Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

Thực trạng tham gia giáo dục hòa nhập của trẻ KTTT và trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Trung tâm Sao Mai

Tóm tắt: Bài viết tập trung tìm hiểu thực trạng trẻ can thiệp tại trung tâm Sao Mai đã và đang tham gia học hòa nhập ở bậc mầm non và tiểu học trong thời gian từ 5/2010 đến hết 5/2019. Nội dung bài viết đề cập đến: Độ tuổi theo học hòa nhập, hình thức theo học, đánh giá của giáo viên về khả năng học tập của trẻ ở lớp hòa nhập, những khó khăn và thuận lợi của trẻ đã và đang theo học hòa nhập. Trên cơ sở đó bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng việc tham gia học hòa nhập của trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT) và trẻ rối loạn phổ tự kỷ (RLPTT) tại trung tâm Sao Mai – Hà Nội.

1. Mở đầu:

KTTT là tình trạng phát triển ngưng chệ (chậm trễ) các kỹ năng (vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ, chơi, tự lập, xã hội, giao tiếp – tương tác… ) của trẻ so với các mốc phát triển thông thường, bản thân trẻ khó có thể tự xử lý công việc hoặc thích ứng với cuộc sống xã hội.

RLPTK là tình trạng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ, dẫn đến sự khiếm khuyết về ngôn ngữ như nhại lời, không hiểu ngôn ngữ, khó diễn đạt ngôn ngữ, hoặc không có ngôn ngữ. Hành vi của trẻ tự kỷ dập khuân, máy móc, và khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội dẫn tới những hạn chế trong đời sống hàng ngày, cần phải có người giúp đỡ.

Giáo dục hòa nhập là hình thức giáo dục trẻ khuyết tật trong môi trường giáo dục bình thường. Theo công ước quốc tế về quyền trẻ em (1989), điều 23 tuyên bố trẻ khuyết tật được hưởng một cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ trong điều kiện đảm bảo phẩm giá, thúc đẩy khả năng tự lực và tạo điều kiện cho trẻ tham gia tích cực vào cộng đồng. Giáo dục hòa nhập cho phép mọi học sinh được tham gia trọn vẹn vào bất kỳ chương trình chung nào trong hệ thống giáo dục quốc gia. Sự cung cấp giáo dục hòa nhập nhằm thực hiện sự công bằng và sự tham gia của mọi học sinh vào mọi khía cạnh của cuộc sống và cộng đồng học tập.

Tại nước ta, cho con theo học hòa nhập là mong muốn của hầu hết các bậc cha mẹ có con KTTT và RLPTK. Thường sau một khoảng thời gian can thiệp tại các trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, cha mẹ sẽ cho con tham gia mô hình học hòa nhập tại các trường thường để các con có cơ hội mở rộng giao tiếp và học thêm những kỹ năng mới. Trẻ KTTT và RLPTK đã và đang theo học hòa nhập tại các trường mầm non và tiểu học có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

2. Nội dung nghiên cứu

Trung tâm Sao Mai với sứ mệnh là cung cấp dịch vụ phát hiện sớm – can thiệp sớm nhằm thay đổi chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ tự kỷ và giúp các em hòa nhập cộng đồng cũng như nhằm thay đổi nhận thức của cha mẹ và cộng đồng về trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ.

Hiện tại trung tâm có khoảng hơn 200 học sinh theo học, trung bình hàng năm có khoảng 120 trẻ ra trường, trong đó có hơn một nửa là trường hợp trẻ sẽ được gia đình hướng cho học hòa nhập ở các trường mầm non tư thục, hay công lập hoặc với những trẻ đến độ tuổi học tiểu học cũng sẽ được đăng kí vào học lớp 1 với các hình thức học khác nhau.

Dưới đây là bức tranh mô tả thực trạng tham gia học hòa nhập ở bậc mầm non và tiểu học của trẻ KTTT và trẻ RLPTK tại trung tâm Sao Mai trong thời gian 09 năm (từ 5/2010 đến hết 5/2019).

