Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Trung tâm sao mai điều trị kích thích phát âm và tập nuốt cho trẻ tự kỷ bằng máy vocastim
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Pháp luật và nguyên tắc quốc tế về quyền trẻ em

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì “trẻ em là những người dưới 18 tuổi”. Trẻ em cũng là một con người, là công dân của một quốc gia nên có đầy đủ các quyền cơ bản của con người, nhưng“là còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý, trước cũng như sau khi ra đời”. Pháp luật quốc tế hiện nay có khoảng hơn 80 văn kiện quốc tế (Công ước, tuyên ngôn, chương trình…) trực tiếp hoặc gián tiếp quy định hoặc có liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em.

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì “trẻ em là những người dưới 18 tuổi”. Trẻ em cũng là một con người, là công dân của một quốc gia nên có đầy đủ các quyền cơ bản của con người, nhưng“là còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý, trước cũng như sau khi ra đời”. Pháp luật quốc tế hiện nay có khoảng hơn 80 văn kiện quốc tế (Công ước, tuyên ngôn, chương trình…) trực tiếp hoặc gián tiếp quy định hoặc có liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em.

1. Pháp luật quốc tế về quyền trẻ em

1.1. Tuyên ngôn Giơnevơ về quyền trẻ em năm 1924.

Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên về quyền trẻ em. Năm 1924 Hội quốc liên đã chấp thuận thông qua Tuyên ngôn Giơnevơ về quyền trẻ em do Hiệp hội quốc tế về quỹ cứu trợ trẻ em soạn thảo trên cơ sở Hiến chương về quyền trẻ em năm 1923. Tuyên ngôn xác định: Loài người phải dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất và đề ra 5 điểm về các quyền của trẻ em:

          a) Trẻ em phải được tạo điều kiện để phát triển bình thường về thể chất và tinh thần;

          b) Trẻ em đói phải được ăn; ốm đau phải được chữa bệnh; chậm phát triển phải được nâng đỡ; trẻ em hư phải được dìu dắt; mồ côi và không người thừa nhận, phải được thu nhận, cưu mang;

c) Trẻ em phải được ưu tiên cứu giúp khi xảy ra hoạn nạn;

d) Trẻ em phải được tạo khả năng để có công ăn việc làm và phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột;

đ) Trẻ em phải được nuôi dạy với tinh thần được phát huy những năng lực tốt nhất nhằm phục vụ loài người.

Đây là văn kiện quốc tế đầu tiên về quyền trẻ em nên còn những hạn chế về phạm vi, nội dung và tính chất. Các quyền trẻ em quy định trong Tuyên ngôn chủ yếu nhằm vào trẻ em của những nước phát triển, phủ nhận quyền sống của các dân tộc thuộc địa bị áp bức, bóc lột.

1.2. Tuyên ngôn về quyền trẻ em được Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1959.

Tuyên ngôn về quyền trẻ em do Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1959 đã đưa ra những nguyên tắc tiến bộ hơn với phương châm loài người phải dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có; các quyền trẻ em được mở rộng hơn, cụ thể trẻ em có quyền:

1. Được thương yêu, hiểu biết;

2. Được nuôi nấng, chữa bệnh thích đáng;

3. Học tập không mất tiền;

4. Vui chơi, giải trí;

5. Có họ tên, có quốc tịch;

6. Chăm sóc đặc biệt nếu có những nhược điểm về thể chất, tinh thần;

7. Ưu tiên cứu giúp khi xảy ra hoạn nạn;

8. Đào tạo để trở thành người có ích cho xã hôi;

9. Được phát triển năng khiếu;

10. Nuôi dạy trong tinh thần hoà bình và hữu nghị quốc tế;

Trẻ em được hưởng các quyền trên đây không phân biệt mầu da, giới tính, tín ngưỡng, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội.

Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959 chỉ mang tính chất khuyến nghị nên chỉ có giá trị về mặt chính trị và đạo đức, không có giá trị pháp lý bắt buộc.

1.3. Công ước về quyền trẻ em năm 1989 (Liên hợp quốc thông qua 20/11/1989, có hiệu lực từ 2/9/1990.

Năm 1978 Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về việc soạn thảo Công ước về quyền trẻ em trên cơ sở Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959 và hai Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội và dân sự, chính trị. Năm 1979, Tổ công tác của Liên hợp quốc gồm đại diện của 43 nước thành viên Uỷ ban về quyền con người, một số tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc như Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Cao uỷ tị nạn LHQ (UNHCR) và 50 tổ chức phi chính phủ... tham gia trực tiếp soạn thảo Công ước.

