Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

Tư vấn giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Nhiều chia sẻ hữu ích, các bố mẹ có thể học và áp dụng để giúp con hòa nhập tốt hơn với cuộc sống.

Buổi tư vấn có sự tham gia của: ThS.BS Quách Thúy Minh, nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh – Bệnh viện Nhi TW; Bà Nguyễn Mai Anh – Phó Chủ tịch Mạng lưới Người Tự kỷ Việt Nam.

Thưa bác sĩ Quách Thúy Minh, bác sĩ có thể cho độc giả hiểu rõ về căn bệnh tự kỷ. Theo TS Joachim Hallmayer, ĐH Y Stanford (California, Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. 'Yếu tố môi trường đóng một vai trò quan trọng hơn so với quan niệm trước đây'. Vậy thực sự yếu tố môi trường có vai trò quyết định trong vấn đề trẻ bị tự kỷ không?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Trước kia người ta quan niệm trẻ tự kỷ do cha mẹ ít quan tâm nên cha mẹ mặc cảm tội lỗi, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy yếu tố bẩm sinh như gen, di truyền, môi trường rất quan trọng. Yếu tố môi trường ảnh hưởng đến trẻ rất nhiều. Ví dụ như đồ ăn, thức uống, loại đồ chơi, cha mẹ sống trong môi trường này khi mang thai cũng có thể sinh con tự kỷ. Môi trường sau khi trẻ sinh ra nếu có sự giáo dục tốt sẽ tác động đến trẻ tốt, nếu không trẻ cũng dễ bị tự kỷ.

0985***467: Bé nhà tôi được 30 tháng tuổi. Bé mới nói được mấy từ như: Một, hai, ba nhưng chưa rõ ràng. Khi ba mẹ nói theo thì bé đưa tay ngăn không cho nói. Bé thích đi chơi, khi đòi đi chơi bé biết đi lấy ghế, kéo tay bố mẹ ra xe. Khi bé khát nước bé biết kéo tay ba mẹ ra chỗ lấy nước, bé cũng chơi trò chơi trên điện thoại bé có thể chơi cả buổi tối. Bé cũng coi một vài chương trình thiếu nhi trên tivi và cũng cười khi xem. Khi ăn bé tỏ ra rất kỹ tính, thường xem kỹ mới ăn không đúng loại đã ăn trước đó thì không ăn, bé không ăn, uống thức ăn có màu. Bé cũng biết chơi đồ chơi khi có ba mẹ chơi cùng. Xin hỏi chuyên gia bé nhà tôi như vậy có phải mắc triệu chứng tự kỷ không?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Trẻ có dấu hiệu phát triển lan tỏa theo dấu hiệu của gia đình mô tả. Trẻ có triệu chứng rối loạn ngôn ngữ, hành vi định hình. Bé cần phải được đi thăm khám về khả năng hoạt động và ngôn ngữ, tìm hiểu con thích gì để kịp thời can thiệp.

Lê Hương (Ba Đình, Hà Nội): Thưa Bác sĩ, cháu nhà tôi 7 tuổi, bị chứng giảm chú ý. Cháu đi học thường xuyên làm việc riêng, nói chuyện với các bạn. Cô giáo mắng nhưng cũng không giải quyết được gì, cháu học rất kém và gần như không thích học. Xin hỏi Bác sĩ tôi phải làm sao?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Triệu chứng của cháu chủ yếu là trí tuệ kém và khả năng tập trung kém chứ chưa hẳn là dấu hiệu của tự kỷ. Bố mẹ và gia đình nên tìm hiểu và giúp đỡ trẻ. Trẻ chưa được sự quan tâm đầy đủ của giáo viên. Nên cho trẻ đi thăm khám về khả năng nhận thức trí tuệ. Bên cạnh đó nên có sự giúp đỡ của gia sư, giúp trẻ học dễ hơn chứ không nên mắng mỏ.

