Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ
Trị liệu ngôn ngữ cá nhân

Câu chuyện về các cô giáo ở một ngôi trường đặc biệt: Cần kiên nhẫn gấp nghìn lần và đặc biệt không bao giờ được quát trẻ, nếu không có tâm khó lòng mà theo nghề

THANH HƯƠNG, Afamily theo pháp luật và bạn đọc

Các cô giáo ở đây không chỉ là giáo viên mà còn chăm sóc các bạn như một người mẹ. Có bạn quen thói sờ ti, nằm lên bụng mẹ mới ngủ được, các cô chấp nhận điều đó và yêu thương các bạn như con.

Nằm ở số 6, ngõ 9 đường Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân, Hà Nội), trung tâm Sao Mai nhiều năm nay là ngôi nhà thứ hai của trẻ khuyết tật. Không chỉ có các gia đình ở Hà Nội mà còn nhiều gia đình ở các tỉnh thành trên khắp cả nước tìm đến, tin tưởng giao con mình cho trung tâm (TT).

Được biết, TT Sao Mai thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, có bề dày hoạt động gần 25 năm trong lĩnh vực khám, tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Người đứng đầu trung tâm là bác sĩ Đỗ Thúy Lan, cựu Giám đốc Bệnh viện tâm thần Mai Hương. 

Là ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật, TT Sao Mai có diện mạo vô cùng khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Hiện TT có 18 lớp học, được bố trí theo tuổi khôn, dạng tật và mô hình can thiệp,... Các lớp học với các loại tật khác nhau được bố trí, sắp đặt đồ đạc và các khoảng/góc phù hợp với đặc điểm hoạt động, tâm lý, tính cách khác nhau của trẻ.

Trung tâm Sao Mai

Ngoài ra trường còn có 24 phòng trị liệu cá nhân (trị liệu ngôn ngữ, trị liệu giác quan, phục hồi chức năng và trị liệu cá nhân theo mô hình ESDM), 16 phòng chức năng (hội trường, phòng khám, phòng tâm vận động, bể bơi, sân chơi, quán cà phê, lớp bánh, gara ôtô, vườn rau nhà lưới, phòng giám đốc, phòng phó giám đốc, phòng giáo vụ, phòng hành chính, phòng chuyên gia, phòng tài vụ, phòng bếp).

Tuy nhiên cơ sở vật chất không phải điều khiến phụ huynh ấn tượng nhất khi gửi gắm con theo học tại TT Sao Mai. Chính thái độ yêu thương trẻ hết lòng, không ngại khó, ngại khổ của các cô giáo nơi đây mới khiến Sao Mai thực sự tỏa sáng. 

Người đứng đầu trung tâm Sao Mai là bác sĩ Đỗ Thúy Lan, cựu Giám đốc Bệnh viện tâm thần Mai Hương.

Những cô giáo đảm nhiệm luôn vai trò người mẹ

18 lớp học ở TT Sao Mai được đặt tên theo các loài hoa, loài chim rất đáng yêu, gần gũi như: Họa Mi, Hoa Sữa, Hoàng Yến, Thủy Tiên, Anh Đào, Vành Khuyên, Vàng Anh, Phong Lan, Sơn Ca, Trà Mi, Gà Non,... 

Lớp có độ tuổi nhỏ nhất ở TT Sao Mai là lớp "Chim Non", với độ tuổi lên 2. Hiện tại lớp có 12 em, do 4 cô giáo phụ trách. Khi đến TT, các em nhỏ có biểu hiện chậm hơn so với trẻ cùng lứa tuổi, gần như chưa nói được từ gì. Nhiều bạn nhỏ khó ăn, khó ngủ, khi được bố mẹ gọi thì không quan tâm. 

Nhìn chung, chỉ số phát triển của các em thấp hơn mức bình thường. Trong lớp có một số em vì chỉ số quá thấp nên can thiệp chuyên sâu, học 1 cô - 1 trò. Sau khi đạt được những mục tiêu cá nhân, các em về lại lớp để tham gia học nhóm. 

Lớp học chuyên sâu 1 cô - 1 trò.