Sau 10 năm soạn thảo với nhiều lần chỉnh lý có sự đóng góp ý kiến của các nước và các tổ chức quốc tế, Dự thảo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Uỷ ban về quyền con người và Hội đồng kinh tế – xã hội của Liên hợp quốc phê duyệt. Ngày 20 tháng 11 năm 1989, Đại hội đồng LHQ đã chính thức thông qua Công ước và ngày 26/01/1990 mở cho các nước ký nhân kỷ niệm lần thứ 30 Tuyên ngôn về quyền trẻ em (1959 – 1989) và lần thứ 10 năm quốc tế thiếu nhi (1979 – 1989). Việt nam là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước. Hiện nay, Công ước có 191 quốc gia thành viên.

Công ước về quyền trẻ em năm 1989 là Công ước đầu tiên đề cập toàn diện các quyền của trẻ em theo hướng tiến bộ, thừa nhận mọi trẻ em đều có quyền được sống, được phát triển, được tham gia và được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Công ước là văn bản có tính chất ràng buộc pháp lý đối với các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em trên toàn thế giới.

Ngoài ra, còn có một số Công ước, văn kiện quốc tế khác có đề cập đến từng lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em như:

- Công ước về trấn áp buôn bán người và bóc lột mại dâm (Liên hợp quốc thông qua 21/3/1950 và có hiệu lực từ 25/7/1951).

- Quy tắc tối thiểu của Liên hợp quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên do Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 29/11/1985 (sau đây gọi tắt là Quy tắc Bắc Kinh)

- Công ước La hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác giữa các nước về con nuôi nước ngoài có hiệu lực từ 01/5/1995.

- Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em, buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (Liên hợp quốc thông qua 25/5/2000. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/12/2001).

- Công ước 182 về cấm và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Tổ chức lao động quốc tế ILO thông qua 17/6/1999)

- Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Liên hợp quốc thông qua ngày 15/11/2000. Việt nam đã ký Công ước này ngày 13/12/2000) và Nghị định thư bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Liên hợp quốc thông qua ngày 15/11/2000).

  - Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt, đối xử đối với phụ nữ (Liên hợp quốc thông qua ngày 18/2/1979, có hiệu lực từ 3/9/1981).

2. Các nguyên tắc quốc tề về quyền trẻ em.

2.1. Trẻ em là những người dưới 18 tuổi;

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em thì trẻ em là những người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn (Điều 1). Phù hợp với nguyên tắc này, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục Việt Nam quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

2.2. Tất cả các quyền đều áp dụng cho tất cả trẻ em, không phân biệt đối xử;

Tất cả các quyền đều áp dụng cho tất cả trẻ em, không có ngoại lệ. Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em chống lại bất kỳ hình thức phân biệt, đối xử nào và có những biện pháp tích cực để đẩy mạnh quyền trẻ em. “Các quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo đảm những quyền của trẻ em mà không có bất cứ một sự phân biệt đối xử nào, bất kể trẻ em, cha mẹ hay người giám hộ pháp lý của trẻ em đó thuộc chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, dân tộc hay xã hội, tài sản, khuyết tật, xuất thân gia đình và những mối tương quan khác” (Điều 2)

2.3. Mọi hoạt động có liên quan đến trẻ em đều vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Tất cả các hành động của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trẻ em cần tính đến đầy đủ lợi ích tốt nhất của trẻ em. Nhà nước phải đem lại cho trẻ em sự chăm sóc đầy đủ trong trường hợp cha mẹ hoặc những người khác có trách nhiệm không làm được việc ấy (Điều 3). Các quốc gia thành viên phải thi hành tất cả những biện pháp lập pháp, hành phápchính thích hợp để thực hiện những quyền của trẻ em được thừa nhận trong Công ước (Điều 4).

3. Các quyền của trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em

Quyền trẻ em theo Công ước có thể phân thành bốn nhóm quyền sau đây: Quyền sống còn; quyền được phát triển; quyền được bảo vệ và quyền được tham gia. Cộng đồng quốc tế đã thừa nhận các quyền trẻ em và yêu cầu các quốc gia phải bảo đảm quyền của trẻ em như là quyền của con người chưa phát triển về thể lực, trí tuệ và kêu gọi toàn thể nhân loại hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn.

