Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

Người đàn ông nhận hai bằng cử nhân dù mắc bệnh Down

Pablo Pineda sinh ngày 5/8/1974 tại Tây Ban Nha, là con trai út trong gia đình bốn anh chị em. Mẹ ông, Maria Theresa, làm nội trợ và bố là giám đốc nhà hát. Do bận rộn chăm sóc ba người con lớn, bà Maria không chú ý đến việc con trai út có những biểu hiện khác thường so với mọi người.

Sau khi Pablo sinh được ba tháng, cha anh mới phát hiện con trai mắc bệnh Down, căn bệnh vẫn còn xa lạ với người dân châu Âu thời đó. Thế giới khi ấy chưa đủ kiến thức và chương trình chăm sóc dành riêng cho những người mắc bệnh Down. Cuộc đời của Pablo Pineda có thể đã phải dừng lại ở đó, nhưng nhờ sự nỗ lực của cha mẹ anh, mọi chuyện đã thay đổi.

Sau ba ngày tuyệt vọng, Maria tự nhủ rằng thực tế Pablo có gen khác với mọi người, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến cuộc sống của con trai bà. Hai vợ chồng vẫn đối xử với Pablo như với những người con còn lại. Họ không chăm sóc con từng chút một, không giúp Pablo mặc quần áo hay tìm kiếm bạn bè và hỗ trợ con theo cách riêng của mình.

Người cha mỗi ngày đọc sách cho con trai, dạy con ngoại ngữ, gồm cả tiếng Latin. Maria chia sẻ với con về xã hội đương thời, cập nhật tin tức thời sự.

Pablo Pineda. Ảnh: Diario Humano.

Pablo Pineda. Ảnh: Diario Humano.

Chia sẻ tại diễn đàn dành cho người lao động khuyết tật tháng 4/2018, Pablo kể: "Cha mẹ tôi không bị ảnh hưởng bởi cái nhìn từ mọi người xung quanh hay từ định kiến xã hội. Ngay cả các anh tôi cũng vậy, họ đều là giáo viên của tôi".

Nhờ đó, năm 5 tuổi, Pablo có thể đi học tiểu học và làm giáo viên ngạc nhiên với lượng kiến thức nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa và tư duy nhạy bén. Tiếp xúc với bạn bè, Pablo dần nhận ra sự khác biệt của bản thân. Năm 7 tuổi, giáo viên nói với Pablo rằng anh mắc bệnh Down. Khi đó, cậu bé hỏi lại giáo viên "Điều đó có nghĩa là em ngu ngốc không ạ?". Nhận được câu trả lời là "không", Pablo quyết định không quan tâm đến vấn đề này nữa và chú tâm học hành.

Down là hội chứng bệnh do đột biến số lượng nhiễm sắc thể, sự khác biệt này phá vỡ cấu trúc sinh lý bình thường và ảnh hưởng đến vấn đề thể chất, trí tuệ của trẻ khi sinh ra. Những ảnh hưởng về ngoại hình bao gồm lưỡi dài, mắt xếch, tầm vóc ngắn, ngón tay dài nhưng Pablo đã biến tất cả đặc điểm này thành lợi thế.

Lưỡi dài giúp Pablo luyện phát âm tốt hơn, ngón tay dài giúp cậu bé dễ dàng viết và làm bài tập về nhà. Vì gặp khó khăn trong học tập, Pablo thường dành 6 đến 7 tiếng mỗi ngày để tìm hiểu kiến thức mới. Khi học, cậu bé thường bật nhạc to để rèn luyện khả năng tập trung.

Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Pablo trở thành sinh viên Đại học Malaga (Tây Ban Nha). Anh thừa nhận đã có khoảng thời gian vô cùng khó khăn trong môi trường đại học. Các sinh viên khác phớt lờ sự tồn tại của Pablo trong khi giáo sư bày tỏ sự hoài nghi về năng lực của anh. Trong suốt năm nhất, không ai muốn nói chuyện và tỏ ra sợ hãi nếu vô tình đụng vào người anh.

Cảm thấy bất lực, Pablo từng có ý định từ bỏ việc học đại học nhưng nhanh chóng lấy lại tinh thần để tiếp tục cố gắng. "Những người khác sẽ không bao giờ làm ảnh hưởng đến quyết định của mình", Pablo tự nhủ.

Dần dần, anh chiếm được lòng tin của các giáo sư, bạn bè xung quanh cũng nhìn anh bằng con mắt khác. Miguel López Melero, giảng viên cố vấn học tập đã khuyến khích Pablo theo đuổi ngành Giáo dục đặc biệt và trở thành giáo viên. Bằng việc học tập chăm chỉ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Pablo đã trở thành người mắc hội chứng Down đầu tiên tại châu Âu tốt nghiệp đại học với hai bằng cử nhân, Tâm lý học giáo dục và Tâm lý học nghệ thuật.

Với mong muốn nâng cao nhận thức về người mắc bệnh Down, sau khi tốt nghiệp, Pablo làm việc tại phòng An sinh xã hội (thuộc Hội đồng thành phố Malaga). Tuy nhiên, anh quyết định nghỉ việc không lâu sau đó vì chỉ được giao chân chạy việc, không thể phát huy khả năng.

Năm 2009, Pablo cuối cùng cũng thực hiện được hoài bão khi trở thành nhân vật chính trong bộ phim "Me, Too", kể về cuộc đời của người đàn ông mắc bệnh Down, nhân vật được lấy cảm hứng từ chính con người anh.

Pablo Pineda nhận giải Vỏ sò bạc dành cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế San Sebastián. Ảnh: Gorka Estrada.

Pablo Pineda nhận giải Vỏ sò bạc dành cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế San Sebastián. Ảnh: Gorka Estrada.

Sau khi bộ phim phát hành, không ít khán giả và nhà phê bình bày tỏ sự xúc động trước khả năng diễn xuất và câu chuyện mà Pablo mang lại. "Me, Too" đã giúp Pablo giành được giải Vỏ sò bạc dành cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế San Sebastián (Tây Ban Nha).

Sau thành công trong vai trò diễn xuất, Pablo trở thành diễn giả nổi tiếng thế giới. Anh chia sẻ trước công chúng về căn bệnh Down từ kinh nghiệm của bản thân và kêu gọi xóa bỏ định kiến, nâng cao nhận thức về sự khác biệt. Năm 2010, Pablo hợp tác với Quỹ Adecco giúp đỡ người khuyết tật tìm kiếm việc làm, lấy lại sự tự tin vào bản thân.

"Người khuyết tật cũng là con người nên không có lý do gì để bị loại trừ khỏi xã hội. Tôi muốn trở thành một ví dụ chứng minh rằng người mắc bệnh Down hoàn toàn có năng lực làm việc như những người bình thường khác", Pablo chia sẻ tại buổi nói chuyện TEDxTalk năm 2013.

(Theo VNExpressBrightside, Ub Edu)


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