Một trẻ được khám chuẩn đoán là CPTTT và RLPTK, khi nhập học tại trung tâm sẽ được phân vào lớp can thiệp theo đúng loại tật, độ tuổi và tuổi khôn. Trẻ có thể trị liệu chuyên sâu về trị liệu ngôn ngữ, ESDM hoặc trị liệu giác quan… Trung bình thời gian trẻ tham gia can thiệp tại trung tâm từ 6 tháng – 1,5 năm sau khi có những tiến bộ nhất định thì gia đình cho trẻ ra trường và tham gia học hòa nhập tại các trường mầm non thường hoặc trường tiểu học. Một số gia đình có tham khảo những tư vấn, đánh giá của giáo viên trực tiếp giảng dạy cho trẻ hoặc đánh giá của phòng khám trước khi quyết định ra con ra học hòa nhập. Tuy nhiên còn rất nhiều gia đình cho con ra học theo mong muốn của cha mẹ nhiều hơn chứ ít quan tâm tới những tư vấn của giáo viên cũng như phòng khám tâm lý.

Thông thường, phụ huynh có tâm lý sốt ruột, nóng lòng cho con ra học hòa nhập vì nhiều lý do như:

- Mong con được học cùng các bạn bình thường để có thể học hỏi các bạn: học nói, chơi…

- Sợ con học những hành vi xấu của các bạn cùng lớp chuyên biệt.

- Áp lực tâm lý từ phía những người trong gia đình: Ông, bà nội ngoại, bố hoặc mẹ chưa thực sự chấp nhận thực trạng của cháu/ con mình.

- Con sắp đến độ tuổi học tiểu học. Một thực tế là nhiều trường hợp gia đình cho con ra học hòa nhập chỉ vì con họ sắp, đã đến tuổi học tiểu học chứ chưa căn cứ vào khả năng của con mình đạt mức độ nào.

- Điều kiện kinh tế, thời gian không cho phép: Rất nhiều gia đình khi tham gia can thiệp cho con tại các trường chuyên biệt đã tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức nên sau một khoảng thời gian khi không còn điều kiện nữa thì họ quyết định đưa con ra học trường công, gần nhà, để giảm chi phí, thời gian, thuận tiện việc đưa đón,… dù biết khả năng của con mình là chưa thể theo hòa nhập được.

Nghiên cứu trên tổng số trẻ ra học hòa nhập là 90 trẻ, trong đó số trẻ đang theo học tại trường mầm non là 30 trẻ, 60 trẻ đang học bậc tiểu học tại các trường ở Hà Nội và các tỉnh khác. Nhóm trẻ này được lấy ngẫu nhiên với độ tuổi từ 3 – 12 tuổi, thời gian tham gia học hòa nhập trong 09 năm (từ 5/2010 đến 5/2019). Trong đó số trẻ nữ là 15 em (chiếm 17%), trẻ nam là 75 em (chiếm 83%). Bên cạnh phương pháp phỏng vấn phụ huynh và giáo viên, quá trình nghiên cứu còn sử dụng phương pháp điều tra với cách thu thập thông tin theo mẫu như sau:

Bảng 1: Mẫu phiếu điều tra học sinh tham gia học hòa nhập bậc mầm non và tiểu học

STT

HỌ VÀ TÊN

NĂM SINH

TRƯỜNG/ LỚP ĐANG THEO HỌC

NGƯỜI HỖ TRỢ CÓ/ KHÔNG

ĐÁNH GIÁ

1

K.B.L

2010

Lớp 3a3 trường Tiểu học Cẩm Xá, Hải Dương

K

Giỏi

2

Đ.Đ.T

2010

Lớp 3, Trường Tiểu học Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội

K

Khá

3

T.T.K

2009

Trường tiểu học Lý Công Uẩn, Đà Nẵng

K

Trung bình

4

T.N.P

2009

Lớp 3 trường tiểu học Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội

C

Khá

5

 

M.K.Q

2014

Mầm Non, Trường Just Kid Hà Nội

C

Khá

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phân tích kết quả thu được như sau:

2.1 Độ tuổi tham gia học hòa nhập ở bậc mầm non và tiểu học:

Tỉ lệ trẻ KTTT và RLPTK theo học theo đúng độ tuổi là 77/ 90 trẻ (chiếm 86%). Số trẻ theo học chậm hơn so với độ tuổi thực là 13/90 trẻ (chiếm 14%). Trong đó, có nhiều trường hợp là học chậm hơn 1 năm, một số ít là học chậm hơn 2 năm so với tuổi. Đây là những trường hợp gia đình đánh giá được khả năng của con mình không theo được so với lớp học bằng tuổi nên đã chủ động xin cho con học muộn hơn. Điều này có thể phù hợp với con họ về trình độ nhận thức hơn nhưng xét về mặt thể chất thì nhiều trẻ cao lớn hơn các bạn cùng lớp nên dễ dẫn đến những sự dò xét, thậm chí là trêu chọc của các bạn cùng lớp.