Buổi đầu đến lớp, các em khóc, quấy nhiều. Có em chạy ra cửa lớp, đu chặt lấy cánh cửa. Dần dần dưới sự dạy dỗ, can thiệp về mặt ngôn ngữ, hành vi của cô giáo, các em tiến bộ hơn hẳn. Có em ban đầu không biết nói từ gì nhưng giờ tự tin vẫy tay, chào mọi người, biết chỉ vào bông hoa, quả trứng trong bức tranh. 

Nói về những trường hợp đặc biệt ở lớp Chim Non, cô Hoa - công tác tại phòng Giáo vụ kể lại: "Có một bạn khi mới đến TT trong tình trạng hơn 1 tháng không ngủ. Cứ 12 giờ đêm là bạn tỉnh dậy rồi thức đến tận sáng. Bố mẹ bó tay không biết làm cách nào. Sau này đến TT được các cô rèn thì tình trạng đỡ hẳn. Bạn ngủ được, vui vẻ, biết nói từ đơn, biết cách ra hiệu khi đi vệ sinh,...

Các cô ở đây không chỉ là giáo viên mà còn chăm sóc các bạn như một người mẹ. Có bạn quen sờ ti, nằm lên bụng mẹ mới ngủ được. Các cô chấp nhận điều đó và yêu thương các bạn như con. Ở đây có 1, 2 bạn còn chưa cai sữa. Tất nhiên ban đầu là như thế nhưng dần dần, các cô sẽ lơi ra để rèn cho các bạn học tính tự lập. Quá trình này phải mất khoảng 3 tháng. 

Nhiều khi bố mẹ không cho con uống thuốc được nhưng đến đây các cô có thể. Mẹ không cho ăn được thì đến đây các cô cho ăn được. Sau đó các bạn được rèn nề nếp sao cho ở lớp như nào, về nhà cũng vậy". 

 

Một giờ học của lớp Chim non.

Cô Nguyễn Thu Thủy - giáo viên lớp Chim Non, hiện đã công tác được 15 năm chia sẻ: "Nhiều bạn nhỏ đến đây tội lắm, không biết 1 cái gì. Từ vệ sinh đến ăn uống, tất cả đều khó hết, thậm chí không biết chơi đồ chơi và các cô sẽ phải hướng dẫn lại toàn bộ. Ban đầu các phụ huynh gửi con đến trung tâm cũng lo, nhưng sau đó thấy con tiến bộ hơn thì mừng". 

Đối với các lớp khác, tùy theo độ tuổi khôn mà cô giáo sẽ có cách quan tâm, giáo trình khác nhau để dạy các bé những kỹ năng tự lập. Mỗi bé lại có một giáo trình riêng, tùy theo nhận thức. Để các bé học được cách chào hỏi, các cô không ngại lăn xả, hóa thân thành các nhân vật để trẻ có thêm sự tưởng tượng. 

"Phải thực sự có tâm với nghề, yêu thương các con như một người mẹ thì mới có thể theo đuổi công việc này. Nhiều người đến TT xin việc nhưng không được nhận bởi thiếu những tố chất phù hợp, chưa thực sự có tâm", cô Hoa chia sẻ. 

Cô Hoa tâm sự, nếu không có tâm, giáo viên khó mà theo được nghề.

Luôn kiên nhẫn, dịu dàng và chú ý đến từng hành vi của trẻ

Cô Hoa cho biết với mỗi lớp, các bạn học sinh lại có một khó khăn về mặt nhận thức: "Với trẻ mắc chứng Down, các em nhận thức chậm và hay quên. Có bạn vừa được học nhớ tên của bố mẹ hôm trước nhưng hôm sau đã quên sạch. Một số việc nhỏ nhặt như đi vệ sinh, các bạn cũng không nhớ được.

Tại TT Sao Mai, mỗi nhà vệ sinh đều có nhiều kiểu vòi nước như vòi giật, vòi vặn,... Nếu chỉ dạy cách mở một vòi nước thì với những loại vòi khác, các bạn sẽ không biết sử dụng. Vậy nên phải có đủ các loại để các bạn nhớ hết". 

Tầng 5 của TT Sao Mai là lớp của những bạn mắc chứng Tự kỷ với độ tuổi lớn hẳn, có những bạn 20, 21 tuổi. Với những bạn này, các cô sẽ phải can thiệp các vấn đề về hành vi, vấn đề về giới tính. "Những chuyện như các bạn la hét, nổi cáu khi thay đổi thời tiết hoặc chạy nhảy khắp lớp xảy ra thường xuyên", cô Hoa chia sẻ.