Ngọc Linh (Đống Đa, Hà Nội): Tôi đang mang thai và rất lo lắng vì bệnh tự kỷ ngày càng gia tăng. Xin hỏi bệnh này có phát hiện được khi đang mang thai không và những yếu tố nào gây nên bệnh ạ? Và một bạn có nick name là Mẹ Sóc gửi câu hỏi đến chương trình, mong được BS Quách Thúy Minh tư vấn: Chào Bác sĩ, tôi là bà mẹ đang mang thai lần 2. Cháu lớn nhà tôi 5 tuổi bị tự kỷ, vậy không biết cháu thứ 2 có bị tiếp không ạ?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Hiện nay chưa có phương pháp nào để phát hiện tự kỷ khi đang mang thai, sớm nhất là trong 6 tháng đầu trẻ sơ sinh. Nếu trẻ sinh ra 3-6 tháng, đứa trẻ mẹ bé cứ cứng đờ ra, không có sự tương tác với mẹ thì có thể cho trẻ đi khám. Tuy chưa chắc chắn nhưng cũng có thể dự đoán để can thiệp. Trong trường hợp thứ 2, nghiên cứu thấy rằng nếu 1 đứa trẻ sinh ra tự kỷ, đứa thứ 2 cùng trứng thì khả năng bị tự kỷ lên 90%. Trong 10 năm gần đây, thường thì trẻ sinh cùng trứng đều bị tự kỷ, chiếm 2/3.

Một bạn đọc giấu tên ở Mê Linh, Hà Nội: Cháu nhà tôi năm nay 5 tuổi bị tự kỷ, tôi đã cho cháu đi khám thường xuyên ở viện Nhi và tự dạy cháu học ở nhà từ khi 3 tuổi. Bây giờ cháu có thể nói được nhiều dù vẫn ngọng, biết chơi với em (2 tuổi). Xin hỏi bác sĩ sang năm cháu có thể đi học bình thường được không? Và tôi có phải chọn cho con tôi trường dành cho trẻ tự kỷ không ạ?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Có một điều đáng mừng là gia đình chị phát hiện và điều chỉnh trẻ sớm. Khi trẻ bị tự kỷ mà biết nói và chơi với em được như vậy cũng là sự thành công của gia đình. Nếu trẻ trí tuệ chậm thì khó theo học hơn. Với trẻ tự kỷ, học văn hóa không phải là hàng đầu mà là khả năng hòa nhập. Nếu cháu có thể đi học thì nên có sự hỗ trợ của giáo viên để theo dõi cháu. Chị không nói rõ khả năng nhận thức của cháu đến đâu nên cần phải tiếp tục củng cố hành vi, ứng xử, biết độc lập để có thể sống trong môi trường xã hội.

Lan Anh – Hoa Lư Ninh Bình: Thưa chuyên gia, cháu nhà tôi 3 tuổi bị chẩn đoán tự kỷ, xin hỏi Bác sĩ tôi nên chọn đồ chơi cho bé thế nào vì bé hay đập phá đồ chơi thông thường mà tôi mua về. Có hoạt động nào phù hợp cho các trường hơp của con tôi không?

Bà Nguyễn Mai Anh: Bố mẹ nên để ý trẻ 3 tuổi hay chơi loại đồ chơi gì, bé hay đập phá đồ chơi thì nên chọn đồ chơi cho trẻ làm từ nhựa, cao sự, nhồi bông... những loại đập cũng không vỡ. Đồ chơi phù hợp với hoạt động của trẻ. Với trẻ hay ném, phá phách thì nên cho trẻ chơi đá bóng, ném bóng, trong nhà thì có thùng giấy để trẻ ném vào. Ngoài ra có thể cho trẻ ra công viên, có các hoạt động leo trèo như cầu trượt với định hướng là nghe được theo yêu cầu của mẹ chứ không phải mang con ra rồi thả ở đấy. Cần phải làm cho trẻ có hiểu biết yêu cầu của người khác. Vừa phải cho trẻ chơi, vừa dạy trẻ. Cần phải kiên trì dạy con hàng năm chứ không phải vài tháng.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Trẻ có biểu hiện đập phá thì có thể là dấu hiệu tự kỷ. Ném tạo âm thanh và chuyển động trẻ tự kỷ sẽ thích. Tất cả hành vi của trẻ có một ẩn ý, chúng ta cần hiểu để có biện pháp phù hợp. Ngoài ra còn có sự quan sát tích hợp giữa cảm giác và hành động của trẻ để hướng trẻ hoạt động có định hướng.

