Trị liệu theo mô hình ESDM
Trung tâm Sao Mai chú trọng phương pháp PHCN cho trẻ
Trị liệu giác quan giúp trẻ tự kỷ cân bằng cơ thể, điều chỉnh hành vi
Can thiệp nhóm cho trẻ tự kỷ

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH CAN THIỆP SỚM DENVER CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ LỚP TIỀN HÒA NHẬP - KINH NGHIỆM TỪ TRUNG TÂM SAO MAI

 Đỗ Thúy Lan

 Nguyễn Thị Thu Ngân

Email: [email protected]

Tel: 0903236633 - 0934664752

 Trung tâm Sao Mai Hà Nội

 

Tóm tắt:

Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM) là một phương pháp tiên tiến và được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong việc trị liệu cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ và chưa được thực hành phổ biến trên phạm vi cả nước. Mục đích: Bằng kinh nghiệm áp dụng và triển khai tại Trung tâm Sao Mai, bài viết làm rõ tính thực tiễn của việc ứng dụng mô hình can thiệp sớm Denver đối với trẻ RLPTK cả ở hình thức can thiệp cá nhân kết hợp với hình thức nhóm ở lớp tiền hòa nhập. Đồng thời bài viết cũng nêu rõ sự cần có của một giai đoạn giáo dục chuyên biệt tích cực phù hợp với đặc điểm phát triển của các cá thể trẻ RLPTK – như là một giai đoạn nền vững chắc để trẻ bước vào giáo dục hòa nhập. Phương pháp: Thống kê số liệu (định lượng), phỏng vấn phụ huynh, sử dụng bảng kiểm của giáo trình ESDM để đánh giá kết quả trước và sau khi can thiệp trẻ (định tính). Kết quả: 61 trẻ đã và đang được can thiệp ESDM đều có sự tiến bộ rõ rệt và ổn định về độ tập trung chú ý, khả năng tương tác xã hội, giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi thích ứng tăng đáng kể; Tuy vậy, khi áp dụng ESDM thấy một số điểm bất cập từ phía gia đình trẻ RLPTK, nhà trị liệu và tính chưa phù hợp về nội dung của một số item (mục) trong bảng kiểm.

Từ khóa: ESDM, trẻ RLPTK, lớp tiền giáo dục hòa nhập (TGDHN), phụ huynh, bảng kiểm, cấp độ (CĐ), item (mục)

Abstract

Early Start Denver Model (ESDM) is an innovative method applied worldwide in the intervention for children with autism. However, in Vietnam, this model is not popular. Purposes: On the basis of the experence in integrating this model within the intervention programs at Morning Star Center, this paper highlights the practicality of integrating ESDM into both group and individual teaching programs  provided for children with Autism Spectrum Disorder ( ASD) in pre-inclusion classes. The paper demonstrated the need of building an intensive appropriate transition program between the special education environment and the inclusion education environment whereby the teaching programs are intensive and appropriate to the developmental level of each individual with ASD, laying a foundation for successful performance in an inclusion education environment in the future. Methods: Statistics (quatitative), parental interviews, ESDM checklists to evaluate the results of the intervention program (qualitative) Result: 61 children have been participating in this pre-inclusion ESDM program. All of them showed considerable progress and  improvement in a variety of skills including attention, social interaction, verbal and non-verbal communication and adaptive behaviors. However, there are some challenges created by families and therapists and the imappropriateness of some of the items in the ESDM checklist when embedding the ESDM within this program.

Key words: ESDM, childre with ASD, pre-inclusion classes, parents, checkist, level, item.

  1. 1.     Đặt vấn đề:

          Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là thuậtngữ chỉ một nhóm các rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện sớm ở trẻ em, những rối loạn này biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, đặc trưng bởi sự suy giảm về tương tác xã hội, chất lượng giao tiếp, hành vi, sở thích hoặc hoạt động lặp lại và bị giới hạn. RLPTK ảnh hưởng mạnh đến quá trình phát triển của mỗi cá nhân trẻ, làm hạn chế khả năng học tập và thích nghi hòa nhập xã hội. Việc can thiệp RLPTK khá đa dạng, tùy thuộc vào mức độ, lứa tuổi, đặc điểm mỗi cá nhân, điều kiện hoàn cảnh môi trường để lựa chọn ra phương pháp hay mô hình can thiệp phù hợp. Rất nhiều nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn đều đã chứng minh rằng can thiệp sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển của trẻ khuyết tật nói chung và trẻ RLPTK nói riêng. Trên thế giới hiện có nhiều phương pháp giáo dục đặc thù và mô hình can thiệp dành cho đối tượng trẻ đặc biệt này dựa trên các nghiên cứu công phu và quá trình thực nghiệm kỹ lưỡng, trong đó có mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM - Early Start Denver Model for Young Children with Autism)