3.1. Quyền sống còn của trẻ em.

Quyền sống còn của trẻ em bao gồm các quyền được sinh ra và phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Gia đình, Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ làm tất cả những gì tốt nhất bảo đảm cho trẻ em được sống, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp,…

3.1.1. Quyền được sống:

Điều 6 Công ước quy định : Mọi trẻ em đều có quyền cố hữu được sống và nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.

3.1.2. Quyền có họ tên và quyền có quốc tịch:

Trẻ em có quyền được khai sinh, có họ tên và có quốc tịch. Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền có họ tên, quyền có quốc tịch (Điều 7).

3.1.3. Quyền giữ gìn bản sắc của trẻ em.

Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tôn trọng quyền của trẻ em được giữ gìn bản sắc của mình, kể cả quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình được pháp luật thừa nhận mà không có sự can thiệp phi pháp. Trường hợp trẻ em bị tước đoạt bản sắc một cách phi pháp thì Nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ và bảo vệ thích hợp nhằm nhanh chóng khôi phục lại bản sắc cho các em đó (Điều 8).

3.1.4. Quyền biết cha mẹ mình và quyền sống chung với cha mẹ:

Điều 7 Công ước quy định trẻ em có quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc sau khi ra đời. Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ và không bị cách ly cha mẹ trái với ý muốn của họ, trừ trường hợp việc cách ly như vậy theo quy định của pháp luật là cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ em (Điều 9), đó là trường hợp trẻ em bị cha mẹ lạm dụng hoặc sao nhãng làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và đạo đức của trẻ em. Các quốc gia phải tôn trọng quyền của trẻ em bị sống cách ly với cha mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, để duy trì những quan hệ riêng tư và được tiếp xúc trực tiếp với cả cha và mẹ một cách đều đặn, trừ khi việc này trái với lợi ích tốt nhất của trẻ em.

3.1.5. Cho nhận con nuôi:

Việc cho trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi có thể được coi như một biện pháp thay thế của việc chăm sóc trẻ em, nếu như trẻ em đó không thể gửi được cho một gia đình chăm nom hay nhận nuôi, hoặc không thể nào được chăm sóc một cách thích hợp nào ở ngay tại nước nguyên quán của trẻ em. Việc cho trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không được trục lợi và nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em (Điều 21).

3.1.6. Quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ.

Trẻ em có quyền được hưởng mức cao nhất về sức khoẻ, các phương tiện chữa bệnh và phục hồi sức khoẻ. Các quốc gia phải đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chống bệnh tật và suy dinh dưỡng và giúp đỡ y tế và chăm sóc sức khỏe cho tất cả trẻ em; phải thực hiện những biện pháp thích hợp để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh; cha mẹ và trẻ em được thông tin, giáo dục về bảo vệ sức khoẻ và dinh dưỡng của trẻ em, phát triển công tác phòng bệnh và các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; xoá bỏ những tập tục có hại cho sức khoẻ của trẻ em và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của trẻ em (Điều 24).

3.1.7. Quyền được hưởng an toàn xã hội:

Các quốc gia có trách nhiệm bảo đảm mọi trẻ em đều có quyền được hưởng an toàn xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội và phải thi hành những biện pháp cần thiết để thực hiện đầy đủ quyền này phù hợp với luật pháp quốc gia của mình (Điều 26).

3.1.8. Trẻ em dưới 15 tuổi không phải trực tiếp tham gia chiến sự:

Các quốc gia phải áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm rằng những người chưa đến tuổi 15 không phải trực tiếp tham gia chiến sự. Không tuyển trẻ em dưới 15 tuổi vào lực lượng vũ trang và bảo vệ, chăm sóc những trẻ em bị ảnh hưởng của xung đột vũ trang (Điều 38). 

3.2. Quyền được bảo vệ.

Trẻ em do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời.

Quyền được bảo vệ của trẻ em bao gồm quyền được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; bảo vệ trẻ em khỏi sự phân biệt, đối xử vô nhân đạo, bóc lột lao động, xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 3.2.1. Bảo vệ trẻ em khỏi sự phân biệt, đối xử.

Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội,… đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, đều được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em chống lại bất kỳ hình thức phân biệt, đối xử nào.“Các quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo đảm những quyền của trẻ em mà không có bất cứ một sự phân biệt đối xử nào, bất kể trẻ em, cha mẹ hay người giám hộ pháp lý của trẻ em đó thuộc chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, dân tộc hay xã hội, tài sản, khuyết tật, xuất thân gia đình và những mối tương quan khác” (Điều 2)

3.2.2. Quyền được bảo vệ chống lại sự can thiệp vào đời tư.

Trẻ em có quyền được bảo vệ chống lại sự can thiệp vào đời tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín của các em, chống lại sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em (Điều 16).

3.2.3. Quyền được bảo vệ chống lại bạo lực, lạm dụng và sao nhãng đối với trẻ em ; bảo vệ trẻ em khỏi sự bóc lột.

Lạm dụng trẻ em có các loại sau đây:

  • Lạm dụng về thể chất ;
  • Lạm dụng về tình dục ;
  • Lạm dụng về tâm lý, tinh thần ;
  • Lạm dụng bằng cách bỏ mặc, sao nhãng.

Nhà nước phải thực hiện tất cả các biện pháp lập pháp, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất và tinh thần, bị thương tổn hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc sao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột, lạm dụng tình dục của cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ hoặc của những người khác có trách nhiệm chăm sóc trẻ em (Điều 19).

3.2.4. Quyền được bảo vệ đặc biệt đối với  trẻ em không gia đình:

Những trẻ em tạm thời hoặc vĩnh viễn bị tước mất môi trường gia đình của mình có quyền được hưởng sự bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt của nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em này được hưởng sự chăm sóc thay thế phù hợp với pháp luật quốc gia bằng các hình thức gửi nuôi, nhận làm con nuôi, đưa vào các cơ sở chăm sóc trẻ em thích hợp và quan tâm thích đáng đến dân tộc, tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ của trẻ em (Điều 20).

3.2.5. Quyền được bảo vệ đặc biệt đối với  trẻ em tị nạn.

Trẻ em xin quy chế tị nạn hoặc trẻ em tị nạn dù không có hay có cha, mẹ, hay bất cứ một người nào khác đi cùng sẽ nhận được sự bảo vệ và giúp đỡ nhân đạo để được hưởng các quyền của trẻ em theo pháp luật quốc tế. Các quốc gia phải hợp tác để bảo vệ, giúp đỡ trẻ em tị nạn tìm ra cha mẹ hoặc những thành viên khác trong gia đình của mình, nhằm giúp trẻ em đó đoàn tụ gia đình. Trường hợp không tìm ra cha mẹ thì trẻ em đó được hưởng sự bảo vệ giống như trẻ em vĩnh viễn hay tạm thời bị tước đoạt gia đình (Điều 22).

3.2.6. Quyền được bảo vệ không bị bóc lột về kinh tế, làm những công việc nặng nhọc, độc hại:

Trẻ em có quyền được bảo vệ không bị bóc lột về kinh tế và không phải làm bất kỳ công việc gì nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc học tập, gây tổn hại cho sức khoẻ hay sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ em. Nhà nước có trách nhiệm quy định hạn tuổi tối thiểu cho việc tuyển mộ lao động, giờ giấc và điều kiện lao động của trẻ em (Điều 32).

3.2.7. Bảo vệ trẻ em chống lại việc sử dụng ma tuý.

Trẻ em có quyền được bảo vệ chống lại việc sử dụng bất hợp pháp các chất ma tuý và an thần, ngăn ngừa việc sử dụng trẻ em vào việc sản xuất, buôn bán các chất đó (Điều 33).

3.2.8. Bảo vệ trẻ em chống lại sự lạm dụng và bóc lột tình dục:

Nhà nước phải bảo vệ trẻ em chống lại sự lạm dụng và bóc lột tình dục. Các quốc gia phải thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa: Xúi dục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào; sử dụng trẻ em để bóc lột trong mại dâm hay các hoạt động tình dục, biểu diễn hay các tài liệu khiêu dâm (Điều 34).

Lạm dụng tình dục trẻ em được hiểu là sự lôi cuốn trẻ em còn lệ thuộc, chưa trưởng thành và chưa phát triển cùng những người chưa thành niên vào những hoạt động mà các em không thực sự thấu hiểu và không thể đưa ra sự đồng ý có nhận thức, hay vi phạm các điều cấm kỵ xã hội về những vai trò trong gia đình. Lạm dụng trẻ em thường thể hiện bằng các hành vi: Hiếp dâm trẻ em ; loạn luân và dâm ô với trẻ em.