Cô Trương Thị Hoa (Tuyên Quang): Thưa bác sĩ, con gái em hiện được 24 tháng, cháu nặng 11 kg, cao 79 cm. 16 tháng cháu mới biết đi, cháu không tập đi mà tự đi luôn. Đến nay cháu nói chưa rõ, mới đang bập bẹ được một số từ như gọi tên thì biết dạ. Khi mẹ hỏi cháu toàn quay đi chỗ khác, rất ít tập trung. Cháu hay khóc về đêm và rất khó ngủ. Cháu còn có biểu hiện đập đầu vào tường. Không biết con em có bị tự kỷ không? Cảm ơn bác sĩ.

Bà Nguyễn Mai Anh: Các dấu hiệu gia đình nêu ra cũng có thể là nguy cơ của trẻ tự kỷ. Gia đình nên cho con đi khám để xác định xem mức độ của trẻ. Triệu chứng tự kỷ đơn giản nhưng phải kết hợp nhiều biểu hiện, tổng thể. Vì thế phải đưa con đi khám và quan sát để có cái nhìn tổng quát, đánh giá mức độ phát triển, rối loạn hành vi ngôn ngữ để có hướng dạy trẻ phù hợp cho gia đình. Bé đã có yếu tố nguy cơ rất nhiều.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Gia đình nên quan sát biểu hiện của trẻ trong thời gian bao lâu. Nếu trẻ có hành vi vậy quá lâu thì cần phải đi khám. Nhưng cũng đừng chờ đợi quá lâu sẽ can thiệp muộn. Phát hiện sớm để hiểu về con điều chỉnh kịp thời. Mọi người nên thông cảm với trẻ, với gia đình có trẻ tự kỷ. Việc trẻ có con tự kỷ là một khó khăn để chấp nhận và vượt qua. Bố mẹ cần phải tham khảo thông tin từ bố mẹ khác hoặc tìm hiểu rồi đưa trẻ đi khám.

Nguyễn Thị Thanh Thúy (TP Vinh, Nghệ An: Chào chuyên gia, con tôi 6 tuổi, rất thích nghịch đồ chơi và hay tháo tung ra để nghịch. Liệu đây có phải là chứng Asperger không Bác sĩ?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Trẻ tự kỷ có triệu chứng điển hình: giảm giao tiếp xã hội, hành vi kỳ lạ... bố mẹ cần phải quan sát kỹ, không phải biểu hiện nào cũng là tự kỷ. Bé 6 tuổi đang là độ tuổi thích khám phá, nhưng nếu ở mức độ quá thì nên đi khám biết đâu trẻ mắc hội chứng hiếu động.

Lê Thị Bích Ngọc (Hải Hậu, Nam Định): Cháu nhà tôi 7 tuổi rất lì lợm, gần như không biết sợ ai, đánh cũng không khóc. Liệu cháu có bị tự kỷ không vì tôi nghe nói trẻ tự kỷ cũng không biết sợ.

Bà Nguyễn Mai Anh: Riêng một biểu hiện không thể kết luận trẻ có bị tự kỷ không. Nếu trẻ vẫn giao tiếp bình thường, vẫn tương tác, vui chơi bình thường mà chỉ lỳ lợm thôi thì không chắc đã bị tự kỷ, nhiều trẻ bị quát mắng nhiều quá nên lỳ đòn, không có cảm giác sợ hãi.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Dấu hiệu gia đình nêu ra, trẻ tự kỷ cũng có thể có dấu hiệu đó, trẻ không cảm giác sợ hãi khi đi ngoài đường hay mối đe dọa nào đó. Một số trẻ thì rất nhạy cảm, chỉ cần động vào người đã phản ứng. Còn trường hợp của gia đình thì chưa thể kết luận được. Có thể bé có dấu hiệu chống đối do chưa có biện pháp giáo dục phù hợp. Đánh trẻ con là hoàn toàn sai lầm. Cần phải có biển pháp giảng giải, dạy trẻ bằng cảm xúc và sức thuyết phục.

 

[email protected]: Thưa bác sĩ, con tôi bị hội chứng Aspenger kèm theo động kinh. Bé đọc một cuốn sách có thể nhớ từng chi tiết và nhớ các con số rất giỏi. Tôi có mua nhiều sách cho con đọc, và con có thể đọc cả ngày. Xin hỏi bác sĩ, chứng động kinh và tự kỷ có liên quan gì đến nhau không? Tôi có đọc cuốn sách 'Sinh vào ngày xanh' thì tác giả cuốn sách đó là Tamet cũng bị hội chứng như con tôi – và anh ấy có một cuộc sống khá tốt. Thực sự có hy vọng gì cho trường hợp của con tôi không?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Có 25% trẻ tự kỷ có dấu hiệu sốt co giật và động kinh, đây là trường hợp của con chị. Bé có khả năng ghi nhớ tốt, trí nhớ máy móc- trí nhớ chụp hình. Tuy nhiên, các mặt khác thì trẻ lại không tốt, ngô nghê, giao tiếp không linh hoạt. Một số trẻ tự kỷ có năng khiếu đặc biệt nhưng giao tiếp bạn bè lại kém. Nếu trẻ có năng khiếu thì bồi dưỡng thêm để sau này có ích cho xã hội. Đồng thời cũng phải tạo môi trường sống tốt cho trẻ, hòa nhập với mọi người. Phải tạo cho trẻ nhận thức xã hội, nhận thức về bản thân để trẻ tiến bộ từng bước một. Bé nhà chị nếu có trí tuệ tương đối tốt thì có thể đi học nhưng có sự hỗ trợ của cô giáo.

Chị Lê Thị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội): Thưa chuyên gia, tôi có con 3 tuổi bị tự kỷ, tôi muốn cho cháu đi học để hòa nhập nhưng đang băn khoăn. Tôi nên cho bé đi học mẫu giáo thường hay lớp cho trẻ tự kỷ ạ? Vì tôi nghĩ học cùng trẻ bình thường sẽ giúp cháu tốt hơn, còn lớp cho trẻ tự kỷ thì khá hiếm và chất lượng không đảm bảo. Mong chuyên gia tư vấn giúp.

Bà Nguyễn Mai Anh: Niềm ao ước của tất cả gia đình có trẻ tự kỷ là con có thể đi học, chơi với bạn bè bình thường. Tuy nhiên cần xem trẻ tự kỷ ở mức nào, nhận thức và khả năng giao tiếp đến đâu. Với trẻ 3 tuổi, con cần phải biết chú ý đến trẻ khác để hòa nhập cùng các bạn.

Cha mẹ cần phải dạy trẻ rất nhiều kỹ năng như chơi với bạn bè, cùng chơi đồ chơi, tự chăm sóc bản thân... rồi tùy mức độ mới có thể cho trẻ đi học cùng các bạn bình thường hay không.

0988***794: Chào bác sĩ, có phải những trẻ bị hội chứng Asperger đều là những trẻ thông minh không? Làm thế nào để phân biệt Asperger với các loạn tự kỷ khác ạ? Và trẻ tự kỷ mắc hội chứng này có khả năng đặc biệt có thể phát huy được không?

ThS BS Quách Thúy Minh: Trẻ tự kỷ có một số năng khiếu đặc biệt, tức là chỉ giỏi ở lĩnh vực đấy, còn khả năng ngôn ngữ và giao tiếp còn kém, không có chiều sâu, chỉ nói được một số vấn đề trẻ thích chứ không quan tâm người khác. Ví dụ bị bạn trêu trọc thì không phản ứng lại. Trường hợp này nên khuyến khích trẻ toàn diện, chứ không thu hút trẻ quá vào thứ mà trẻ thích. Hội chứng asperger, một số người vẫn đi học, lớn lên, đi làm bình thường mà không hề biết bị tự kỷ. Nhưng có thể mắc chứng lo âu...

Thu Hòa (Hà Nội): Thưa bác sĩ, con trai cháu được 3 tuổi nhưng hiện giờ con chưa nói được rõ, thỉnh thoảng con chỉ bập bẹ từ bà bà. Con không thích chơi với các bạn, không để ý mỗi khi bố mẹ gọi hay hỏi chuyện. Cuối năm 2014, em đã cho con đi khám ở khoa Tâm thần bệnh viện Nhi TW, bác sĩ có kết luận con đang có những dấu hiệu của chậm phát triển trí tuệ, một góc độ của trẻ tự kỷ chậm phát triển ngôn ngữ và thiếu tập trung. Bác sĩ có kê đơn thuốc uống 2 loại: somazina và 1 loại bổ sung Mg + B6. Gia đình cũng đã cho con đi học tại trường chuyên biệt có giáo viên dạy trẻ tự kỷ và cũng tìm hiểu thêm các phương pháp để dạy con nhưng đến giờ biểu hiện tiến bộ của con rất chậm. Trong trường học của con có 1 số bé bố mẹ cho uống Vương não Khang và có chia sẻ về việc có tiến bộ. Cháu cũng đang phân vân về việc cho con sử dụng Vương Não Khang. Bác sĩ cho cháu hỏi con cháu có sử dụng được Vương Não Khang cùng các thuốc bác sĩ kê không? Thuốc này đã được nghiên cứu và đồng ý của bác sĩ về việc cho trẻ chậm phát triển trí tuệ hay trẻ tự kỷ sử dụng không? Với trường hợp của con cháu sử dụng Vương Não Khang có tiến bộ được không? Cảm ơn Bác sĩ.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Dạy trẻ tự kỷ là quá trình lâu dài, ko thể chỉ trong tuần hay tháng. Trong trường hợp của bé tiến bộ chậm, gia đình phải tiếp tục khuyến khích con, kết hợp với giáo viên để dạy con.

Sản phẩm vương não khang có một số thành phần có tác dụng rất tốt, làm tăng hoạt động não và khả năng vận động của trẻ. Sau khi dùng sản phẩm này trẻ có biểu hiện tốt như ngủ ngon hơn, giảm tăng động, mà không có tác dụng phụ.

Bà Nguyễn Mai Anh: Tất cả cha mẹ của trẻ tự kỷ đều biết rằng y học chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu chữa tự kỷ. Vì vậy vẫn cần kết hợp biện pháp giáo dục và dùng thuốc. Vẫn phải bổ sung cho trẻ một số loại thuốc để việc học của con mới tốt được.

Mẹ XuXu (TP Thái Bình, Thái Bình): Bác sĩ ơi, việc điều trị trẻ tự kỷ ngoài trị liệu, dạy dỗ thì có thể uống thuốc hay can thiệp y tế không ạ? Bởi cháu thấy hiện nay việc dạy trẻ tự kỷ chưa phát triển lắm nên sợ con cháu (4 tuổi) sẽ khó hòa nhập được ạ.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Phương pháp dạy trẻ chủ yếu là phương giáo dục chuyên biệt. Phải có sự kết hợp giữa gia đình và giáo viên. Vẫn có một số thuốc hỗ trợ, ví dụ nếu trẻ bị tăng động thì dùng thuốc làm trẻ dịu thần kinh và hành động. Thuốc sẽ hỗ trợ làm tăng năng lượng cho não, trẻ tiếp thu tốt hơn. Nếu con có phản ứng phụ cần phải báo ngay với bác sĩ. Cần phải có sự kết hợp song hành giữa gia đình, ngành y và nhà trường.

Vũ Thị Hoàn (Hòa Bình): Chào Bác sĩ, tôi năm nay 64 tuổi, có cháu nội bị tự kỷ. Cháu đã đến tuổi đi học những nhận thức kém, chỉ thích chơi 1 mình. Xin hỏi Bác sĩ nếu nhà tôi cứ cho cháu đi học thì cháu có thể bình thường được không? Vì ở trường nhiều bạn, biết đâu bệnh cháu sẽ nhẹ bớt. Mong Bác sĩ cho lời khuyên ạ.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Trường hợp tự kỷ nặng điển hình như 7-8 tuổi chưa nói được thì khả năng phát triển đi học là rất khó. Điều cần làm vẫn phải giúp trẻ hòa nhập và phát triển các kỹ năng tinh, kỹ năng chăm sóc bản thân. Gia đình không được nản lòng nhưng cũng phải cương quyết để có phương pháp dạy con linh hoạt.

