Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Sự phát triển tâm – vận động của trẻ em

Ngày 18 tháng 4 năm 2010 Hội Nhi khoa Việt nam phối hợp với công ty Mead Johnson Việt nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Thông minh và các kích thích thông minh”, GS,TS,Bs Nguyễn gia Khánh, Phó chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam đã nêu ra tại cuộc hội thảo: Những năm đầu đời Não bộ của trẻ phát triển với tốc độ cực nhanh về khối lượng cũng như về chức năng của nó và đóng vai trò quyết định về mức độ trí tuệ của trẻ trong tương lai. Nếu lúc mới sinh cấu trúc não của trẻ nặng khoảng 10% so với trọng lượng cơ thể thì khi 2 tuổi cấu trúc Não trẻ đã bằng khoảng 70% so với não người trưởng thành. Vì vậy, 3 năm đầu đời là thời điểm then chốt để kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ.
 
Bs Pongsak Noipayak, trưởng khoa phát triển và hành vi nhi khoa thuộc khoa Nhi Đại học Bangkok Metrôplitan Thái lan đã báo cáo, nếu chơi đùa là hình thức giúp trẻ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hoàn thiện các kỹ năng: ghi nhớ, nhận biết, chú ý, thì âm nhạc lại là công cụ giúp trẻ phát triển cả chỉ số thông minh (IQ) lẫn chỉ số cảm xúc (EQ). Theo nghiên cứu này, nhạc giao hưởng cổ điển có thể kích thích các tế bào thần kinh giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn. Ngoài ra, nếu trẻ được sống trong môi trường với đầy đủ âm thanh, tiếng nói của con người sẽ làm cho não trẻ hình thành sự phát triển chồng chéo, phức tạp để não bộ phát triển tốt hơn. Vì vậy 3 năm đầu đời, đặc biệt năm đầu tiên nếu trẻ được nuôi dưỡng bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ tùy theo nhu cầu mỗi trẻ, kèm theo các hoạt động kích thích, não trẻ sẽ phát triển một cách tối đa về thể chất cũng như trí tuệ. (Theo Nhật Hà đăng trong báo Khoa học & Đời sống số 48 ngày 22 tháng 4 năm 2010).
 
Dựa vào đặc điểm phát triển về cấu trúc và chức năng của não, dù trẻ bình thường hay trẻ khuyết tật về trí tuệ (KTTT) gồm chậm phát triển trí tuệ, hội chứng Down, Tự kỉ, Bại não… thì cũng vẫn theo qui luật phát triển như đã nêu ở trên, đối với trẻ bị KTTT vì một lí do nào đó các chức năng của não phát triển chậm hơn trẻ bình thường, nhưng não vẫn phát triển về khối lượng cũng như về cấu trúc, các kĩ năng vẫn phát triển nhưng chậm hơn về thời gian so với trẻ bình thường và kém hoàn thiện các chức năng hơn. Tùy vào mức độ nặng nhẹ thì khoảng cách giữa tuổi đời và tuổi trí tuệ có khoảng cách nhiều hay ít. Trung tâm tư vấn phát hiện sớm – can thiệp sớm khuyết tật trí tuệ (gọi tắt Trung tâm Sao Mai) đã khám và tư vấn về phát hiện sớm - can thiệp sớm cho nhiều gia đình trẻ KTTT. Trong quá trình khám phát hiện sớm (PHS) và can thiệp sớm (CTS) chúng tôi nhận thấy:
 