Nền tảng của ESDM được xây dựng dựa trên một số cách tiếp cận bổ sung khác nhau được tập hợp lại, bao gồm Mô hình Denver gốc do Sally J. Rogers, Ph.D (M.I.N.D Institute, University of Canifornia, Davis) và các cộng sự tiến hành vào năm 1981; Rogers, Herbison, Lewis, Pantone, & Reis (1986); Rogers và Penningtons’s (1991) – mô hình Phát triển liên cá nhân ở tự kỷ; Dawson và các cộng sự (2004) – mô hình Tự kỷ là một rối loạn động lực xã hội; và Đào tạo về phản ứng then chốt (PRT) - một phương pháp giảng dạy tiếp cận dựa trên phân tích hành vi ứng dụng (ABA) làm nổi bật tính chủ động và khởi xướng của trẻ trong các tình huống tự nhiên (Schreibman & Pierce, 1993; Koegel & Koegel, 1988) [1] Mô hình trải qua một lịch sử phát triển tương đối dài, tiếp tục thay đổi và định hình khi những dữ liệu và lý thuyết mới về rối loạn tự kỷ sớm xuất hiện. ESDM hợp nhất các phát hiện trong nghiên cứu về giáo dục, các mối quan hệ cũng như sự phát triển nhằm tạo ra một mô hình can thiệp dựa trên giao tiếp, các mối quan hệ phù hợp với các hoạt động chăm sóc và vui chơi của trẻ trong gia đình. Mô hình ESDM thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ để đạt được các mốc phát triển điển hình. Tính hiệu quả của mô hình này được thể hiện trong các nghiên cứu thực nghiệm của Dawson và cộng sự trong năm 2010 và vẫn đang tiếp tục được kiểm chứng thông qua hàng loạt các nghiên cứu bổ sung.

Khá nhiều nước trên thế giới đã sử dụng chương trình can thiệp sớm Denver, cả ở châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và đặc biệt là châu Úc (Australia). Tuy vậy, ở Việt Nam, ESDM mới được biết đến trong khoảng 5 năm gần đây. Có rất ít bài báo, tư liệu hay chia sẻ tri thức về chương trình này. Tài liệu dịch cuốn sách dành cho cha mẹ trẻ theo chương trình này được truyền trên mạng xã hội chưa phải là tài liệu chính thống. Hiếm thấy có cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ nhỏ nào sử dụng ESDM như một chương trình can thiệp chính thức.

          Năm 2015, Trung tâm Sao Mai bắt đầu lựa chọn ESDM, cử giáo viên học tập, đưa vào thực hành và trở thành một hình thức trị liệu cá nhân tiến hành song song với các hình thức trị liệu cá nhân đã có trước đây là vì: (1) đây là mô hình có căn cứ về bằng chứng kinh nghiệm vững chắc (2) đây là mô hình can thiệp tập trung vào tất cả miền của sự phát triển, có giáo trình cũng như phương pháp giảng dạy giàu tương tác được thiết kế riêng cho trẻ RLPTK ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo (3) mô hình có thể chuyển hóa trong các dạng môi trường tự nhiên (4) mô hình đem lại nhiều niềm vui từ giao tiếp tích cực thông qua các hoạt động vui chơi tạo ra sự gắn kết giữa phụ huynh, trẻ và nhà trị liệu (5) mô hình sử dụng phương pháp giảng dạy khoa học đã được kiểm chứng [2]

Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy đây là một mô hình can thiệp sớm mang lại hiệu quả cao đối với sự phát triển của trẻ RLPTK ở lứa tuổi nhỏ, giúp trẻ có tiền đề vững chắc ra học hòa nhập. Tuy vậy, bên cạnh đó chúng tôi còn làm rõ một số điểm hạn chế, bất cập của việc áp dụng ESDM nguyên gốc và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường can thiệp hiệu quả.

  1. 2.     Nội dung nghiên cứu:

2.1. Giới thiệu mô hình can thiệp sớm DENVER cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ 

ESDM được cung cấp cho trẻ RLPTK bắt đầu ở tuổi 1-3 và tiếp tục trị liệu cho đến 4-5 tuổi. Giáo trình ESDM có các mục tiêu trị liệu và sự sắp xếp các kỹ năng can thiệp, được thể hiện qua bảng kiểm chương trình giảng dạy và mô tả công cụ. Bảng kiểm được tổ chức thành 4 cấp độ (CĐ) kỹ năng, tương ứng với các giai đoạn phát triển lứa tuổi: CĐ 1 (12-18 tháng), CĐ 2 (18-24 tháng), CĐ 3 (24-36 tháng), CĐ 4 (36-48 tháng). Bảng kiểm được phát triển đặc biệt cho trẻ RLPTK, gồm các lĩnh vực chủ chốt: Giao tiếp tiếp nhận, giao tiếp diễn đạt, kỹ năng xã hội, kỹ năng chơi, kỹ năng nhận thức, kỹ năng vận động thô và tinh, tự lập và hành vi thích ứng [3], trong mỗi kỹ năng có nhiều mục. Nếu sử dụng một tiêu chuẩn phát triển điển hình ở trẻ thường để so sánh thì sẽ thấy các mục trong một kỹ năng của bảng kiểm có thể được mở rộng khác nhau. Thứ tự các mục ở một CĐ phản ảnh đồng thời cả nghiên cứu về thang phát triển của trẻ điển hình, cũng như kinh nghiệm lâm sàng của các chuyên gia đa lĩnh vực: tâm lý học phát triển và lâm sàng, ABA, giáo dục đặc biệt, trị liệu ngôn ngữ - lời nói và hoạt động trị liệu, đã làm việc với hàng trăm trẻ RLPTK trong vòng 25 năm qua

