DẠY KỸ NĂNG CHƠI CHO TRẺ THEO MÔ HÌNH ESDM
1. DẠY BẮT CHƯỚC TRONG TRÒ CHƠI
Trẻ học chơi bắt đầu từ việc bắt chước người lớn:
- Bước 1: Người lớn làm mẫu hành động với đồ vật (lăn ô tô, xếp khối, lắc trống...).
- Bước 2: Quan sát xem trẻ có tự khởi xướng không. Nếu có, hãy phản hồi tích cực và mở rộng trò chơi.
- Bước 3: Nếu trẻ chưa làm, hỗ trợ tối thiểu như diễn kịch câm, làm mẫu từng phần, sau đó đưa đồ vật để trẻ thử.
2. DẠY TRÒ CHƠI CHỨC NĂNG
Đây là khi trẻ dùng đồ vật đúng chức năng (ví dụ: cầm cốc để uống, chải tóc bằng lược):
- Giai đoạn 1: Bắt chước có hướng dẫn
Dùng các đồ vật quen thuộc. Nếu trẻ chưa biết dùng, hãy làm mẫu kèm lời nói vui tươi như “chải tóc cho em bé nhé!”. Lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ thực hiện được. - Giai đoạn 2: Khuyến khích chơi tự phát
Đưa đồ vật cho trẻ và chờ xem trẻ làm gì. Nếu trẻ thực hiện đúng chức năng, hãy mô tả hành động và chơi song song để khuyến khích tiếp tục.
Dạy trẻ đảo vai
Cho trẻ trải nghiệm vai trò người chơi chủ động – bị động, ví dụ:
Bạn đút búp bê ăn → trẻ đút lại cho bạn → rồi đút cho búp bê.
Dùng từ phù hợp với khả năng ngôn ngữ của trẻ để phát triển ngôn ngữ: “Con ăn”, “Mẹ ăn”, “Gấu ăn”...
Dạy trò chơi song song
Khi trẻ đã biết bắt chước người lớn, có thể chuyển sang chơi song song với bạn cùng lứa:
- Chuẩn bị 2 bộ đồ chơi giống nhau.
- Cho trẻ ngồi gần bạn chơi.
- Quan sát xem trẻ có làm theo hành động của bạn không. Nếu không, người lớn hỗ trợ như khi dạy bắt chước.
Trò chơi song song giúp trẻ học quan sát, mô phỏng bạn và dần dần tương tác nhiều hơn.
3. DẠY TRÒ CHƠI BIỂU TƯỢNG
Trò chơi biểu tượng (giả vờ) giúp trẻ phát triển tư duy trừu tượng:
- Bắt đầu bằng hành động quen thuộc: ví dụ “cho mèo ăn”, “em bé đi ngủ”.
- Sau đó dùng vật thay thế: khối gỗ làm điện thoại, tay làm thìa.
- Tạo chuỗi hành động: ví dụ, rót nước → uống → lau miệng → rửa ly.
Hãy khơi gợi hứng thú bằng lời khen, âm thanh vui nhộn, các chủ đề quen thuộc như: đi ngủ, đi ăn, tắm, nấu ăn...
Phát triển trò chơi với búp bê, thú bông
Khi dạy trẻ chơi với búp bê hoặc thú nhồi bông:
- Làm mẫu các hành động quen thuộc: “chải tóc cho em bé”, “cho gấu ngủ”.
- Sau đó đưa cho trẻ và khuyến khích bắt chước.
- Khi trẻ đã quen, cho trẻ tự chơi và dùng lời gợi ý nhẹ như: “Em bé đói rồi kìa!”
Tạo thêm các tình huống phong phú: “Em bé ăn cơm”, “Gấu tô màu”... để phát triển trí tưởng tượng.
Dạy trẻ dùng đồ vật thay thế
- Giai đoạn 1: Dùng đồ vật thật (thìa, bình sữa).
- Giai đoạn 2: Dùng bản thu nhỏ.
- Giai đoạn 3: Dùng đồ vật trung tính (khối gỗ, que đè lưỡi).
Nếu thiếu đồ vật thật, khuyến khích trẻ “sáng tạo” bằng vật tương tự. Ví dụ: “Không có thìa rồi, mình dùng gì được nhỉ?”
Kỹ năng này giúp trẻ hiểu đồ vật có thể thay thế, phát triển tư duy linh hoạt – nền tảng cho chơi tượng trưng và ngôn ngữ.
Dạy chuỗi hành động biểu tượng
Ví dụ: Chuỗi chơi “uống nước ép”
- Mở nắp
- Rót nước
- Uống
- Lau miệng
- Rửa ly
Tăng độ phức tạp bằng cách thêm nhân vật (búp bê, bạn chơi) hoặc mở rộng chủ đề: dọn bàn, làm nước cam, đút em bé ăn…
Chọn chủ đề trò chơi gần gũi
Chủ đề trò chơi nên xuất phát từ trải nghiệm hàng ngày của trẻ như:
- Ăn uống, tắm rửa, đi chợ
- Sinh nhật, đi thăm bác sĩ
- Chơi với anh chị, bố mẹ
- Nội dung sách tranh trẻ yêu thích
Những chủ đề quen thuộc sẽ giúp trẻ dễ tưởng tượng và tham gia trò chơi.
Tạo kịch bản trò chơi biểu tượng
Một kịch bản tốt giúp trẻ học trình tự, vai trò và ngôn ngữ xã hội. Ví dụ kịch bản “đi mua đồ ăn”:
- Vào cửa
- Xếp hàng
- Gọi món
- Trả tiền
- Nhận đồ
- Ngồi ăn
- Dọn bàn
- Vứt rác
- Rời khỏi
Hãy viết kịch bản bằng từ ngữ đơn giản kèm hình ảnh minh họa. Lặp lại nhiều lần cho trẻ nhớ. Sau đó, để trẻ sắp xếp lại thứ tự, kể lại bằng ngôn ngữ của mình.
Thực hành trò chơi đóng vai
Sau khi trẻ đã quen với kịch bản:
- Dùng búp bê nhỏ, vật dụng thu nhỏ để diễn lại.
- Đầu tiên người lớn làm mẫu → sau đó cho trẻ vào vai chính.
- Khuyến khích trẻ nói, sử dụng từ khóa như “đầu tiên – tiếp theo – cuối cùng”.
Cuối cùng, hãy tạo môi trường chơi thật: quầy tính tiền, bàn ăn, túi đựng... để trẻ tự thực hiện toàn bộ trò chơi.
Thông điệp từ Trung tâm Sao Mai:
Mỗi hành động chơi, mỗi lần bắt chước, mỗi cuộc trò chuyện nhỏ trong giờ trị liệu – đều là một bước tiến trên hành trình phát triển của trẻ. Với mô hình ESDM, chúng tôi luôn đồng hành cùng trẻ, khơi gợi niềm vui, khuyến khích chủ động và phát triển toàn diện từ chính những trải nghiệm chơi tưởng chừng đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.
Linh Hoa