2.2 Hình thức tham gia học hòa nhập:

Tùy thuộc và khả năng của từng trẻ và điều kiện của từng ra đình mà phụ huynh có sự lựa chọn hình thức có giáo viên đi kèm trẻ tại môi trường hòa nhập hay không.Với những trẻ chưa độc lập về một số mặt kỹ năng nào đó như: ăn uống, vệ sinh, hay kỹ năng tiền tiểu học: đọc, viết, giao tiếp… thì nhiều gia đình trẻ có con KTTT và RLPTK lựa chọn hình thức tìm giáo viên đi kèm cho con trong thời gian học tại trường. Tỉ lệ trẻ theo học hòa nhập có giáo viên phụ đi kèm tại trường là 9/ 90 trẻ, chiếm 10%.  Trong đó trẻ theo học hòa nhập ở bậc mầm non là 3/ 30, và trẻ theo học bậc tiểu học là 6/ 60. Phụ huynh thường lựa chọn các giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý, hoặc giáo dục đặc biệt để đi kèm theo trẻ toàn thời gian trên lớp, và tất nhiên là phải tìm chọn những trường tiểu học, mầm non có mô hình cho trẻ học hòa nhập mà chấp nhận giáo viên đi kèm. Chi phí cho những giáo viên đi kèm là do gia đình trẻ tự chi trả nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để theo hình thức này dù nó có khá nhiều ưu điểm. Giáo viên đi kèm sẽ là người hỗ trợ trẻ các kỹ năng mà trẻ còn yếu nhằm giúp trẻ theo kịp các bạn trong lớp. Chẳng hạn như khả năng ngồi trong nhóm của trẻ chưa đạt thì giáo viên kèm sẽ nhắc nhở trẻ về hành vi để trẻ có thể ngồi gần sấp xỉ với những bạn trong nhóm, trong lớp. Giáo viên đi kèm sẽ trợ giúp trẻ tham gia vào các hoạt động trong lớp, hướng dẫn trẻ thực hiện các yêu cầu của bài học. Họ là cầu nối giữa phụ huynh và giáo viên lớp để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho trẻ.

2.3 Đánh giá chung về khả năng tham gia hòa nhập của trẻ KTTT và RLPTK:

Kết quả học của trẻ hòa nhập rất đa dạng, nó thể hiện sự khác biệt giữa các bậc học. Ở lứa tuổi mầm non, một số trẻ KTTT và RLPTK có thể hòa đồng được với các bạn trong lớp học, và được đánh giá gần bằng so với lứa tuổi. Một nhóm trẻ thì được đánh giá thấp hơn do hạn chế về một số mặt nào đó như khả năng nhận thức chậm, vận động tinh kém, hoặc hành vi tăng động, hạn chế về mặt giao tiếp với các bạn… Ở bậc mầm non chơi là hoạt động chủ đạo nên các yêu cầu cũng như những đánh giá trẻ khác hơn nhiều so với tiểu học. Bước vào bậc tiểu học, hoạt động chủ đạo là học tập nên đòi hỏi ở trẻ cần có nhiều kỹ năng độc lập như: đi lại, tự phục vụ, làm toán, tiếng việt, khả năng tập trung và duy trì sự chú ý vào giáo viên đứng lớp, khả năng phản hồi đúng với những đề nghị của các bạn khác trong nhóm, thực hiện các nội quy, quy định của trường, lớp học. Trẻ bậc tiểu học chủ yếu chơi những trò chơi có quy luật, các trò chơi luôn đảm bảo tính hợp lý khi phản ánh cuộc sống bên ngoài xã hội, và tuân theo các quy luật xã hội. Để tham gia vào trò chơi này trẻ cần có kỹ năng chia sẻ, lần lượt, kỹ năng của trò chơi và có thể theo được quy luật của trò chơi. Trẻ bậc tiểu học bắt đầu hình thành việc chơi theo một nhóm bạn. Với tất cả những đặc điểm đó thì nó là một thách thức không nhỏ đối với trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỷ. Trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỷ gặp khó khăn nhiều về kỹ năng tương tác, sự phát triển không đồng đều của các kỹ năng khác. Đánh giá kết quả học tập của 60 trẻ ở bậc tiểu học thể hiện ở bảng dưới đây:

Bảng 2: Đánh giá kết quả học tập của học sinh hòa nhập bậc tiểu học

Đánh giá

Số lượng (trẻ)

Tỉ lệ %

Hoàn thành xuất sắc

11

18%

Hoàn thành tốt

30

50%

Hoàn thành

19

32%

Như vậy không có bạn nào không hoàn thành nhiệm vụ học tập, những học sinh được đánh giá hoàn thành xuất sắc chiếm 18%, học sinh hoàn thành tốt chiếm 50%, học sinh hoàn thành là 32%. Các em vẫn học theo chương trình chung của lớp học chứ không học một chương trình dành riêng nào.

Sử dụng phương pháp phỏng vấn phụ huynh để tìm hiểu thêm về những vấn đề các em gặp phải trong quá trình theo học hòa nhập thu được một vài nhận xét sau:

- Khả năng tập trung của các em chưa tốt, chậm hơn so với bạn, học được những kiến thức cơ bản.

- Thường thì 1, 2 năm đầu các em vẫn theo được các bạn, không có nhiều sự khác biệt, nhưng đến năm lớp 3 các em gặp nhiều khó khăn trong học tập và cách chơi với bạn. Các em thỉnh thoảng vẫn có những hành vi không kiểm soát được như: phản ứng không phù hợp với các bạn, dễ nổi cáu, đánh bạn…làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của cả lớp học.

- Các em học tốt các môn: Toán, tiếng anh, vẽ, âm nhạc hơn là các môn tiếng việt, tự nhiên – xã hội.

Một số hình ảnh của kết quả học tập của học sinh hòa nhập:

                                              

               

         H1: K.Q – Vận động tinh    H2: K.Q  – Thể Dục  

                                                                                          

                

H3: T.K tô màu chim cú mèo       H4: T.K vẽ củ quả 

 

  

H5: B.L – Bài thi tiếng việt, toán, tiếng anh

Một nhóm trẻ tham gia học hòa nhập chỉ theo học được tới bậc học nhất định rồi phải quay trở lại can thiệp tại ngôi trường chuyên biệt. Tìm hiểu một trường hợp cụ thể như sau: Học sinh L.D.N, sinh năm 2004. Em được can thiệp tại trung tâm hơn 3 năm, từ 4 tuổi đến 7 tuổi. Sau đó em được theo học hòa nhập từ lớp 1 tới hết lớp 5 trường tiểu học Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội. Ở lớp cô giáo nhận xét em không tập trung vào bài giảng, giao tiếp mắt ngắn, hay nhại lời. Từ năm 2016 tới nay em được bố mẹ cho trở lại học tại trung tâm Sao Mai.

- Đánh giá kỹ năng của em tại thời điểm khám đầu vào khi đi học lại: 16/05/2016. Tuổi đời là 12 tuổi. Theo TEST Toni IV đạt 72 điểm, xếp hạng 3 – 8%, Kém – Độ tuổi tương ứng nhỏ hơn 6 tuổi.

Đến 3/2019 đánh giá test Toni IV đạt 95 điểm, Xếp hạng 37 %, Trung Bình – Tuổi tương ứng 6 – 12 tuổi. Hiện tại em đang theo học chương trình lớp 2 của lớp kỹ năng sống.

- Tìm hiểu nguyên nhân: Dựa trên đánh giá các test thì thấy rõ em không thể theo được chương trình của lớp học, tư duy logic kém, diễn đạt kém, nói máy móc, hạn chế. Em tập trung chú ý kém, giao tiếp mắt và hiểu kém mặc dù trẻ cũng có khả năng làm toán cộng, trừ, nhân đơn giản. Em chưa chủ động trong giao tiếp, tự ý làm mọi việc. Không hòa đồng được với các bạn, bị các bạn trêu chọc, có những hành vi làm ảnh hưởng đến các bạn và lớp học. Sự chênh lệch lớn về tuổi đời và tuổi khôn của em dẫn đến những khó khăn mà các em gặp phải trong quá trình học và hòa đồng với các bạn.  