Hiếp dâm là quan hệ tình dục một cách cưỡng bức với trẻ em ngoài quan hệ gia đình. Còn loạn luân là quan hệ tình dục của những người có quan hệ ruột thịt trong gia đình. Dâm ô với trẻ em gồm các cử chỉ, hành động như xem, ngó, sờ mó, nắn bóp trực tiếp hay qua quần áo những bộ phận cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh dục của trẻ em ở nơi kín đáo hoặc ở nơi công cộng ; thủ dâm, để lộ trần bộ phận sinh dục trước trẻ em nhằm làm nhục, doạ dẫm, quấy rối, khêu gợi hay kích dục...

Bóc lột tình dục trẻ em là việc sử dụng trẻ em để thoả mãn dục vọng của người lớn. Cơ sở của sự bóc lột này là sự bất bình đẳng về lực và các mối quan hệ kinh tế giữa trẻ em và người lớn. Bóc lột tình dục trẻ em thường thể hiện dưới các hành vi : Buôn bán trẻ em vì mục đích thương mại ; mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em.

Bóc lột tình dục trẻ em chính là lạm dụng tình dục trẻ em nhưng nó gắn liền với yếu tố kinh tế nhằm để trục lợi, thu lợi nhuận.

3.2.9. Bảo vệ trẻ em khỏi bị buôn bán và bắt cóc:

Các quốc gia phải thực hiện tất cả các biện pháp ở cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa việc bắt cóc, buôn bán trẻ em vì bất kỳ mục đích gì hay dưới bất kỳ một hình thức nào (Điều 35).

Nghị định thư bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được Liên hợp quốc thông qua ngày 15/11/2000 đã đưa ra định nghĩa có tính chuẩn mực quốc tế về buôn bán người. Theo đó, buôn bán người là “việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe dọa dùng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị thương tổn hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người vì mục đích bóc lột”.

Theo Công ước bổ sung về xoá bỏ chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ và các thể chế, tập tục tương tự như chế độ nô lệ được Liên hợp quốc thông qua ngày 30/4/1956 và có hiệu lực từ ngày 30/4/1957 thì buôn bán trẻ em được hiểu là việc chuyển giao trẻ em của một bên (cha mẹ đẻ, người giám hộ và các tổ chức, cơ quan được giao trách nhiệm chăm sóc trẻ em) sang cho một bên khác nhằm bất kỳ một mục đích gì hay dưới bất kỳ một hình thức nào để đổi lấy tiền bạc hay những thứ khác hoặc bồi thường.

3.2.10. Bảo vệ trẻ em chống lại tất cả các hình thức bóc lột:

Trẻ em có quyền được nhà nước bảo vệ chống lại tất cả những hình thức bóc lột khác gây phương hại đến bất kỳ phương diện nào của phúc lợi trẻ em (Điều 36).

Hành vi bóc lột được hiểu là bóc lột vì mục đích mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, bóc lột sức lao động bằng các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy các bộ phận cơ thể.

 3.2.11. Bảo vệ trẻ em không bị đối xử vô nhân đạo:

- Không một trẻ em nào bị tra tấn hay bị đối xử hoặc trừng phạt tàn tệ, vô nhân đạo hay làm mất phẩm giá;

- Không được áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân đối với những người dưới 18 tuổi phạm tội không có cơ hội phóng thích;

- Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tuỳ tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải theo đúng luật pháp và chỉ được dùng đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn ngắn nhất;

- Mọi trẻ em bị tước quyền tự do phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng phẩm giá cố hữu của con người có tính đến nhu cầu và đặc thù của trẻ em; được cách ly với người lớn, trừ trường hợp không làm như vậy vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; có quyền được hưởng sự giúp đỡ về pháp lý và các sự giúp đỡ thích hợp khác, được duy trì sự tiếp xúc với gia đình của mình thông qua thư từ, các cuộc đến thăm (Điều 37).

