Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim

Tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam – Đồng hành cùng giúp đỡ phục hồi cho trẻ em tự kỷ

Tham dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, cùng các Lãnh đạo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các chuyên gia y tế, giáo dục về vấn đề tự kỷ, những đại diện phụ huynh có con bị tự kỷ và đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ.    

Tại Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ. Nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên. Từ năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Trong 3 năm (2016 - 2018), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 2,2 tỷ đồng để tổ chức lớp học phục hồi chức năng cho 220 cháu tự kỷ tại các trung tâm can thiệp.Thực tế hiện nay, có rất nhiều tài liệu liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ, chỉ một từ khóa đơn giản chúng ta cũng có thể tìm ra hàng trăm đầu sách khác nhau liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên vẫn chưa có một tài liệu nào tổng hợp tất cả những hướng dẫn một cách cụ thể chi tiết về phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ. Từ năm 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với sự hỗ trợ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ xây dựng và triển khai dự án nâng cao nhận thức về trẻ tự kỷ tại Việt Nam. Với mục tiêu biên tập, phát hành Bộ tài liệu về hỗ trợ trẻ em tự kỷ của Việt Nam, và đưa Bộ tài liệu vào cuộc sống, việc dạy trẻ để phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ đạt hiệu quả cao nhất cùng với sự hỗ trợ của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau hơn 1 năm Bộ tài liệu đã được hoàn thành. Sau 2 lần được Hội đồng thẩm định Trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội góp ý, nghiệm thu, bộ tài liệu tiếp tục được hoàn chỉnh và Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép xuất bản và phát hành. Bộ tài liệu có nội dung phong phú, hữu ích, được in ấn đẹp, hấp dẫn.

IMG-0505.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá, đây là sự kiện có giá trị nhân văn và khoa học sâu sắc. Thứ trưởng nhấn mạnh sự ra đời của Bộ tài liệu có ý nghĩa và giá trị thiết thực, cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về rối loạn phổ tự kỷ. Bộ tài liệu đã giới thiệu cách nhận biết các dấu hiệu, phương pháp can thiệp và xây dựng, thực hiện chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, điều này sẽ giúp các phụ huynh có cách nhìn thống nhất, hiểu đúng về trẻ tự kỷ, từ đó định hướng cách hỗ trợ phục hồi tốt nhất cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
IMG-0475.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng mong muốn thông qua Hội thảo, buổi ra mắt giới thiệu, Bộ tài liệu sẽ được giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng xã hội và truyền thông lan tỏa để mọi người biết tới Bộ tài liệu nhằm đưa Bộ tài liệu đến được với các đối tượng cần tiếp cận. Thứ trưởng cũng hy vọng những ý kiến của các đại biểu sẽ tiếp tục được tiếp thu để phục vụ cho những đợt bổ sung và chỉnh lý Bộ tài liệu sau này, làm sao để Bộ tài liệu có tính ứng dụng cao nhất và hoàn chỉnh nhất.
Tại hội thảo, đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã công bố bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam. Theo đó, Bộ tài liệu gồm 2 cuốn sách: Tài liệu dành cho giáo viên, nhân viên kỹ thuật, can thiệp có 7 phần với định hướng biên soạn giúp nhà chuyên môn có hiểu biết, hỗ trợ và đáp ứng phù hợp với các giai đoạn chính trong "vòng đời" tự kỷ, giải đáp những thắc mắc phổ biến về tự kỷ (thuốc, dinh dưỡng, giấc ngủ…) và bước đầu định hướng thực tiễn can thiệp bằng các phương pháp có căn cứ khoa học theo xu thế chung của thế giới.
Tài liệu dành cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ tự kỷ có 3 phần gồm các nội dung: Hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, những việc cha mẹ cần làm sau khi có kết quả chuẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ và phương pháp can thiệp các lĩnh vực cơ bản và quản lý hành vi cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ.
IMG-0433.jpg
Trưng bày tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh trẻ em tự kỷ cần được phát triển trong môi trường gia đình, cộng đồng cùng sự quan tâm, yêu thương của cả cộng đồng để giúp các em phục hồi và hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sát của Bộ LĐ-TBXH đối với Quỹ Bảo trợ xã hội phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sự hỗ trợ của Công ty PNJ. Ông đề nghị, ngay sau Hội thảo,  Quỹ bảo trợ Trẻ em, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng các trung tâm, cơ sở giáo dục chuyên biệt, cùng phối hợp thực hiện ngay các hoạt động trọng tâm để hiện thực hóa Bộ Tài liệu này cho cha mẹ, người nuôi dưỡng và Kỹ thuật viên can thiệp trẻ tự kỷ trong các hoạt động tập huấn kiến thức, truyền thông nâng cao nhận thức, phát huy bổ sung các ấn phẩm bằng hình ảnh hỗ trợ phục hồi cho trẻ tự kỷ đồng thời tiếp tục vận động nguồn lực cho các hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ.
 
IMG-0448-1.jpg
 Các tiết mục văn nghệ của các em nhỏ đang học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ tự kỷ

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên khai thác các vấn đề về trẻ tự kỷ để giúp các gia đình, các trung tâm, các cơ sở giáo dục chuyên biệt có cơ hội tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ, đó chính là tấm lòng, tình cảm để động viên cho các gia đình có trẻ tự kỷ, giúp đỡ cho các em hòa nhập cộng đồng và phát triển bền vững để các em có được quyền như những công dân khác, đó chính là sự công bằng xã hội, đảm bảo sự hòa nhập cho các em.

Bộ tài liệu là kết quả của công trình nghiên cứu có quy mô lớn với sự tham gia của các nhà chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục và các trung tâm can thiệp trên cả nước. Trải qua 4 cuộc hội thảo khoa học cấp cao, Bộ tài liệu được Khoa Giáo dục đặc biệt thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những cơ sở hàng đầu tại Việt Nam về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, chủ trì biên soạn trong hơn 1 năm.
Đây là thành quả bước đầu cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và PNJ với mục tiêu giúp cộng đồng hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, thực trạng gia tăng nhanh chóng số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam, đồng thời cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện, đúng đắn về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để giúp trẻ cải thiện hành vi.
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến cho biết, trong những bước đi kế tiếp, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" sẽ tập trung đào tạo cho 200 cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng được phổ biến kiến thức về tự kỷ; 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp cận với các kiến thức được chuẩn hóa về trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức, khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ Dự án để hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời, Dự án sẽ tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các cháu, tăng cường sự quan tâm trách nhiệm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và cộng đồng với gia đình có trẻ tự kỷ trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Tăng cường sự hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các nhà chuyên môn, cộng đồng tại địa phương trong việc nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho trẻ em tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông mở rộng dưới hình thức truyền thanh, truyền hình các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng xã hội được hiểu biết, nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về trẻ em tự kỷ.

 Theo molisa.gov.vn


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT