Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng hướng, đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển.

Tự kỷ (còn được gọi là “rối loạn phổ tự kỷ”) là một nhóm những rối loạn phức tạp của phát triển não bộ. Những người bị chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp. Rối loạn phổ tự kỷ (gọi tắt là tự kỷ) là một trong những dạng rối loạn phức tạp, chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, nên rất khó tác động hay can thiệp để dẫn đến sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng hướng, đúng cách, trẻ tự kỷ vẫn có thể phát triển bình thường, sống độc lập và hòa nhập xã hội.

Theo nghiên cứu của NIH (Sức khỏe Tâm thần Mỹ), phổ tự kỷ là một rối loạn tâm thần thuộc loại phát triển thần kinh biểu hiện từ rất sớm, 75% xuất hiện từ trước 3 tuổi. Nó được gọi là phổ vì có sự khác biệt rõ ràng giữa các triệu chứng và mức độ ở mỗi người. Rối loạn phổ tự kỷ gồm nhiều chẩn đoán đơn lẻ: tự kỷ (thông thường), rối loạn phát triển lan tỏa không được chỉ định khác (PDD-NOS) và hội chứng Asperger. Với các biểu hiện rất sớm vậy, các bà mẹ cần theo dõi các biến đổi của trẻ để có hướng xử lý sớm.

Về Cảm xúc: Trẻ không giao tiếp bằng mắt với mẹ ngay từ khi còn nhỏ, không nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó, lơ đễnh, không phân biệt được người lạ, người quen; không bày tỏ yêu thương, quyến luyến với mẹ; không theo mẹ, không biết vui mừng khi bố mẹ đi đâu về. Lúc đi học trẻ không thích chơi với bạn, không nhận thức được cô giáo la mắng hay khen, dẫn đến làm những điều không thích hợp.

Về Ngôn ngữ: Trẻ nói những âm đơn điệu, thiếu ngữ điệu, nhại lời người khác, nói lẩm bẩm một mình, có khi phát âm những âm vô nghĩa, lặp đi lặp lại. Không biết bắt chước người lớn để làm theo, nói theo; khi có nhu cầu bé không biết làm cho người lớn hiểu mình cần gì; phải gợi ý hướng dẫn nhiều lần bé mới có thể làm theo.

Về Hành vi: Trẻ chỉ thích chơi với một thứ, quan tâm đến chi tiết hơn là cách sử dụng đồ chơi thế nào ( ví dụ trẻ chỉ xoay tròn chiếc bánh xe chứ không để xe chạy dưới sàn).

Trong can thiệp trẻ tự kỷ, phương pháp can thiệp dựa vào vui chơi là phương pháp tác động hiệu quả để hỗ trợ cải thiện sự giao tiếp, tương tác các hành vi. Khi vui chơi, trẻ được hoạt động cả thể chất lẫn não bộ, từ đó kết hợp khéo léo, phát triển các giác quan, trí tuệ, gia tăng quá trình tương tác.

Vậy làm thế nào để can thiệp tốt nhất cho trẻ?

 Từng nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu trong lĩnh vực này, bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai cho rằng đối với trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ là giáo dục chứ không hẳn là y tế do đó cần thiết phải áp dụng các phương thức tiếp cận giáo dục hòa nhập song song với điều trị bằng thuốc dành cho trẻ em gặp khó khăn về trí tuệ.

 "Trẻ tự kỷ giống như một chiếc hộp đóng kín, thời gian đầu, bố mẹ, thầy cô và gia đình rất khó khăn trong việc tiếp cận trẻ. Cần phải biết cách để mở chiếc hộp đó, hiểu trẻ thích gì... nếu phát hiện và can thiệp sớm trước 3 tuổi sẽ giúp trẻ hòa nhập sớm", bác sĩ Đỗ Thúy Lan chia sẻ..

 Theo các tài liệu nghiên cứu thì tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh được đặc trưng bởi 2 nhóm suy yếu chính là: Khó khăn, hạn chế trong tương tác, giao tiếp, chia sẻ mang tính xã hội; các hành vi, sở thích hạn hẹp và định hình lặp lại. Tự kỷ có thể đi kèm với các dạng rối loạn khác như rối loạn phát triển trí tuệ, rối loạn cảm giác… Do đó, trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động chức năng khác như vui chơi, học tập…

Vì hạn chế trong tương tác xã hội là khó khăn cốt lõi của trẻ tự kỷ nên muốn can thiệp được cho trẻ thì phải tương tác được với trẻ. Muốn tương tác được với trẻ thì phải dựa trên hứng thú, sở thích của trẻ để thu hút. Nếu trẻ không có hứng thú nào, cha mẹ, người chăm sóc hãy giới thiệu trò chơi cho trẻ và làm nó trở nên vui vẻ, thú vị.

Đồ chơi và trò chơi theo từng lứa tuổi cùng sự khích lệ, hướng dẫn của cha mẹ, người chăm sóc là nền tảng, môi trường giúp trẻ phát triển tốt nhất. Vì thông qua chơi đùa trẻ tự kỷ có cơ hội khám phá thế giới xung quanh; kết bạn để hòa nhập; phát triển khả năng giao tiếp, ngôn ngữ nhờ việc quan sát và tương tác xã hội, cảm xúc; phát triển về thể chất, nhận thức, phản xạ, tư duy; tự điều chỉnh năng lực xã hội, sự thông cảm; tăng sự phản biện xã hội, tự chủ; giảm bớt các hành vi không phù hợp, lặp đi lặp lại…

Với trẻ em bình thường, trò chơi tưởng tượng, đóng vai có lẽ là trò chơi rất thú vị. Chỉ với một đồ chơi bình thường như chiếc que, trẻ có thể nghĩ thành chiếc đũa thần, cây kiếm; búp bê có thể biến thành công chúa để may đồ, em bé để ru ngủ hay bệnh nhân để cho uống thuốc… trẻ cũng rất thích lôi kéo người khác chơi cùng và đòi hỏi người khác chú ý hành động chơi của mình. Nhưng trẻ tự kỷ thì khác, nếu không được hướng dẫn nhiều lần, trẻ sẽ chơi một đồ vật với chỉ một cách chơi đơn điệu, không biết “biến” mình hay đồ chơi thành nhân vật và cũng không cần có người khác chơi cùng hoặc hưởng ứng…

Khả năng chơi khái quát của trẻ tự kỷ rất kém nên có những trường hợp trẻ chơi ở nhà với đồ vật quen thuộc rất tốt nhưng khi đến một nơi khác, chơi với người khác hay đồ vật khác tương tự thì không thể chơi được. Do đó, sau khi nương theo cách chơi của trẻ, người chăm sóc trẻ cần chuyển sang giai đoạn khái quát hóa để mở rộng kỹ năng chơi cho trẻ như: Đa dạng đồ chơi, cách chơi, không gian chơi, người chơi, tình huống chơi...) Ví dụ: Cùng chơi đi siêu thị nhưng mỗi lần sẽ đi bằng một phương tiện khác, một siêu thị khác, mua những món đồ khác nhau... điều này sẽ  giúp trẻ thích nghi tốt trong các môi trường khác nhau. Trong quá trình dạy trẻ chơi, người lớn có thể rèn luyện thêm vốn từ cho trẻ bằng cách làm đến đâu nói đến đấy để giúp trẻ gắn vốn từ vào hoạt động, từ đó làm vốn từ của trẻ phong phú hơn. Khi quan sát thấy trẻ có biểu hiện thích thú với đồ chơi và trò chơi, người chơi cùng trẻ cần khen ngợi và khuyến khích trẻ tiếp tục duy trì cuộc chơi...

Trẻ tự kỷ thường không biết cách chơi, nên để dạy trẻ chơi không phải là việc dễ dàng. Với đặc điểm vui chơi của trẻ tự kỷ, gia đình, thầy cô, người chăm sóc cần có sự chấp nhận, kiên nhẫn, hướng dẫn, tổ chức trò chơi phù hợp dựa trên sở thích, khả năng, sức khỏe của trẻ nhằm giúp trẻ dần dần học hỏi, phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hòa nhập.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội bởi vì giống như các căn bệnh rối loạn về tâm sinh lý khác, tự kỷ có thể trở thành bệnh mãn tính và tồn tại trong suốt cuộc đời của của trẻ.

Các nhà khoa học trên thế giới và trong nước đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân phát sinh bệnh tự kỷ, nhưng cho đến nay vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra nó. Có rất nhiều giả thuyết cho rằng bệnh có thể liên quan đến gen truyền từ bố mẹ trẻ và những thứ khác, như nhiễm trùng hoặc độc tố làm thay đổi cách não phát triển. Các vấn đề trong thời gian mang thai và khoảng thời gian sinh đẻ cũng làm tăng nguy cơ bị chứng tự kỷ... Vì vậy, cá gia đình không may có con mắc chứng tự kỷ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chấp nhận tình trạng của con cũng như vấn đề chăm sóc, lựa chọn phương pháp can thiệp, điều trị cho con em mình. Thậm chí nhiều phụ huynh rất sốc vì nghĩ con mình "vô phương cứu chữa"!

Bác sỹ Đỗ Thúy Lan, Chuyên khoa II tâm thần, Giám đốc Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn Phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật trí tuệ) cho biết: Hầu như phụ huynh đều bị sốc khi bác sĩ kết luận con họ mắc hội chứng tự kỷ. Bởi hiện tại, tự kỷ chưa có thuốc chữa, trẻ mắc tự kỷ khi nhỏ thì lớn lên, trưởng thành vẫn là người tự kỷ. Khoa học đang nghiên cứu để tìm nguyên nhân và thuốc chữa. Tuy nhiên nếu trẻ tự kỷ được phát hiện, chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lí và kiên trì trước 40 tháng tuổi thì trẻ có thể tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu được can thiệp sớm trẻ tự kỷ, trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống, còn nếu không được điều trị sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, qua 10 tuổi dễ bị tâm thần. Trước đây, tự kỷ bị hiểu nhầm là rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ. Đây là một quan điểm sai lầm làm khổ tâm nhiều bậc phụ huynh và sai lầm trong phương pháp can thiệp. Hiện nay, y học hiện đại chưa có thuốc đặc hiệu cho bệnh tự kỷ mà chỉ điều trị các tổn thương não kèm theo như động kinh, tăng động...

Chính vì vậy, các hoạt động chủ yếu vẫn là can thiệp sớm cho trẻ với nhiệm vụ của giáo viên đặc biệt, chuyên viên tâm lý, bác sỹ nhi khoa và nhất là phụ huynh bởi yếu tố gia đình vẫn là quyết định tới kết quả can thiệp. Phát hiện sớm là điều có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ. Khi phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được khắc phục ngay những khiếm khuyết của mình và trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội và nhận thức. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào: Luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân. Trong quá trình trị liệu cho trẻ tự kỷ cần áp dụng đa dạng các phương pháp khác nhau như: Ứng dụng phân tích hành vi, liệu pháp ngôn ngữ, trị liệu về vận động, trị liệu kỹ năng xã hội, vật lý trị liệu, liệu pháp trò chơi, trị liệu hành vi, các liệu pháp phát triển, các liệu pháp dựa và trực quan, những liệu pháp y sinh học...

Đài Thanh

 

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