 3.2.12. Quyền được bảo vệ, chăm sóc phục hồi thể chất và tinh thần:

Các quốc gia phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để phục hồi về thể chất, tâm lý và tái hoà nhập xã hội của trẻ em là nạn nhân của bất kỳ hình thức đối xử vô nhân đạo nào như bỏ mặc, bóc lột, lạm dụng, tra tấn, trừng phạt độc ác, nhục hình hoặc các cuộc xung đột vũ trang nhằm tăng cường sức khoẻ, lòng tự trọng và phẩm giá của trẻ em (Điều 39).

3.2.13. Bảo vệ quyền của trẻ em vi phạm pháp luật:

- Trẻ em làm trái pháp luật có quyền được đối xử nhân đạo, phù hợp với pháp luật nhằm cổ vũ ý thức của các em về nhân phẩm và giá trị cá nhân, tăng cường lòng tôn trọng của trẻ em đối với những quyền con người và tự do cơ bản của người khác, tạo điều kiện cho các em tái hoà nhập cộng đồng.

- Không một trẻ em nào bị coi là có tội vì những hành động mà luật pháp quốc gia và quốc tế không cấm vào thời điểm xảy ra;

- Trẻ em bị coi là hay bị tố cáo là có tội được giả định là vô tội cho tới khi có đủ chứng cứ chứng minh là phạm tội theo quy định của pháp luật;

- Trẻ em phải được thông báo nhanh chóng và trực tiếp (hoặc qua cha mẹ, người giám hộ) về những điều bị buộc tội; được giúp đỡ về mặt pháp lý hoặc những giúp đỡ thích hợp khác để bảo vệ mình;

- Việc trẻ em có phạm tội hay không phải được xác định bởi nhà trức trách hay cơ quan có thẩm quyền, độc lập và vô tư theo đúng trình tự, thủ tục luật định;

- Trẻ em không bị ép buộc phải làm chứng hoặc nhận tội, được thẩm vấn hoặc nhờ người thẩm vấn người làm chứng chống lại mình; được tham gia và thẩm vấn những người làm chứng cho mình một cách bình đẳng;

- Trẻ em có quyền kháng cáo bản án tuyên mình có tội để đưa ra Toà án có thẩm quyền cao hơn, độc lập và vô tư xét xử lại theo pháp luật;

- Mọi điều riêng tư của trẻ em được tôn trọng trong suốt quá trình tố tụng và được giúp đỡ phiên dịch không mất tiền nếu trẻ em không nói được ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng.

- Các quốc gia phải có những đạo luật quy định trình tự, thủ tục tố tụng áp dụng riêng cho trẻ em phạm tội: Quy định hạn tuổi tối thiểu trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự ; đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em phạm tội nhưng không phải áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp ; có các biện pháp chăm sóc, hướng dẫn, giám sát, tư vấn, tạm tha, chăm nuôi thay thế, các chương trình giáo dục và dạy nghề... thay thế việc chăm sóc tập trung nhằm bảo đảm cho trẻ em được đối xử phù hợp với phúc lợi của mình (Điều 40).

3.3. Quyền được phát triển.

Quyền được phát triển của trẻ em bao gồm quyền được hưởng những điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện: quyền có cuộc sống đầy đủ, quyền được học tập, nghỉ ngơi, giải trí, được bảo vệ, chống lại sự bóc lột và lạm dụng, quyền được tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, v.v.

3.3.1. Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm sự sống còn và phát triển của trẻ em; quyền được cha mẹ chăm sóc sau khi ra đời;  quyền sống chung với cha mẹ, quyền đoàn tụ gia đình v.v.(các Điều 6, 7, 9, 10) tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và đạo đức. Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm hàng đầu trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển trẻ em; những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là điều quan tâm cơ bản của họ (Điều 18) và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

 3.3.2. Quyền có mức sống đủ để phát triển toàn diện. 

Mọi trẻ em có quyền có mức sống dủ để phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội. Cha mẹ, người nuôi dưỡng có trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo đảm cho trẻ em được hưởng mức sống ấy. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và giúp đỡ cha mẹ, người có trách nhiệm nuôi dưỡng thực hiện quyền này. Trong trường hợp cần thiết phải thực hiện chương trình hỗ trợ và giúp đỡ vật chất, đặc biệt về dinh dưỡng, quần áo và nhà ở (Điều 27).

