TẬP HUẤN NÂNG CAO KĨ NĂNG CỦA CHUYÊN GIA MỸ ĐẾN TỪ TỔ CHỨC PROJECT VIETNAM FOUNDATION
Ngày cuối tuần vừa qua 29/3 một buổi tập huấn – chia sẻ của các chuyên gia Mỹ đến từ tổ chức Project Viet Nam foundation đã cập nhật thêm các kiến thức mới giúp cho các giáo viên tại trung tâm nâng cao các kĩ năng trong quá trình giảng dạy, nhờ đó tăng cường thêm chất lượng can thiệp.
Bài chia sẻ chức năng điều hành ở trẻ của Bác sĩ Iris Silverstein là bác sĩ nhi khoa chuyên ngành hành vi phát triển của Farmington, Maine, Hoa Kỳ. Bài chia sẻ giúp cung cấp thêm cho chúng ta các thông tin về các kỹ năng thuộc hệ thần kinh liên quan đến sự kiểm soát thần kinh và sự tự điều chỉnh. Kỹ năng điều hành là nền tảng quan trọng cho học tập, đạt các kết quả hoạt động học, sự thành công trong công việc và xã hội. Sự phát triển tối đa bắt đầu từ thời thơ ấu và phụ thuộc vào các yếu ảnh hưởng bởi mối quan hệ của người lớn và sự học hỏi, thực hành liên tục trong môi trường được hỗ trợ để phát triển kĩ năng này. Chính vì vậy muốn thúc đẩy được các kĩ năng ở nhóm này cần phải thúc đẩy từ sớm và hỗ trợ nâng cao các kĩ năng này càng sớm càng tốt. Song song với bài chia sẻ này bác sĩ còn cung cấp thêm các thông tin về trẻ khuyết tật trí tuệ và các loại tật khác có thể đi kèm, các chỉ dẫn về đánh giá và điều trị y tế cho trẻ bằng ví dụ dựa trên kinh nghiệm làm việc thực tế với trẻ của bác sĩ nhi khoa.
Không chỉ có những trẻ KTTT – Tự kỉ mới có khó khăn về mặt ngôn ngữ, các trẻ phát triển thông thường cũng có những khó khăn nhất định về mặt phát triển ngôn ngữ. Điều này được tiến sĩ TS. Michele Haney làm rõ hơn trong bài chia sẻ về “Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ’’ của mình ở buổi tập huấn bằng các thực chứng minh họa cụ thể. Sau khi phân loại các loại rối loạn ngôn ngữ và nguyên nhân rối loạn ngôn ngữ, TS. Michele Haney có chia sẻ nguyên nhân và cách hỗ trợ can thiệp trên từng loại rối loạn ngôn ngữ. Kỹ năng giao tiếp là một kĩ năng rất cần thiết để phát triển và duy trì sự gắn kết trong gia đình và cộng đồng, bởi vậy nếu trẻ có khó khăn về phát triển ngôn ngữ cần can thiệp càng sớm càng tốt.
Ngoài những vấn đề về ngôn ngữ, vấn đề về các hành vi thách thức là một điều mà làm các phụ huynh, giáo viên thấy căng thẳng không biết xử lý ra sao để cắt giảm các hành vi gây hấn. Một sự chia sẻ đầy cụ thể và sinh động kết hợp với phân tích các chiến lược và quy trình can thiệp hỗ trợ dựa trên phương pháp hỗ trợ hành vi tích cực ( PBS). PBS là phương pháp hiệu quả đối với đa dạng nhóm khuyết tật: chậm phát triển trí tuệ, rối loạn thách thức đối lập, tự kỷ, rối loạn hành vi cảm xúc, trẻ em có nguy cơ, v.v . PBS là phương pháp duy nhất thể hiện sự toàn diện và dựa trên bằng chứng khoa học nhằm giải quyết hành vi có vấn đề trong nhiều môi trường tự nhiên khác nhau, quá trình năm bước thực hiện đã được T.S Michele Haney chia sẻ trong bài “ Hành vi thách thức và cách giải quyết”.
Bác sĩ Thomas Charbonnel mang đến cho buổi tập huấn chia sẻ về rối loạn tâm lý mà nhiều người vẫn lầm tưởng là không xuất hiện ở bệnh nhi đó là “ Sự lo âu & Trầm cảm ở trẻ em và thiếu niên’’. Dựa trên bằng chứng nghiên cứu khoa học và các số liệu cụ thể theo khảo sát quốc tế đưa ra 2.5’% trẻ dưới 10 tuổi và 15 % thiếu niên mắc chứng rối loạn trầm cảm. Trầm cảm ở trẻ và thiếu niên không phải không phổ biến chính vì vậy các bác sĩ nhi khoa nên cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm.Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến hoạt động chức năng trong các lĩnh vực học tập và xã hội.Trầm cảm có thể điều trị được, và nên bắt đầu điều trị ngay khi tình trạng bệnh được phát hiện. Còn rối loạn lo âu phổ biến ở bệnh nhi đặc biệt các bệnh nhi tuổi chuẩn bị đến trường. Cần sàng lọc và giới thiệu ban đầu có thể diễn ra ở môi trường chăm sóc chính. Đa số các trường hợp nên bắt đầu với tư vấn cá nhân là phù hợp .Với một số ca, việc điều trị sẽ hữu ích khi kèm theo thuốc,
Điều quan trọng trong can thiệp đó là hiểu bối cảnh gia đình trẻ từ đó chúng ta mới hiểu được tâm lý của trẻ. Tiến sĩ Allie Wainer tác giả của chủ đề “ Sự phát triển tâm lý xã hội thời thơ ấu” đã đi sâu vào phân tích các sự phát triển từ tính cách, xã hội, đạo đức, sự gây hấn đều dựa trên các hình mẫu nuôi dạy con của các gia đình và đặc điểm của cha mẹ cũng như mối quan hệ với anh – chị -em làm ảnh hưởng lên trẻ. Ngoài ra còn có các yếu tố như các xung đột mâu thuẫn gia đình dẫn đến bạo lực gia đình hoặc việc cha mẹ ly hôn cũng làm ảnh hưởng lên sự phát triển tâm lý của trẻ.
Điều cuối cùng trong mỗi quá trình làm việc để tạo hiệu quả cao và sự nhất quán trong quá trình hỗ trợ can thiệp cho trẻ đó là “ Xây sựng sự hợp tác chặt chẽ với gia đình” . Tiến sĩ Michele Haney đã phân tích cho các giáo viên rõ hơn về lợi ích của sự hợp tác với gia đình và kết hợp với đó là chia sẻ cách để ta xây dựng được sự hợp tác bền vững dựa trên các chiến lược từ tạo dựng niềm tin, sự giao tiếp cởi mở cũng như cùng nhau vượt qua các rào cản để tạo được sự gần gũi thân thiết để có thể hiểu nhau và cùng nhau giúp trẻ có được môi trường can thiệp toàn diện – hiệu quả và nhất quán.
Cuối buổi chia sẻ là lời cám ơn từ phía ban lãnh đạo của Trung Tâm Sao Mai tới tổ chức Project VietNam Foundation đã đồng hành cùng trung tâm trong nhiều năm qua, luôn dành sự ưu ái nhất định cho Sao Mai.