Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Mô hình hướng nghiệp cho thanh - thiếu niên khuyết tật trí tuệ - tự kỉ tại Trung tâm Sao Mai

Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 100 triệu người tự kỷ ở các phổ khác nhau, tại Việt Nam có trên dưới 1 triệu người. Số người tự kỷ có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, có tới 80-90% người tự kỷ trong độ tuổi lao động không thể tìm được việc làm. Thực tế, vẫn có rất nhiều người tự kỷ có điểm mạnh về khả năng quan sát, năng khiếu nghệ thuật và sự tập trung cao độ. Việc hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người tự kỷ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp người tự kỷ có được cuộc sống, công việc trọn vẹn mà còn góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội.

          Mỗi khi nói đến tự kỷ, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng điều đó chỉ xảy ra ở trẻ em. Thực tế nó tồn tại ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí tồn tại suốt đời. Trẻ tự kỷ thường chậm phát triển, giảm khả năng ngôn ngữ giao tiếp, bất thường về hành vi và cảm xúc, rối loạn cảm giác khác nhau. Chỉ khoảng 20% trẻ tự kỷ có thể giao tiếp được và học được nhưng vẫn gặp khó khăn trong quan hệ xã hội. 80% còn lại tiếp tục trưởng thành và trở thành người lớn mắc tự kỷ.

Tự kỷ có thể vừa được xem là thế mạnh cũng vừa là điểm yếu của cá nhân. Thực tế đã chứng minh, người tự kỷ có một số kỹ năng phù hợp với một số vị trí công việc nhất định, có khả năng hoàn thành công việc tốt và chất lượng cao. Nhiều người bị tự kỷ có những thế mạnh đáng chú ý, thậm chí vượt trội. Ví dụ người tự kỷ có khả năng tập trung rất tốt vào các chi tiết, phù hợp với công việc mang tính tuần tự, có công thức thực hiện rõ ràng và không yêu cầu cao về thời gian hoàn thành. Một đặc điểm khác, người tự kỷ rất đúng giờ và đáng tin cậy.

Đào tạo và hướng nghiệp cho người tự kỷ là vấn đề khó hơn người bình thường nhưng không phải bất khả thi. Về lâu dài, các phương pháp can thiệp sớm và hỗ trợ học đường cho trẻ tự kỷ nếu không được tiếp nối bằng đào tạo, dạy nghề hướng nghiệp, tìm việc làm,… thì sẽ chưa tạo ra được cơ sở để các em về sau tự làm chủ cuộc sống của mình. Trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ việc làm dành cho người tự kỷ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp người tự kỷ có được một cuộc sống, công việc trọn vẹn, mà còn là bài toán kinh tế để giảm bớt các gánh nặng cho cộng đồng, xã hội và gia đình họ.

Ở Việt Nam, từ năm 2008, khi LHQ chính thức lấy ngày 2-4 hằng năm là Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ, với những hoạt động của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, xã hội và cộng đồng dần có nhận thức tốt hơn về tự kỷ (không coi tự kỷ là bệnh, không kỳ thị trẻ tự kỷ,…). Ngày càng có nhiều dự án, mô hình, trung tâm đào tạo,… trên khắp cả nước đang hướng việc giáo dục kết hợp đào tạo nghề cho trẻ tự kỷ, tạo công ăn việc làm an toàn, ổn định và giúp các em có thể tự nuôi bản thân.

Trung tâm Sao Mai tọa lạc tại số 06 ngõ 08 phố Hoàng Đạo Thúy - Quận Thanh Xuân - Thành phố Hà Nội. Trung tâm được thành lập ngày 11/ 12/ 1995 trực thuộc Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật Việt Nam, Trung tâm do Thầy thuốc ưu tú – Bác sĩ chuyên khoa II tâm thần: Đỗ Thuý Lan, nguyên phó giám đốc bệnh viện tâm thần Hà Nội, Giám đốc bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương – Phó chủ tịch Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật thành phố Hà Nội khóa I và II, ủy viên BCH hội cứu trợ TETT Việt Nam sáng lập.