Bà Nguyễn Mai Anh: Đây là một trường hợp khá nặng. Với mỗi trẻ tự kỷ là một cá thể khác nhau, khi trẻ lớn lên, trưởng thành cũng vậy. phải nhìn vào mức độ của trẻ tự kỷ để định hướng trẻ phát triển phù hợp chứ đừng nhất thiết phải bắt trẻ phải đi học, phải làm được điều này điều kia như trẻ tự kỉ khác. Đừng lấy mục tiêu của trẻ khác để áp đặt vào con của mình. Nếu trẻ bị nặng thì nên giúp con tự biết ăn uống và tắm giặt, tiếp đến là biết đưa ra yêu cầu bản thân. Gia đình chỉ nên đưa từng mục tiêu gần và dạy con rồi tiếp tục đưa các mục tiêu cao hơn một chút.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Với trẻ không có khả năng giao tiếp được, một phương pháp rất hay đó là trao đổi bằng tranh. Trẻ có thể vẽ rồi gom lại thành cuốn từ điển bằng tranh. Khi nào trẻ muốn gì trẻ có thể lấy bức tranh để thể hiện. Con có thẻ sử dụng tranh đó để nói yêu cầu. Bố mẹ cũng dùng chính tranh đó để đưa yêu cầu với trẻ. Nếu trẻ không thể nói đừng cố dạy trẻ nói sẽ không có tác dụng nên tìm các phương pháp tiếp cận khác với trẻ.

Mẹ Nấm (Khánh Hòa): Thưa Bác sĩ, tôi nghe nói có một bài trắc nghiệm giúp chẩn đoán trẻ tự kỷ. Con tôi 1 tuổi, vẫn chưa có biểu hiện gì nhưng tôi muốn cho cháu đi kiểm tra sớm để kịp thời điều trị có được không? Cảm ơn Bác sĩ!

ThS.BS Quách Thúy Minh: Với trẻ dưới 1 tuổi không có bài kiểm tra trắc nghiệm nào. Trẻ lớn hơn 15 tháng tuổi thì có các bài kiểm tra đẻ đánh giá mức độ. Tùy theo lứa tuổi sẽ có thang trắc nghiệm tâm lý. Tuy nhiên, vẫn không hiệu quả bằng đánh giá trực tiếp, quan sát và sự nhạy cảm của gia đình. Bố mẹ có thể t ìm hiểu thông tin để biết mức độ của trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời.

Một cô giáo giấu tên (Thanh Hóa): Chào Bác sĩ, tôi là cô giáo mầm non, hiện lớp tôi đang dạy có 1 cháu bị tự kỷ. Cháu không phá phách, chỉ thích chơi 1 mình, ít nói. Nhiều khi tôi muốn dẫn cháu và các bạn ra ngoài sân chơi thì cháu khóc thét lên, ra ngoài cũng chỉ chơi 1 góc. Tôi rất tích cực nói chuyện, dạy kèm riêng cho bé nhưng không mấy hiệu quả. Xin hỏi Bác sĩ tôi phải làm thế nào để bé chịu chơi cùng các bạn và cải thiện hành vi của cháu?

Bà Nguyễn Mai Anh: Có một bạn tự kỷ trong lớp đòi hỏi cô giáo phải nghiên cứu về tự kỷ, chứ chỉ bằng trực giác thì hiệu quả không cao. Cháu bé trong lớp không phá phách nhưng cũng không chơi cùng bạn - dấu hiệu điển hình của tự kỷ. Cô giáo nên tìm trong lớp 1 vài bạn nhanh nhẹn và giao nhiệm vụ cho các bạn, nói với các con là bạn này nhút nhát, không nhanh nhẹn với các con, chứ không được nói trẻ bị tự kỷ. Để các con chơi với nhau, trẻ con với trẻ con thì mọi thứ dễ dàng hơn. Cô giáo nên nói những thứ trẻ thích thì đánh vào tâm lý của trẻ, kích thích trẻ tham gia cùng các bạn, ban đầu có thể cho con chơi 1 lúc thôi rồi cho con vào, rồi mỗi lần lâu hơn một chút, cho trẻ làm quen dần dần chứ đừng bắt trẻ phải quen ngay từ đầu.

