Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tiếp nhận thông tin từ môi trường sống qua hệ thống các giác quan, bao gồm có hệ giác quan bên ngoài: vị giác, xúc giác, khứu giác, thị giác, thính giác và hệ giác quan bên trong: Tiền đình - vận động và cảm nhận bản thể. Hệ giác quan là một phần của hệ thần kinh có chức năng thu nhận các thông tin về các giác quan. Quá trình thu nhận các thông tin cảm giác qua các giác quan (Kích thích giác quan) và tổ chức sàng lọc, lựa chọn các thông tin từ giác quan của não, từ đó có thể điều khiển các hành động và phản ứng hành vi phù hợp được gọi là Quá trình xử lý giác quan.

Trẻ tự kỷ thường gặp những khó khăn với các vấn đề về xử lý giác quan do hệ thống tổ chức xử lý thông tin hoạt động kém hiệu quả. Trẻ tự kỷ có thể bị giật mình bởi một tiếng động nhẹ (quá nhạy cảm) hay có thể hoàn toàn không nhận thấy những kích thích âm thanh thông thường từ bên ngoài (chú ý thấp). Những thông tin từ các giác quan sẽ được xử lý một cách không chính xác, không đầy đủ, lộn xộn và kết quả là làm cho trẻ phản hồi nhầm lẫn hoặc phản hồi không phù hợp với các thông tin giác quan. Trẻ thờ ơ hoặc phấn khích với các thông tin giác quan mà trẻ được tiếp nhận.

Thấy rõ được những khác thường ở trẻ và tầm quan trọng của quá trình can thiệp, nhiều năm qua Trung tâm Sao Mai đã rất chú trọng đến phương pháp trị liệu giác quan nhằm giúp trẻ tự kỷ có khả năng điều hợp các giác quan trong việc tiếp nhận thông tin cũng như xử lý thông tin từ đó trẻ duy trì sự tập trung vào học tập và vui chơi, giảm thiểu các hành vi không mong muốn, các phản hồi không phù hợp: la hét, chạy nhảy liên tục, kén ăn, thiếu tập trung chú ý…vv.

Có thể nói, trị liệu giác quan được coi là một trong những loại hình trị liệu không thể thiếu trong quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm tập trung (ADHD), trẻ có nhiều hành vi không mong muốn.... Nhưng để phương pháp trị liệu này thực sự phát huy hiệu quả thì cần có nhân viên trị liệu có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm. Hiện Trung tâm Sao Mai có đội ngũ trị liệu giỏi chuyên môn, làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình, yêu trẻ. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có các phòng trị liệu giác quan rất rộng rãi, với các trang thiết bị, đồ dùng khoa học, phục vụ tốt cho các hoạt động trị liệu của trẻ.

Tại Trung tâm Sao Mai quá trình trị liệu cho trẻ còn được giám sát, phối hợp chặt chẽ từ phía lãnh đạoTrung tâm và gia đình. Trước khi trị liệu, giáo viên trị liệu sẽ làm việc với cha mẹ trẻ tự kỷ đồng thời tiếp xúc, kiểm tra đánh giá để biết những khó khăn của trẻ gặp phải trong quá trình xử lý thông tin các giác quan. Quá trình kiểm tra đánh giá dựa trên cơ sở các bảng kiểm đánh giá rối loạn giác quan cho trẻ KTTT và bảng kiểm rối loạn giác quan dành cho trẻ tự kỷ. Giáo viên ghi lại các đánh giá của mình và xem xét lĩnh vực giác quan gây ảnh hưởng nhiều nhất đến việc học hòa nhập của trẻ, các tần xuất và mức độ trẻ bị ảnh hưởng, loại phản hồi cảm giác nhận thấy ở trẻ để chọn ra chiến lược can thiệp cho giác quan đó. Kết thúc quá trình đánh giá mỗi trẻ sẽ có được một bản nhận xét thẻ giác quan riêng liên quan đến khả năng tiếp nhận và phản hồi thông tin giác quan. Từ đó, giáo viên trị liệu sẽ lập kế hoach, mục tiêu can thiệp. Trong mỗi tiết trị liệu 30 phút hàng ngày, giáo viên đưa ra những chương trình riêng biệt cho từng trẻ bao gồm những hoạt động và cách thức thực hiện để khắc phục sự rối loạn chức năng của các giác quan. Tùy từng nhu cầu giác quan của trẻ, tùy mục tiêu cho giác quan cần can thiệp, giáo viên đưa ra các hoạt động để trẻ được trải nghiệm nhiều hơn với các giác quan trẻ đang gặp khó khăn, trẻ học được cách quản lý các sở thích giác quan, có các phản hồi đúng với từng thông tin trẻ tiếp nhận, phát triển nhận thức cho trẻ bằng việc phát triển khả năng giao tiếp và khả năng hiểu giúp trẻ có cảm giác an toàn, thoải mái, tin cậy, giảm hành vi không phù hợp.

Theo các nhà chuyện môn nhận định, bộ não có khả năng thay đổi hay cải thiện chức năng của nó (đặc tính linh hoạt của não) và rằng sự cải thiện chức năng của não bộ có thể đạt được nhờ trị liệu tập trung vào việc điều hòa các kích thích giác quan một cách hợp lí. Và việc trị liệu, điều hòa cảm giác có thể giúp giảm tỉ lệ những hành vi tự kích thích, hành vi tăng động, hành vi phá rối (tự làm đau bản thân, chạy nhảy liên tục, đánh cắn người khác, ném đồ đạc…). Những hoạt động trị liệu còn có thể khắc phục những suy giảm thần kinh gây nên những vấn đề về vận động, cảm giác thường thấy ở nhiều trẻ tự kỷ.

Nhận định đó thật đúng đắn, bởi thực tế trong bề dày hoạt động, Trung tâm Sao Mai đã trị liệu giác quan cho hàng trăm trẻ liên quan đến rối loạn, khiếm khuyết về giác quan và hầu hết trong số đó đều có những tiến bộ rõ rệt. Nhiều bậc phụ huynh đã rất hạnh phúc khi chứng kiến sự thay đổi tích cực của con em mình.

Điều hòa thị giác

Điều hòa tiền đình- vận động

 Đ.T

 

 

Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