Thực tế cho thấy, hàng năm Trung Tâm Sao Mai vẫn khám và tiếp nhận nhiều trường hợp như L.D.N, trường hợp các em chỉ theo học đạt được ở một mức độ nào đó. Khi trường hòa nhập không tiếp nhận em đó nữa vì những lí do khác nhau (như hành vi có vấn đề, nhận thức kém, quá tuổi học…) hoặc bản thân cha mẹ nhìn nhận đúng khả năng của con mình thì gia đình sẽ tìm trường chuyên biệt phù hợp với khả năng của con hơn. Chẳng hạn lớp tiền văn hóa tại trung tâm Sao Mai, các em được học văn hóa theo đúng tuổi khôn, học kỹ năng sống và tiền học nghề như làm bánh, phục vụ quán cà phê (pha chế đồ uống, bưng bê, lau chùi dọn dẹp), photo, làm giá đỗ, trồng rau. Hơn nữa các em được hòa đồng với các bạn do vậy nhiều em giảm hẳn những hành vi mà trước đây từng nảy sinh ở môi trường học hòa nhập.

2.4 Thuận lợi là khó khăn của trẻ KTTT và RLPTK khi tham gia học hòa nhập.

Từ những đánh giá của giáo viên dạy hòa nhập và phụ huynh học sinh KTTT, RLPTK tham gia học hòa nhập cho thấy những thuận lợi và khó khăn như sau:

Về thuận lợi: Nhận thức chung của cộng đồng về người KTTT và RLPTK được nâng cao nên các em nhận được sự quan tâm, đối xử công bằng của mọi người. Giáo viên dạy hòa nhập được tập huấn về nhận thức, kỹ năng làm việc với trẻ KTTTT, RLPTK, giáo viên tích cực tuyên truyền giáo dục các bạn trong lớp thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với các bạn KTTT, RLPTK. Cha mẹ luôn đồng hành cùng con của họ trong suốt quá trình tham gia học hòa nhập.

Về khó khăn: Khả năng thích ứng với môi trường hòa nhập của học sinh KTTT, RLPTK gặp nhiều khó khăn do những khiếm khuyết về các kỹ năng như: Giao tiếp, nhận thức, tự lập, vận động, chơi, hành vi… Bên cạnh đó còn một số yếu tố như bị bạn bè cô lập, trêu chọc, kỹ năng làm việc với trẻ KTTT, RLPTK của giáo viên hòa nhập chưa tốt, cha mẹ chưa thực sự quan tâm tới quá trình học hòa nhập của con, đánh giá chưa đúng khả năng của con mình dẫn đến lựa chọn mô hình học cho con chưa phù hợp.

2.5 Đề xuất một số biện pháp nhằm cải thiện khả năng tham gia học hòa nhập bậc mầm non và tiểu học cho trẻ KTTT và RLPTK:

Để mô hình giáo dục hòa nhập trẻ KTTT và trẻ RLPTK phát triển bền vững thì rất cần sự phối kết hợp của nhiều ban ngành. Cụ thể như sau:

- Có sự quan tâm của các cấp chuyên ngành, ban hành những chính sách nhằm hỗ trợ gia đình cũng như bản thân trẻ khuyết tật trí tuệ để các em có cơ hội hòa nhập một cách bền vững.

- Trường hòa nhập: Giáo viên giáo dục hòa nhập nhận thức đúng về trẻ KTTT, trẻ RLPTK, được tập huấn về kỹ năng làm việc với trẻ này, từ chương trình chung xây dựng chương trình giáo dục cá nhân phù hợp với khả năng, nhu cầu, đặc điểm khuyết tật của từng em. Giáo viên giáo dục hòa nhập chú ý thay đổi cách giảng dạy bằng cách thay đổi độ khó, số lượng bài tập, đa dạng cách giảng dạy. Giáo viên cần sắp xếp môi trường lớp học để các em có dễ dàng tương tác với các bạn, cải thiện kỹ năng học tập, tránh mất tập trung, đồng thời xây dựng môi trường tâm lý tích cực, có những định hướng cho các bạn cùng lớp cách chơi, ứng xử cũng như cách giúp đỡ trẻ KTTT và RLPTK.