Lớp Hoa mai với những bạn mắc chứng kỷ độ tuổi lớn hẳn.

Cô Triệu Đức Huyền Anh - hiện đang phụ trách lớp trẻ Tự kỷ mức độ nặng ở tầng 5 cho biết: "Hàng ngày các cô sẽ dạy loạt kỹ năng như xã hội, giao tiếp, tự lập, ngôn ngữ. Với những bạn mắc chứng Tự kỷ mức độ nặng thường khá nghịch ngợm, thích chạy nhảy lung tung. Lớp có 9 bạn nhưng 9 bạn nhìn về 9 hướng khác nhau.  

Hiện tại các cô chú trọng rèn cho các bạn tính độc lập nhưng vẫn dạy cả văn hóa. Tuy nhiên kiến thức văn hóa chỉ ở tầm lớp 4, lớp 5, các phép cộng trừ để phù hợp với nhận thức"

Nói về những khó khăn, cô Huyền Anh tâm sự: "Với các bạn ở độ tuổi dậy thì, các cô gặp nhiều khó khăn hơn những bạn độ tuổi nhỏ. Thứ nhất tâm sinh lý của các bạn thay đổi. Thứ 2, các bạn lớn hẳn sẽ có những hành vi giới tính. Với những hành vi không nên, các cô sẽ nhắc nhở, ngăn chặn ngay khi phát hiện. Nói chung các cô phải thật để tâm, quan sát từng hành vi của các bạn". 

Cô Thủy - phụ trách lớp Tiền văn hóa 1 trải lòng: "Khi theo nghề này, mình phải thật sự kiên nhẫn và dịu dàng. Chẳng hạn khi các bạn cáu thì mình không được nóng tính, quát các bạn trật tự mà phải dịu xuống trước, nhiều khi phải nịnh để các bạn bình tĩnh lại. Nghề này mà nổi nóng là dở". 

Niềm vui lớn nhất là các con có thể hòa nhập

Ngoài dạy dỗ, điều trị, TT Sao Mai còn có các hoạt động hướng nghiệp cho trẻ. Trước đó, TT đã mở quán cà phê Sao Mai, làm giá sạch, trồng rau sạch trong khu nhà kính tại TT để tạo cho nhóm trẻ lớn thực hành kỹ năng sống. 

Các em có được những trải nghiệm thú vị, có cơ hội được làm việc nhóm, được giao tiếp với đồng nghiệp, với khách hàng để tăng khả năng giao tiếp, tự tin bản thân để hòa nhập xã hội. Ngoài ra, còn có các hoạt động khác như học làm bánh, các kỹ năng tin học, đi dã ngoại hàng tuần,...

Cô Hoa tâm sự, mong muốn lớn nhất của TT là các em có thể sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường. Và thực tế có nhiều bạn được cải thiện sớm các kỹ năng tự lập, ngôn ngữ giờ đã tiến bộ hơn rất nhiều và còn tìm được việc làm, có thể kiếm tiền. 

Học sinh TT Sao Mai học làm bánh.

Tất nhiên vẫn có những bạn chỉ số phát triển quá thấp nên sau khi học, không thể hòa nhập với môi trường bình thường lại buộc phải quay về trung tâm. Với những bạn này, TT cố gắng hỗ trợ tốt nhất có thể, sao cho các bạn ít nhất phải nắm được kỹ năng tự lập.

Trước đây, TT từng có một trường hợp được can thiệp sớm và giờ hòa nhập rất tốt. Không chỉ vậy, em này còn theo học tại một trường dạy lập trình nổi tiếng và giành được nhiều giải thưởng. Những năm qua, em vẫn luôn được TT Sao Mai đồng hành, hỗ trợ thêm.

Được biết mức học phí cho thời khóa biểu tại lớp thông thường ở TT Sao Mai là 4 - 4,5 triệu đồng/tháng, có thể cao hơn hoặc thấp hơn - tùy thuộc nhu cầu của trẻ, cần giáo viên hỗ trợ ở mức độ nào. Với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, TT sẵn sàng miễn giảm học phí. Được biết trong đợt dịch vừa qua, TT đã giảm học phí cho 40% học sinh.


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