Trẻ thiếu môi trường để phát triển trí tuệ: Bố mẹ bận nên ít có thời gian chơi với con, để con hầu hết thời gian cho người giúp việc, chủ nhà đi vắng không có ông bà giám sát hộ, thậm chí sự hiểu biết của ông bà có hạn nên đã để cháu xem tivi quá nhiều hoặc chơi trong căn hộ tách biệt với môi trường xung quanh hàng xóm hoặc chơi trong 1 căn buồng rộng với đầy đủ trang thiết bị nghe nhìn, đồ chơi ... nhưng trẻ không được trải nghiệm, không ai chơi cùng để hướng dẫn chơi, nhận biết luật chơi … trẻ không có điều kiện giao tiếp với con người và tiếp xúc với môi trường xung quanh ... Sự thông minh của trẻ liên quan đến di truyền, sự trải nghiệm và kích thích phù hợp ở giai đoạn sau sinh cho đến 5 tuổi và giai đoạn từ sau sinh đến 3 tuổi rất quan trọng vì nó là giai đoạn cấu trúc não phát triển cực nhanh. Nhiều ông bố bà mẹ quá lệ thuộc vào các loại sữa nhập khẩu được quảng cáo làm cho trẻ thông minh !? mà quên mất vai trò kích thích qua giao tiếp và chơi với con của mình ... Vậy ngày xửa ngày xưa cha ông ta làm gì có sữa bò với các chất làm cho thông minh mà sao vẫn có nhiều Tiến sỹ, Giáo sư  đến thế …
 
Trẻ ở giai đoạn hơn 2 tháng tuổi đã bắt đầu biết quan sát, cười, hóng chuyện, ...6 tháng tuổi cho đến 12 tháng tuổi là giai đoạn quan trọng, trẻ bắt đầu phát triển các kĩ năng  nhận biết xung quanh, lạ quen, cười thành tiếng, cười sằng sặc khi bị cù, phun mưa .., bắt chước (làm xấu nhăn mũi .., vỗ tay, tạm biệt..), chơi tưởng tượng (ú òa, trốn tìm) ... bắt đầu bi bô, phát triển vận động thô – tinh - biết đứng vịn rồi tập đi, song song là giai đoạn tập nói từ đơn, biết biểu lộ cảm xúc … Nếu bố mẹ không để ýgiai đoạn này để tăng cường kích thích thì thật đángtiếc, đặc biệt với trẻ bị khuyết tật trí tuệ thì việc tạo môi trường kích thích để phát triển các kĩ năng ngôn ngữ, giao tiếp, nhận biết, thể hiện cảm xúc, tự lập. … càng có tầm quan trọng. Để hạn chế mức độ nặng của chậm phát triển trí tuệ và hội chứng Tự kỷ, bố mẹ cần biết “hy sinh” để dành nhiều thời gian cho con, giúp con phát triển toàn diện các kĩ năng.
 
Không có điều kiện và môi trường giáo dục phù hợp để phát triển các kỹ năng: Đừng kỳ vọng cao và phó thác cho các giáo viên đến dạy tại nhà, trẻ thường hay trẻ tật đều cần có môi trường phù hợp để học hỏi - trải nghiệm, trẻ KTTT cũng cần có các bạn như mình để chơi cùng, cần có giáo viên có phương pháp can thiệp, giáo dục đặc biệt để giúp trẻ phát triển các kỹ năng bằng những phương pháp cơ bản - trình tự, đúng với sự phát triển của tuổi trí tuệ của mỗi trẻ. Giáo viên dạy tại nhà là cử nhân tâm lí, giáo viên nhưng đôi khi là sinh viên khoa Tâm lí, sinh viên cao đẳng mẫu giáo, sinh viên khoa xã hội học .. thậm chí không thuộc những ngành liên quan đến giáo dục đặc biệt mà dù có đúng ngành thì sinh viên vẫn chỉ là sinh viên đang có một lô lí thuyết chưa có thực hành, vô hình chung các cháu trở thành vật thí nghiệm … vì không được can thiệp đúng do học ở nhà vài năm với các “giáo viên” không chuyên nghiệp và thiếu kiến thức, phương pháp về giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ hoặc can thiệp ở bệnh viện theo định kì không được liên tục… Vô tình bố mẹ đã đẩy con từ mức độ nhẹ sang nặng.
 
