Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật

Nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em khuyết tật

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu trẻ khuyết tật. Cả nước có 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 97 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật và học hòa nhập ở tất cả các cơ sở giáo dục.

Đối với các địa phương vùng sâu vùng xa, số trẻ khuyết tật được cắp sách đến trường chưa nhiều. Số trẻ học hòa nhập tại các trường mầm non, phổ thông đa số không theo kịp chương trình và phương pháp dạy của giáo viên. Vì vậy, khả năng hòa nhập của các em còn nhiều hạn chế, gây nên sự mặc cảm, tự ti.

Việc giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam đã được chính phủ ngày càng quan tâm, lượng trẻ đến học tại các cơ sở hòa nhập ngày càng tăng. Ở cấp tiểu học và mầm non, một số lượng đáng kể học sinh tiếp tục lên THCS và THPT. Bước đầu thực hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật ngay từ lứa tuổi mầm non và tiểu học. Năm học 2016-2017, trên 60% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục.

Trẻ khuyết tật học pha chế đồ uống
Trẻ khuyết tật học pha chế đồ uống

Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật được xây dựng ở nhiều trường giúp trẻ rèn luyện những kỹ năng đặc thù của cá nhân như ký hiệu ngôn ngữ, chữ nổi, quản lý hành vi, kỹ năng đọc viết, làm toán.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng. Trẻ khuyết tật được ưu tiên trong nhập học, tuyển sinh, miễn giảm một số nội dung môn học, được cấp học bổng, hỗ trợ chi phí học tập…

Tuy nhiên, Việt Nam cần có một đề án để thực hiện tốt hơn chính sách, quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tật, thúc đẩy khả năng tự lập, hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm khi trưởng thành hướng tới phát triển hài hòa, tối đa.

Ngày 20/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành theo Quyết định số 899/QĐ-TTg “Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó “Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật” là một nội dung quan trọng trong Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình này.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) đã ký hợp đồng đặt hàng với 28 cơ quan/đơn vị (Trung ương Đoàn, 22 Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, 4 Trung tâm thanh niên dịch vụ việc làm và Hội người khuyết tật Hà Nội) với tổng kinh phí là 12,5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ lao động di cư, hỗ trợ tạo việc làm cho lao thanh niên, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn và người khuyết tật.

Do đó, trẻ khuyết tật vừa được học văn hoá vừa được học nghề phù hợp với trình độ nhận thức là mong muốn của gia đình các em và xã hội.

Dạy văn hoá đi đôi với dạy nghề

Trước đây, các trung tâm chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật tại Hà Nội hiện chỉ tập trung vào mảng can thiệp sớm và hỗ trợ học đường. Cả nước có rất ít những trung tâm, trường học tập trung đào tạo hướng nghiệp nghề cho các bạn trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 14 đến 24 - giai đoạn cần tác động nhất trong quá trình trưởng thành và phát triển nhân cách, tâm sinh lý.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các đoàn thể, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, một số trường chuyên biệt đã liên hệ phối hợp với cơ sở dạy nghề giúp các em học nghề ngay tại trường. Tuy nhiên số em được học nghề chưa nhiều. Đây là niềm trăn trở không chỉ riêng phụ huynh mà của nhiều thầy cô giáo của những trường học dành cho học sinh khuyết tật…

Từ cuối năm 2018, Trung tâm Sao Mai trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cùng Hội Phụ nữ Quốc tế Hà Nội đã xây dựng Phòng dạy nghề làm bánh cho thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ và tự kỷ của trung tâm.

Trung tâm Sao Mai được thành lập ngày 11/12/1995 do Thầy thuốc ưu tú – Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thúy Lan làm giám đốc.

Theo học tại đây là những trẻ khuyết tật trí tuệ bao gồm trẻ bị down, bại não, chậm phát triển trí tuệ đơn thuần, rối loạn giác quan, tăng động giảm chú ý (ADHD) và trẻ rối loạn phát triển, tự kỉ từ 3 tuổi trở lên. Chương trình giảng dạy tùy vào độ tuổi và sự tiếp thu của trẻ.

Trung tâm triển khai các chương trình hỗ trợ tích hợp tiền học đường, tiểu học và dạy nghề cho học sinh khuyết tật trí tuệ trên 14 tuổi. Các giáo viên ở đây đa số là tốt nghiệp ngành sư phạm khoa giáo dục đặc biệt.

Giám đốc Trung tâm Sao Mai - BS Ðỗ Thúy Lan cho biết: "Hầu hết những trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ rất hạn chế về hoạt động giao tiếp và kỹ năng sống. Nhiều em đến tuổi vị thành niên rồi nhưng không biết làm bất cứ công việc gì, dù đơn giản nhất bởi thiếu môi trường học hỏi, thực hành. Phòng dạy nghề làm bánh được ra đời với mục đích tạo cho các em một môi trường trải nghiệm, được học kỹ năng sống, được làm quen và thực hành được những công việc từ đơn giản đến phức tạp ở quán như: học cách pha chế đồ uống, đếm tiền, cách phục vụ, giao tiếp và rửa chén bát ở quán cà phê nhân đạo hay học các kỹ năng nghề như nấu ăn, làm bánh, photocoppy, học vẽ tranh… Về nhà, các em không chỉ biết tự phục vụ bản thân mà còn giúp đỡ gia đình việc nhà và tự tin khi giao tiếp với cuộc sống bên ngoài, chủ động trong giao tiếp".

Một số trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật đã kết hợp với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho các em học sinh khi trưởng thành. Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) vừa là trường học, vừa là ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật.

Trong những năm gần đây, ngôi trường đặc biệt này có khoảng 10 - 20 học sinh tốt nghiệp tiểu học, tiếp tục học lên cao hoặc hòa nhập xã hội. 100% số người đến độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu tìm việc làm đều được các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Điển hình như Công ty TNHH May mặc 18-4 Hà Nội đang sử dụng hàng trăm lao động khuyết tật, vốn là học sinh của Trung tâm.

Ðược làm việc, được tạo ra thành quả lao động cũng là một cách để chứng minh khả năng hòa nhập của các em khuyết tật với cộng đồng. Hiện nay, thông qua sự phát triển của mạng lưới doanh nghiệp xã hội, cơ hội việc làm cho người khuyết tật đang ngày một rộng mở hơn.

Tuy nhiên, từ các nghề đã được học, việc trẻ khuyết tật ứng dụng những kiến thức đã được học ấy trong cuộc sống như thế nào vẫn đang còn rất nhiều khó khăn. Bài toán này chỉ có thể giải được khi có thêm sự giúp đỡ, chung tay của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để các trẻ có được công việc ổn định trong tương lai.

link bài trích dẫn: https://tuoitrethudo.com.vn/huong-nghiep-cho-tre-khuyet-tat-21140.html

                                                                                                                                                                                                                                            ( phòng theo báo Tuổi trẻ thủ đô)


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