Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

Cô giáo 10 năm tận tụy với học sinh khuyết tật trí tuệ của Sao Mai

Cô giáo Vũ Thảo, sinh năm 1984, ở quê hương Đề Thám - Bắc Giang, gắn bó với Trung tâm Sao Mai hơn chục năm nay để chăm sóc các em nhỏ không may bị tự kỷ, khuyết tật trí tuệ đang theo học tại đây. Trong hơn 10 năm công tác, cô không quản ngại gian khó, tận tụy hết mình với học trò thân yêu của mình, với mong muốn bù đắp cho các em những thiệt thòi, giúp các em tiến bộ để có một tương lai tốt hơn.

Cô Thảo tốt nghiệp khóa 1, khoa giáo dục đặc biệt trường cao đẳng sư phạm TW năm 2004. Ra trường cô chọn Sao Mai là điểm dừng chân, bởi với cô Sao Mai và cô có một duyên nợ đặc biệt. Khi còn là sinh viên trường cao đẳng sư phạm cô tham gia sinh viên tình nguyện và đã có đến 3 lần nhóm của cô đến hỗ trợ cho các bé tại trung tâm Sao Mai, rồi khi được phân công thực tập, như duyên đã định một lần nữa cô được phân về trung tâm Sao Mai. Vậy là ra trường cô quyết định đầu quân cho Sao Mai và kể từ đó Sao Mai là gia đình thứ 2 của cô.

Trong hơn 10 năm công tác, cô không ngừng học tập, phấn đấu để hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ, để mang lại kết quả cao trong công việc. Cô từng theo học hàng chục khóa tập huấn, đào tạo của chuyên gia trong nước và quốc tế như: các khóa tập huấn định kỳ hàng năm của khoa GDĐB trường CĐSP TW và trường ĐHSP HN, các khóa đào tạo của VSO: khóa 1 năm của Giám đốc trung tâm giáo dục đặc biệt, đến từ Anh Quốc bà Ann Gardner và khóa 1,5 năm chuyên gia Peter Thomas, khóa 6 tháng với Beth Smart chuyên gia hoạt động trị liệu và rất nhiều các khóa ngắn hạn khác…

Cô Thảo hiện là giáo viên giáo viên chính ở lớp ESDM 1. Đây là lớp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ bằng mô hình mới - mô hình can thiệp sớm ESDM, đòi hỏi giáo viên phải giỏi nghiệp vụ, kỹ năng về lĩnh vực mới này. Để làm tốt nhiệm vụ của mình cũng như mong muốn đáp lại niềm tin của các bậc phụ huynh khi gửi gắm con em mình vào lớp này, cô đã cùng đồng nghiệp của mình luôn phấn đấu, học hỏi kiến thức mới.

Nhiều năm gắn bó với Sao Mai cô Thảo có rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm can thiệp cá nhân cho trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Cô cũng đã được cấp chứng nhận về can thiệp cá nhân, sau đó cô được phân công phụ trách can thiệp cho trẻ nhỏ theo nhóm. Và năm 2016, khi nhận nhiệm vụ ở lớp can thiệp ESDM, cô đã sắp xếp thời gian để theo học mô hình can thiệp sớm dành cho trẻ nhỏ ESDM (giai đoạn 1 cô được học trực tiếp, giai đoạn 2 cô học theo hình thức online) để lấy bằng trị liệu viên mô hình ESDM của học viện M.I.N.D đại học Davis Californi Hoa Kỳ.

Việc gia đình, việc trường lớp bận rộn nhưng cô luôn biết cân đối thời gian để học tập nâng cao trình độ như vậy quả đáng khâm phục. Sự nỗ lực học tập, phấn đấu của cô Thảo luôn được đồng nghiệp, lãnh đạo hoan nghênh và đánh giá cao.

Với năng lực và sự nhẹ nhàng, tận tụy của cô, nên từ ngày đầu công tác đến nay, cô luôn được lãnh đạo phân công đảm nhận chăm sóc, can thiệp cho các bé nhỏ nhất trung tâm, các bé ở cái tuổi mà nếu bình thường thì sẽ ở nhà vui chơi và được ông bà, bố mẹ chăm sóc, chưa phải đến trường đến lớp đi học. Nhưng với các em không may bị tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, phải thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, và hầu hết các em gặp khó khăn trong quá trình phát triển nên phải cần đến sự hỗ trợ của giáo dục đặc biệt ở trường lớp chuyên biệt. Vì vậy, các em cần có một giáo viên tận tụy, hết lòng thương yêu trẻ như cô Thảo sẽ bù đắp được phần nào thiệt thòi cho các em, giúp các em tiến bộ để có thể hòa nhập như bao trẻ bình thường khác cùng trang lứa.