Đặc biệt sau khi tiếp xúc với nhiều bố mẹ có con bị Rối loạn phát triển lan tỏa, đã phát hiện được sớm sự phát triển bất bình thường (không theo đúng “Thang phát triển tâm - vận động lứa tuổi” bình thường), nhưng lại cố tình không chấp nhận sự thật đó, họ để mất “thời gian vàng” để can thiệp. Họ mời giáo viên đến nhà dạy 2-3 năm khi không đạt kỳ vọng như mong muốn… hoặc nghĩ là con chậm nói chắc ngày nào đó sẽ nói (bà nội cháu nói bố cháu ngày xưa cũng chậm nói!) để khi con trên 4 tuổi thậm chí 5,7 tuổi mới chấp nhận và đi tìm nơi can thiệp, thời điểm này để trẻ phát triển ngôn ngữ nói thì đã quá muộn!
 
Triệu chứng rối loạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ mắc hội chứng Tự kỷ thường biểu hiện: phát triển ngôn ngữ gần như bình thường nhưng 24 tháng tuổi tự nhiên mất dần (thoái hóa ngôn ngữ) chỉ nói tùy thích, hoặc có trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, 24 tháng tuổi vẫn không nói được từ nào thường phát ra các âm vô nghĩa, khi bước sang giai đoạn 36 – 42 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa có một từ nào chỉ nói các câu vô nghĩa thì việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn này là rất khó khăn (mất thời cơ!) Chúng tôi thường tư vấn cho cha mẹ: “Đứa trẻ sinh ra giống như toa tầu hỏa 4 bánh chạy trên “đường ray” phát triển, vì một lí do nào đó một bánh xe sắp trượt ra khỏi đường ray, bố mẹ và giáo viên cần phải tích cực “đẩy” bánh xe đó vào đường ray, nếu không nó sẽ trượt ra 1 bánh rồi 2..3..4 bánh, đây chính là thời điểm rất khó khăn để làm sao có thể đặt cho 3 hay 4 bánh xe trở lại đường ray ??!
 
Trên thực tế theo số liệu của nước ngoài thì tỷ lệ trẻ mắc hội chứng tự kỷ điển hình không cao, Việt Nam nói chung và chúng tôi nói riêng chưa có điều kiện nghiên cứu để có số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ trẻ mắc hội chứng Tự kỷ. Nhưng theo sự theo dõi và kinh nghiệm làm việc tại phòng khám thì chúng tôi thấy số trẻ thực sự mắc chứng tự kỉ điển hình chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số cháu đến khám, những trẻ dưới 36 tháng tuổi được ghi chẩn đoán: “nguy cơ Tự kỷ” thực ra là những trẻ bị “rối loạn phát triển lan tỏa không điển hình” (PDD – NOS: Pervasive Developmental Disorder – Not Otherwise Specified). Hay nói cách khác nằm trong phổ tự kỷ nhưng mức độ nhẹ. Từ nhận định này chúng tôi muốn khuyến cáo tới các vị phụ huynh về vấn đề “Rối loạn phát triển lan tỏa không điển hình” được chẩn đoán ở trẻ em dưới 36 tháng tuổi, liên quan đến môi trường kích thích phát triển của con. Tất nhiên không phải tất cả trẻ bị KTTT và tự kỷ đều do thiếu môi trường phát triển, nhưng không loại trừ khả năng trẻ vốn đã bị KTTT + thiếu môi trường kích thích liên quan đến mức độ nặng hay trầm trọng…. Có nghĩa là, đáng ra trẻ chỉ bị chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) mức độ nhẹ nhưng cộng thêm thiếu môi trường kích thích nên trẻ đó sẽ bị CPTTT mức độ nặng hoặc trầm trọng. Hoặc CPTTT kèm hội chứng tự kỷ hay rối lọan phát triển lan tỏa không điển hình nếu thiếu môi trường kích thích hoặc can thiệp không đúng sẽ mất thời điểm phát triển mà đáng ra phát hiện sớm - can thiệp sớm đúng phương pháp sẽ giúp trẻ không bị khiếm khuyết nặng, cũng như khả năng ra học hòa nhập sẽ cao hơn.
  
<Bs. Đỗ Thúy Lan. GĐ Trung tâm Sao Mai, phụ trách phòng khám/ tư vấn của Trung tâm>

Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