, còn lại là bại não và hội chứng down.
Để can thiệp hiệu quả, Trung tâm thường phân chia trẻ thành từng nhóm. Nhóm lớn: 10 trẻ có 2 cô; nhóm vừa và nhỏ 10 trẻ có 3 cô; can thiệp cá nhân thì 1 cô kèm 1 trẻ. Đầu tiên trẻ được cử nhân tâm lý ở phòng khám đánh giá các kỹ năng, tuổi khôn( IQ,DQ)/ Bác sỹ khám tổng thể và khám để chẩn đoán/tư vấn và giải đáp cho phụ huynh. Sau đó nếu trẻ vào học phụ huynh sẽ làm hồ sơ, nếu vào học phòng khám kết hợp với phòng giáo vụ để phân lớp phù hợp, giáo viên lớp nhận học sinh và tiếp tục quan sát để đánh giá các kỹ năng – tuổi khôn, điểm mạnh – yếu, thích – không thích, sợ gì không…sau 2 -3 tháng kết hợp cùng tâm lý phòng khám để có được “bức tranh tổng thể” của học sinh, giáo viên bắt đầu xây dựng chương trình cá nhân ngắn hạn, dài hạn cho trẻ ( dạy phát triển ngôn ngữ-giao tiếp, kỹ năng tự lập, Kỹ năng xã hội, phát triển vận động thô/tinh, nhận thức…) và giáo án được gửi lên phòng giáo vụ đánh giá xem đã phù hợp chưa, cán bộ phòng gửi lại cho giáo viên để bắt đầu can thiệp.Trong 1 tháng quan sát đánh giá, trẻ vẫn được học về chào hỏi, huấn luyện nội qui, vệ sinh tiêu tiểu đúng chỗ đúng giờ, tự lập ( tự xúc ăn, cầm cốc uống, tụt quần để đi vệ sinh….) tập ngồi khi vào giờ học chứ không chạy lung tung trong lớp/ huấn luyện độ tập trung chú ý.
Trẻ được các bác sĩ, cán bộ tâm lý, cán bộ quản lý chuyên môn, giáo viên lớp, nhà trị liệu cá nhân can thiệp bằng trị liệu ngôn ngữ, trị liệu tâm vận động, trị liệu giác quan, trị liệu mỹ thuật, trị liệu tâm lý, trị liệu nước, trị liệu hoạt động…
Nhằm giảm thiểu các khuyếm khuyết của trẻ trung tâm đã áp dụng nhiều phương pháp can thiệp giúp trẻ có thể phát triển các kỹ năng để ra học hòa nhập cùng các bạn : Phát triển tiềm năng hội họa, thể thao, âm nhạc; Phát triển kỹ năng xã hội; Phát triển kỹ năng vận động (thô và tinh); Phát triển nhận thức; Phát triển kỹ năng tự lập; Phát triển ngôn ngữ &kỹ năng sử dụng ngôn ngữ - phi ngôn ngữ để giao tiếp; Quản lý hành vi; Điều hòa giác quan; Phát triển kỹ năng chơi tương tác….hàng tháng có lịch bơi, đi dã ngoại ( công viên, bảo tàng, siêu thị..) do ô tô của TT đưa đón.
Mô hình can thiệp của Trung tâm là kết hợp y tế - giáo dục. Về y học thì sử dụng vitamin & thuốc bổ để nâng cao thể trang cho trẻ, thuốc giảm tăng động – giảm chú ý ( ADHD) cho một số trường hợp. về giáo dục thì sử dụng các phương pháp đặc biệt như: từng bước nhỏ, thay đổi kích thích, dạy học theo chuỗi, TEACCH, PECS, ABA, Floor Time, “câu chuyện xã hội”, dạy cá nhân trong tình huống riêng biệt (DTT), phát triển quan hệ xã hội (RDI),phương pháp chuyển hướng…
Trung tâm Sao Mai đang phát triển theo mô hình là một doanh nghiệp xã hội, tự chủ về tài chính bằng cách phát triển các dịch vụ để tạo nguồn thu. Như khám chẩn đoán trẻ khuyết tật trí tuệ,tự kỷ.. nhận học sinh khuyết tật trí tuệ & tự kỷ học bán trú, nhận học sinh can thiệp theo giờ (trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính), nhận đào tạo giáo viên thực hành dạy trẻ khuyết tật trí tuệ & tự kỷ (theo nhu cầu người học) cho các cơ sở mới thành lập,dịch vụ photo, quán cà phê, sửa chữ máy tính… Từ nguồn thu đó, Trung tâm tái đầu tư như mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác can thiệp, điều trị bệnh; đồ dùng dạy học, trả lương giáo viên… Tất cả vì quyền lợi của trẻ khuyết tật.
P.V