3.3.3. Quyền được học tập:

- Trẻ em có quyền được học tập. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; thi hành giáo dục tiểu học bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người;

- Khuyến khích phát triển các hình thức giáo dục trung học khác nhau, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề và làm cho các hình thức giáo dục này đến được với trẻ em; giáo dục đại học đến được với tất cả mọi người trên cơ sở khả năng của họ; khuyến khích đi học đều đặn ở trường và giảm tỷ lệ bỏ học;

- Áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm kỷ luật của nhà trường được thực hiện phù hợp với các quyền và nhân phẩm của trẻ em;

- Thúc đẩy và khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nhằm góp phần xoá bỏ nạn dốt nát và mù chữ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật và các phương pháp giảng dạy hiện đại. (Điều 28).

Công ước quốc tế xác định mục tiêu giáo dục nhằm phát triển nhân cách, tài năng của trẻ em như sau:

- Việc giáo dục trẻ em phải nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em;

- Phát triển sự tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản của công dân;

- Phát triển sự tôn trọng đối với cha mẹ của trẻ em, tôn trọng bản sắc văn hoá, ngôn ngữ và các giá trị của đất nước và của chính bản thân trẻ em, tôn trọng các nền văn minh khác và tôn trọng môi trường tự nhiên;

- Chuẩn bị cho trẻ em sống có trách nhiệm theo tinh thần hiểu biết, hoà bình, khoan dung, bình đẳng nam nữ và hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, tôn giáo và những người bản địa (Điều 29).

3.4.Quyền được tham gia.

Quyền được tham gia của trẻ em bao gồm quyền được tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến hoặc những vấn đề mà trẻ em quan tâm và được mọi người lắng nghe, tôn trọng. Người có trách nhiệm cần quan tâm tới nguyện vọng của trẻ em, xem xét các ý kiến của trẻ em, khi cần thiết trẻ em phải được giáo dục, chỉ bảo, uốn nắn.

3.4.1. Quyền tự do bày tỏ ý kiến:

- Trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, có quyền tự do phát biểu ý kiến về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em và những ý kiến đó phải được coi trọng một cách thích ứng phù hợp với lứa tuổi và độ trưởng thành của trẻ em.

- Nhà nước phải tạo điều kiện và cơ hội cho trẻ em nói lên ý kiến của mình trong quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính có ảnh hưởng đến trẻ em hoặc thông qua người đại diện phù hợp với pháp luật quốc gia (Điều 12).

3.4.2. Quyền tự do ngôn luận:

- Trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tất cả các loại thông tin và tư tưởng không kể biên giới, hoặc qua truyền miệng, bản viết tay hay bản in, dưới hình thức nghệ thuật hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác mà trẻ em lựa chọn.

- Quyền này của trẻ em có thể bị một số hạn chế trong trường hợp cần thiết: Để tôn trọng các quyền và thanh danh của người khác hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia hay trật tự công cộng hoặc y tế, đạo đức (Điều 13).

3.4.3. Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo:

- Trẻ em có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Các quốc gia phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của trẻ em theo sự hướng dẫn thích hợp của cha mẹ, người giám hộ;

- Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của trẻ em có thể bị hạn chế bằng pháp luật và cần thiết để bảo vệ an toàn công cộng, trật tự xã hội, y tế hay đạo đức hoặc bảo vệ quyền và tự do của người khác (Điều 14).

3.4.4. Quyền tự do kết giao và tự do hội họp:

Trẻ em có quyền tự do kết giao (gặp gỡ những trẻ em khác) và tự do hội họp hoà bình (gia nhập hoặc lập hội), trừ một số hạn chế được pháp luật quy định và cần thiết để bảo vệ an toàn công cộng, trật tự xã hội, bảo vệ sức khoẻ hay đạo đức hoặc bảo vệ quyền và tự do của người khác (Điều 15).

3.4.5. Quyền được thu nhận thông tin thích hợp

Trẻ em có quyền được thu nhận thông tin và tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là những thông tin, tư liệu cổ vũ cho lợi ích xã hội, tinh thần và đạo đức cũng như sức khoẻ, thể chất và tinh thần của trẻ em.

Nhà nước phải khuyến khích các cơ quan thông tin đại chúng truyền bá những thông tin tư liệu có ích lợi về mặt xã hội và văn hoá cho trẻ em; bảo vệ trẻ em chống lại những thông tin và tư liệu có hại cho phúc lợi của trẻ em (Điều 17)./.

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ
Hình ảnh nổi bật
Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Sao Mai luôn đồng hành với trẻ tự kỷ, CPTTT