ThS.BS Quách Thúy Minh: Nếu chỉ có tình thương chưa đủ, các cô giáo cần có kỹ năng. Hiểu về tự kỷ để có cách ứng xử phù hợp. Các cô dạy trẻ tự kỷ rất vất vả, hơn trẻ khác rất nhiều. Các cháu tự kỷ luôn cần sự an toàn. Các cháu không cần quá nhiều bạn mà chỉ cần một vài bạn thân thiết thôi. Cái gì cũng phải dần dần.

Mẹ Hồng Phúc (Thanh Xuân, Hà Nội): Bác sĩ ơi, con cháu được 18 tháng rồi nhưng chậm nói, không hay bập bẹ, chỉ thích xem ca nhạc rồi nhún nhảy theo. Xin hỏi Bác sĩ con cháu bị chậm nói hay do tự kỷ ạ?

ThS.BS Quách Thúy Minh: Cháu có dấu hiệu chậm nói, Ngoài ra nếu con có các biểu hiện ví dụ nói vô nghĩa, ăn không nhai, gọi không quay đầu, đi nhón chân... thì mới là dấu hiệu tự kỷ. Còn không còn chỉ là chậm nói, hoặc dó một số bệnh lý như tai nghe kém. Cần phải đưa trẻ đi bệnh viện để có xét nghiệm, kiểm tra kịp thời, tìm ra nguyên nhân. Còn chưa dấu hiệu chị đưa ra thì chưa có gì nổi bật, trẻ con đứa nào cũng vậy.

Hải Linh (Phú Thọ): Tôi năm nay 40 tuổi, tôi phải điều trị vô sinh nhiều năm mới có được cháu trai giờ cũng đã được 2 tuổi. Cứ tưởng trừng hạnh phúc đã mỉm cười với tôi nhưng cháu cho đên giờ cháu mới chỉ nói được câu bà và bố. Ước ao được nghe tiếng mẹ của tôi cho đến giờ vẫn chưa thành sự thật. Cháu không hay cười hoặc khóc hay đòi đi chơi như các bé cùng tuổi. Nhiều người nói có thể con tôi bị tự kỷ. Liệu con tôi có bị tự kỷ thật không? Xin chuyên gia tư vấn cho tôi phương pháp điều trị cho cháu để cháu có chơi đùa như các bé cùng tuổi và hơn hết là được nghe tiếng mẹ từ cháu. Cảm ơn Bác sĩ!

ThS.BS Quách Thúy Minh: Trẻ bị rối loạn lan tỏa thì rất khó khăn nói được từ Mẹ. Một số trường hợp như sinh con muộn, thụ tinh nhân tạo thì có nguy cơ con tự kỷ cao hơn. Trường hợp của gia đình, khả năng cháu bị tự kỷ khá cao. Cháu phải được đi thăm khám để được điều trị kịp thời, dạy con các kỹ năng ngôn ngữ, hành vi, giáo dục hòa nhập. Mong chị gạt được mặc cảm để đưa con đi thăm khám để có hướng điều trị sát thực, chứ chỉ ngồi lo lắng mà can thiệp muộn sẽ gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Mai Anh: Tôi rất đồng cảm trường hợp này. Tôi cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Tôi lấy chồng khá muộn và sinh con muộn, con 2 tuổi không gọi mẹ. Tôi nghĩ chị phải mạnh mẽ lên, cho con đi thăm khám để nhận lời tư vấn. Chị cũng nên đi học, đi tìm hiểu từ tất cả các diễn đàn, khóa tập huấn cho cha mẹ có con tự kỷ, học ở các trung tâm bệnh viện để mở mang kiến thức, để thấy mình không đơn độc và về dạy con.

Hiện, chúng tôi vẫn còn nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc, nhưng thời lượng chương trình có hạn, nên chương trình xin được kết thúc tại đây. Nếu có câu hỏi, mời các bạn đặt câu hỏi tại Diễn đàn Hỏi - Đáp trên trang Songkhoe.vn, bác sĩ sẽ giải đáp.

Theo Suckhoedoisong.vn


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