Trung tâm là một tổ chức xã hội, phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tư vấn, phát hiện sớm (PHS), can thiệp sớm (CTS), chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT) và trẻ tự kỷ bằng sự phối kết hợp giữa y tế và giáo dục. Trong những năm gần đây, ban lãnh đạo Trung tâm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tiền hướng nghiệp đối với trẻ tự kỷ, KTTT và nhu cầu ngày càng lớn của các bậc phụ huynh cũng như các thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ là được học các kỹ năng tiền dạy nghề và dạy nghề, với mong muốn các em có một tương lai tương sáng hơn và sống tự lập hơn trong tương lai. Chính vì vậy, trung tâm đã xây dựng kế hoạch tạo môi trường thực hành kỹ năng sống cũng như lớp dạy nghề cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ của Trung tâm. Mục tiêu cao cả ấy của Trung tâm Sao Mai đã được CLB Phụ nữ Quốc tế giúp đỡ, tài trợ kinh phí để Trung tâm thực hiện dự án nâng cấp quán cà phê, mở phòng dạy nghề làm bánh với mong muốn tạo nơi thực hành kỹ năng sống, tăng khả năng tự tin trong giao tiếp cho thanh thiếu niên gặp khó khăn trong hòa nhập. Dù học pha chế cà phê, các loại đồ uống hay bán hàng, làm bánh, phục vụ…Sao Mai luôn tạo một môi trường học tập phù hợp với khả năng của mỗi học sinh với đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, tận tâm hết lòng vì học sinh.

Ngày 9/11/2018, Trung tâm Sao Mai đã long trọng khai trương quán cà phê Sao Mai và phòng dạy nghề làm bánh cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ lớn tuổi đang theo học tại Sao Mai để giới thiệu quán cà phê và sản phẩm bánh do các em làm ra. Khi tham gia hoạt động ở quán cà phê hay bếp bánh, các em sẽ được các cô giáo có chuyên môn giảng dạy, chỉ bảo tận tình về các công đoạn pha chế đồ uống, làm bánh hay như cách phục vụ khách hàng tại quán cà phê. Mục đích của quán không phải kinh doanh mà là giúp các em học sinh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ ở độ tuổi thanh thiếu niên có được cơ hội học tập, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để có một cuộc sống tự lập và hòa nhập cuộc sống. Các kỹ năng này là hàng trang tốt nhất giúp cho các em có thể hòa nhập với cuộc sống, tự lập, tự chủ, giảm bớt gánh nặng - đem lại sự yên tâm cho những bậc làm cha mẹ có con tự kỷ, KTTT. Tiền thu được từ bán cà phê, bán bánh hay photocoppy sẽ được dùng để tái đầu tư mua nguyên liệu cho các em thực hành và dùng mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em.

Không chỉ như vậy, trong khuôn viên của Trung tâm, có một vườn rau nhỏ là nơi giúp các em học sinh của Trung tâm cải thiện nhận thức và trải nghiệm thực tế về môi trường xung quanh cũng như học cách trồng và chăm sóc một số loại rau, củ, quả như mồng tơi, rau cải, mướp, giá. Thành phẩm của các em sẽ được nhà bếp của Trung tâm thu mua nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn của chính các em. Khi có dư sản phẩm, cũng chính các em sẽ là những người bán hàng bán ra những sản phẩm rau, củ, quả, bánh của mình làm ra cho những khách hàng đến với quán cà phê Sao Mai. Điều này giúp các em học sinh tự tin hơn, mạnh dạn hơn, cải thiện kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống của các em.

Từ mong ước tạo được nơi thực hành kỹ năng sống, giáo dục tiền hướng nghiệp cho các em học sinh ở độ tuổi thanh, thiếu niên đang theo học tại Trung tâm, Trung tâm Sao Mai đã tạo dựng thành công mô hình quán cà phê - tiệm bánh -vườn rau Sao Mai. Đây là một điều đáng mừng cho các bậc phụ huynh có con tự kỷ, KTTT cũng như cho chính bản thân các em học sinh. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong hoạt động hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên tự kỷ, KTTT theo học tại trung tâm nói riêng và trên địa bàn Hà Nội nói chung. Mong rằng, thời gian tới cộng đồng luôn ủng hộ các em để sản phẩm của các em làm ra được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, tạo sự động viên, khích lệ các em học tập và làm việc tốt hơn, giúp các em có tay nghề vững chắc, sau này có thể chủ động làm việc như mở tiệm bánh, làm nhân công cho cơ sở xản xuất bánh, nhân viên phục vụ nhà hàng,... tạo ra thu nhập, nuôi sống bản thân, giúp thay đổi nhận thức còn thiếu tính cởi mở của xã hội về tự kỷ và KTTT.

Tình yêu thương sẽ chiến thắng mọi gian nan, khó khăn, thử thách. Hãy trao niềm tin, trao yêu thương, dành cơ hội cho trẻ tự kỷ, KTTT thì các em sẽ làm được những điều tốt đẹp mà ta tưởng chừng như không thể.


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