Những bé tuổi còn quá nhỏ, lại bị khiếm khuyết về quá trình phát triển nên để làm quen với môi trường mới, để bé hợp tác với giáo viên là một quá trình đầy khó khăn, thử thách. Có những bé đến lớp là lần đầu tiên và ở tuổi quá nhỏ, bé khóc cả tuần, cô Thảo phải bế bồng và dỗ dành, chăm bẵm như mẹ, như bà của bé. Nhiều bé đến môi trường lạ không chịu ăn, chịu ngủ, cô phải tìm mọi cách để dỗ dành bé ăn để bé không bị đói, rồi ôm bé ngủ, cho bé nằm lên bụng mình, vỗ về, hát ru để đưa bé vào giấc… Hay có những bé do thiếu hụt nhiều ở các kỹ năng như việc vệ sinh cá nhân chưa kiểm soát được nên bé thường xuyên tè, ị bậy ra quần nhưng cô không lấy làm bực tức mà luôn cảm thấy thấy thương trẻ, cô lại cặm cụi, ân cần vệ sinh, giặt giũ cho trẻ. Rồi việc chấp nhận ngồi cùng các bạn, chú ý đến cô, đến bạn trong lớp cũng vô cùng khó khăn đối với trẻ… Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, tình yêu thương và kỹ năng sư phạm đặc biệt của mình, dần dần trẻ có nhiều tiến bộ đáng kể.

Cô được đánh giá là một giáo viên rất tận tụy, tâm huyết, làm việc có trách nhiệm và yêu thương học trò như con ruột của mình. Cô là tấm gương tiêu biểu cho nhiều đồng nghiệp khác học hỏi. Không những thế tinh thần làm việc của cô Thảo còn truyền thêm cảm hứng cho những giáo viên khác để họ cống hiến nhiều hơn, làm việc tốt hơn vì sự tiến bộ của học trò thân yêu.

 Hàng ngày việc chăm sóc, can thiệp cho trẻ ở lớp rồi công việc gia đình, con cái ở nhà rất bận rộn nhưng cô vẫn tranh thủ thời gian rãnh rỗi để viết giáo án và làm đồ dùng cho từng học trò của mình. Mỗi bạn là mỗi tính cách, mỗi khả năng với những điểm mạnh, những thiếu hụt, những sở thích, niềm vui và cả những lo sợ… cô đều thuộc như lòng bàn tay. Nhờ đó mà các bé đã quen lớp, quen bạn và dần học được những kỹ năng cơ bản. Các bé đã kiểm soát được việc đi vệ sinh, biết bảo cô khi muốn đi vệ sinh, giấc ngủ trưa đến dễ dàng, các bé chịu ngồi chơi với bạn với cô, chăm chú nghe nhìn và ngộ nghĩnh bắt chước theo cô từng cử chỉ, âm thanh… Những sự tiến bộ nhỏ nhoi đó đó là niềm hạnh phúc to lớn đối với cô.

Có những bé cô dạy dỗ hết phương pháp nọ đến phương pháp kia, cả một vài tháng trôi qua mà chưa có tiến triển, cô rất trăn trở, cố tìm mọi cách để giúp trẻ. Nhiều lúc cô tưởng chừng bó tay nhưng vì tình thương trẻ như con của mình nên cô lại kiên trì, nhẫn lại, bền bỉ và cố gắng dành nhiều thời gian bên bé để chăm sóc, dạy dỗ từng li từng tí một, dạy lặp đi lặp lại nhiều lần cho một cử chỉ, thói quen…Và rồi những công sức của cô giáo Thảo bỏ ra, các bé cũng cảm nhận được nên dần dần cũng có những tiến bộ nho nhỏ. Và lúc đó niềm vui, niềm hạnh phúc như được nhân đôi trong lòng cô. Có được một cô giáo như cô Thảo các phụ huynh cảm thấy rất yên tâm để gửi gắm con em mình, hy vọng về sự thay đổi của con với những điều tốt đẹp hơn. 

Sự tận tâm, ân cần, nhẹ nhàng, yêu nghề và đặc biệt là tình yêu thương con trẻ vô bờ bến nên cô luôn được phụ huynh và đồng nghiệp quý mến. Mến hơn khi lúc nào cũng thấy nụ cười của cô luôn thường trực trên môi, kể cả lúc mệt mỏi, khó khăn…

               

                                                   

Nguyễn Đài Thanh  

 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