Sao Mai nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho giáo viên Sơn La
Tập huấn giáo viên là một trong những nội dung quan trọng, nằm trong chuỗi kế hoạch chuyến công tác vừa qua tại Sơn La của Đoàn cán bộ Trung tâm Sao Mai. Trong chương trình tập huấn cho giáo viên của Trung tâm Sao Sáng của TP Sơn La, cán bộ chuyên môn Sao Mai đã giới thiệu về “Nhận diện khuyết tật trí tuệ, tự kỷ”; “Thang phát triển của trẻ”, “Vòng tròn giao tiếp”; “Các thành phần trong quy trình can thiệp sớm” và “các phương pháp can thiệp trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ” …
Nhận diện trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ giúp giáo viên Sao Sáng nắm được những khái niệm cơ bản, nguyên nhân, đặc điểm, chẩn đoán và hướng giải quyết - trẻ chậm phát triển và trẻ khuyết tật, phân loại trẻ khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ là gì? và một số dạng khuyết tật điển hình thường thấy.
Từ những hiểu biết về khuyết tật trí tuệ, tự kỷ và đối chiếu với thang phát triển của trẻ thường, giáo viên sẽ thấy được những thiếu hụt rõ ràng và cụ thể ở từng khung tuổi, từng kỹ năng và cả những đặc trưng về sự phát triển ở từng khung tuổi, từ đó có những chiến lược trong quá trình can thiệp nhằm tận dụng những lợi thế ở từng giai đoạn phát triển của trẻ và quá trình can thiệp cần tác động vào vùng phát triển gần theo dòng chảy, giúp quá trình can thiệp chuyên biệt ngắn nhất.
Cùng với việc trang bị kiến thức nền tảng, giảng viên Sao Mai đã chia sẻ cho giáo viên Sao Sáng những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về kỹ năng thường hay gặp khó khăn nhất ở trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ đó là giao tiếp. Việc thực hành và lắng nghe những phân tích về Chu trình giao tiếp của người bình thường và các khiếm khuyết có thể mắc của trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ cũng như vai trò của giáo viên trong chu trình giao tiếp giúp giáo viên có những chiến lược trong quá trình can thiệp cho trẻ, đồng thời thấu hiểu, đồng cảm với trẻ nhiều hơn.
Các khâu trong chu trình giao tiếp: Ngôn ngữ cơ thể: Nghe và nhìn thấy thông tin, Ghi lại những gì bạn nhìn và nghe thấy; Nhận ra được những gì bạn nhìn và nghe thấy; Tạo ra câu có nghĩa; Quyết định phản hồi;Quyết định cách phản hồi; Chọn âm thanh và từ ngữ; Lựa chọn các kí hiệu; Lựa chọn tranh ảnh, chữ và các từ; Các kí hiệu giao tiếp cơ bản; Hiểu trật tự của các từ; Chọn âm thanh và từ ngữ, chu trình diễn ra trên nền tảng Hiểu thông tin bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ và Diễn đạt bằng cách sử dụng thông tin bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Song song với học nội dung lý thuyết, giáo viên còn được làm các bài tập, tham gia thảo luận nhóm, chia sẻ, đưa ra ý kiến tạo nên không khí cởi mở, trao đổi hai chiều, mục đích để giáo viên nắm vững kiến thức và có thêm những kỹ năng thực hành tốt trên trẻ trong quá trình can thiệp cho trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ.
Qua buổi tập huấn, các giáo viên đã ý thức được là khi dạy trẻ cần trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ như thế nào để giúp trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỉ giảm khiếm khuyết trong giao tiếp, Biết sử dụng các hình thức giao tiếp; Chức năng giao tiếp; Các kỹ thuật thúc đẩy giao tiếp; xây dựng hệ thống giao tiếp bổ trợ cho trẻ...
Bên cạnh đó, các giáo viên Sơn La còn được giới thiệu về các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển đang được sử dụng ở trên thế giới và Việt Nam để các giáo viên có những kiến thức tổng quan và có những lựa chọn phù hợp khi tư vấn phụ huynh hay can thiệp trên trẻ...
Các kiến thức về can thiệp sớm được nhà chuyên môn Sao Mai hệ thống hóa một cách dễ hiểu, dễ nhớ đã giúp cho giáo viên của Trung tâm Sao Sáng nắm được khái quát kiến thức về can thiệp sớm; bước đầu ý thức sử dụng kiến thức được hệ thống trong can thiệp trẻ.
Chương trình tập huấn giáo viên của Sao Mai đã góp phần nâng cao năng lực cơ sở cho Trung tâm Sao Sáng - một đơn vị chuyên biệt ở vùng cao, kinh nghiệm còn non trẻ và đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ con người. Chương trình làm việc của đoàn cán bộ Sao Mai truyền lửa cho lãnh đạo, giáo viên cở sở, từ đó giúp lãnh đạo, giáo viên cơ sở quan tâm hơn đến công tác can thiệp sớm cho trẻ, giúp phát triển tối đa tiềm năng học của trẻ.
Thực tế, trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ vẫn có thể tiếp thu kiến thức khi đi học và có những tiến bộ nhất định, tuy nhiên trẻ học chậm hơn, trẻ phải được học các kĩ năng mà trẻ bình thường học và sử dụng (theo cách đặc biệt), để đạt được sự tự lập tối đa và trở thành một phần của xã hội. Vì vậy rất cần sự kiên trì, nhẫn nãi của giáo viên và phụ huynh và sự quan tâm của cán bộ, lãnh đạo nơi trẻ theo học.