- Phụ huynh: Nhận thức đúng về khả năng của con, tham khảo tư vấn của trường chuyên biệt, lường trước được những khó khăn có thể xảy ra khi con tham gia một môi trường mới, có những bước chuẩn bị cho con về tâm lí, kỹ năng cơ bản cần có, phối hợp chặt chẽ với giáo viên tại trường hòa nhập để có những biện pháp trợ giúp trẻ khi cần thiết. Hạn chế sự kì vọng quá mức về con đường học hòa nhập của con để có những quyết định phù hợp cho con và tránh những áp lực, căng thẳng có thể xảy ra.

- Trường can thiệp chuyên biệt như trung tâm Sao Mai: Thực hiện hiệu quả quá trình can thiệp sớm nhằm trang bị cho trẻ những kỹ năng cần có trước khi tham gia hòa nhập. Đánh giá đúng khả năng hiện tại của trẻ để có những tư vấn phù hợp cho phụ huynh: Thời điểm cho con hòa nhập, nếu hòa nhập thì theo hình thức nào là tốt nhất cho trẻ. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh sau khi ra trường để đánh giá khả năng tham gia học hòa nhập của trẻ KTTT và RLPTK, làm cơ sở đánh giá một phần hiệu quả của quy trình can thiệp tại trung tâm cũng như định hướng điều chỉnh nội dung, vận dụng phương pháp can thiệp cho phù hợp hơn. Ngoài ra trung tâm cần tổ chức nhiều các chương trình tương tác với các bạn cùng tuổi ở môi trường bình thường.

3. Kết luận

Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết mới chỉ nghiên cứu một vài khía cạnh rất nhỏ của thực trạng tham gia giáo dục hòa nhập ở bậc mầm non và tiểu học của trẻ KTTT và RLPTK tại trung tâm Sao Mai. Từ những kết quả thực tiễn đó, bài viết đưa ra một số biện pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập phù hợp với thực tiễn của trung tâm. Kết quả nghiên cứu thực tiễn từ trung tâm Sao Mai có thể là một kinh nghiệm để có thể chia sẻ cho nhiều trung tâm, nhiều nhà nghiên cứu khác xem xét và học hỏi.

 

Tài liệu tham khảo

1. Trường Đại học sư phạm Hà Nội (2017), Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế, Can thiệp, trị liệu và giáo dục hòa nhập trẻ rối loạn phổ tự kỉ, tr 111 - 115  

2. Trần Thị Thiệp, Bùi Thị Lâm, Hoàng Thị Nho, Trần Thị Minh Thành (2006), Giáo trình can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, NXB Giáo dục, tr 203 - 225

3. Trần Ngọc Giao, Lê Văn Tạc (Đồng chủ biên) (2010), Quản lí Giáo dục hòa nhập, Nhà xuất bản phụ nữ, tr 243 - 328

4. Báo cáo năm 2015, Sự sẵn sàng cho Giáo dục trẻ khuyết tật nghiên cứu tại 8 tỉnh ở Việt Nam, NXB Hồng Đức.

5. Trường Đại học sư phạm Hà Nội (2015), Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam. Thực trạng và giải pháp.

6. Bộ giáo dục và đào tạo (2013), Kỷ hội thảo khoa học đề tài độc lập cấp nhà nước, Nghiên cứu biện pháp can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỉ ở nước ta hiện nay và trong giai đoạn 2011 – 2020, tr 159 – 183, 210 -216.

          Nguyễn Thị Hương – Giáo viên trung tâm Sao Mai

Email: [email protected]

Điện thoại: 0386948375 

ABSTRACT

The situation of participation in inclusive education for children with intellectual disability and autism spectrum disorders at pre-school and primary age in Morning Star center – Ha Noi

Nguyen Thi Huong

Hanoi Morning Star Center

The paper aims to offer an insight into the situation of integration into mainstream preschools and primary schools of children with special needs who received intervention at Morning Star Center during the period from May 2010 to May 2019. The paper provides a lot of information including the age at which those children enrolled in mainstream schools, learning approaches designed to meet their special needs, teachers’evaluation on their study ability, the challenges and advantages they had during their integration process. On this basis, the paper presents some solutions to faciliate integrated education of individuals with ID and those with ASD in mainstream schools.

 

 

 

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