Bảng 1: Số lượng mục, kỹ năng, cấp độ trong bảng kiểm chương trình can thiệp sớm ESDM

Kỹ năng

CĐ 1

CĐ 2

CĐ 3

CĐ 4

Giao tiếp tiếp nhận

15 mục

10 mục

14 mục

19 mục

Giao tiếp diễn đạt

14 mục

12 mục

18 mục

30 mục

Kỹ năng xã hội

10 mục

20 mục

15 mục

9 mục

Bắt chước

4 mục

9 mục

 

 

Kỹ năng chơi

8 mục

8 mục

6 mục

9 mục

Kỹ năng nhận thức

4 mục

8 mục

10 mục

12 mục

Vận động tinh

12 mục

14 mục

11 mục

19 mục

Vận động thô

8 mục

7 mục

8 mục

9 mục

Tự lập

18 mục

26 mục

19 mục

18 mục

Hành vi thích ứng

5 mục

8 mục

 

 

Cách tiếp cận của ESDM có cấu trúc và thiết thực. Từ các thông tin có được qua bảng kiểm, phụ huynh và đội ngũ can thiệp sẽ đưa ra 15-25 mục tiêu cho 1 chu kỳ học tập ngắn hạn trong khoảng thời gian 12 tuần, có ưu tiên các kỹ năng chủ chốt ở từng thời điểm phát triển của trẻ. Các mục tiêu được chia thành nhiều bước nhỏ hướng tới mục tiêu chính, là mục tiêu đạt đến sự thành thạo hoàn toàn và có tính khái quát với môi trường, tình huống và các đối tác giao tiếp. Các bước nhỏ giúp định hướng quá trình giảng dạy hàng ngày, theo dõi chặt chẽ sự tiến bộ của trẻ và được ghi chép lại thông qua bảng dữ liệu thường nhật trong buổi trị liệu (thu thập 15 phút/lần) và bảng dữ liệu tổng hợp cuối buổi trị liệu. Dữ liệu được tổng hợp cho phép dễ dàng kiểm tra tiến độ giảng dạy, nhất là khi sự tiến bộ của trẻ chưa phải là tối ưu và kế hoạch học tập cần có sự điều chỉnh.

ESDM sử dụng hệ thống dạy học trực quan và thiên về hành vi, chú trọng đến dữ liệu để đưa ra quyết định, xử lý chi tiết tất cả những miền phát triển trong các phần thực hành giảng dạy. Phương pháp can thiệp ESDM được xây dựng trên mối quan hệ bền vững ngay từ những bước đầu tiên và trong suốt quá trình trị liệu. Người lớn trở thành một bạn chơi thú vị trong sân chơi của trẻ và trẻ thực sự cảm nhận được điều này. Khi trẻ vui vẻ, tập trung chú ý và sẵn sàng tham gia vào các thói quen hoạt động, người lớn khéo léo phát triển mục tiêu giảng dạy. Việc trị liệu giống như một quá trình tương tác tự nhiên. Các kỹ thuật giảng dạy khoa học đã được kiểm chứng ABA (Phân tích hành vi ứng dụng) được nhà trị liệu sử dụng trong suốt quá trình can thiệp. Chất lượng giảng dạy của mỗi trị liệu viên được đo lường bằng hệ thống đánh giá tính chính xác, thang chấm điểm thấp nhất là 1 – cao nhất là 5 cho tất cả các hoạt động diễn ra trong giờ trị liệu. Các nhà trị liệu ESDM được đánh giá đạt chuẩn thường có điểm số 4 và 5, rất hiếm điểm số 3 và phải đạt tổng điểm giảng dạy tối thiểu 80%

Bảng 2: Bảng mã hóa đo lường tính chính xác trong thực hành giảng dạy [4]

TT

Nội dung đánh giá tính chính xác

Điểm hoạt động

HĐ1

HĐ2

HĐ3

HĐ4

HĐ5

HĐ…

1

Quản lý sự tập trung chú ý của trẻ

 

 

 

 

 

 

2

Dạy học theo định dạng ABC

 

 

 

 

 

 

3

Các kỹ thuật chỉ dẫn

 

 

 

 

 

 

4

Điều tiết trạng thái cảm xúc của trẻ

 

 

 

 

 

 

5

Quản lý hành vi không mong muốn

 

 

 

 

 

 

6

Chất lượng tương tác 2 chiều

 

 

 

 

 

 

7

Tối ưu hóa các kỹ thuật thúc đẩy

 

 

 

 

 

 

8

Người lớn thể hiện tác động tích cực

 

 

 

 

 

 

9

Sự phản hồi nhạy cảm của người lớn với các tín hiệu giao tiếp ở trẻ

 

 

 

 

 

 

10

Đa dạng cơ hội giao tiếp với các chức năng giao tiếp khác nhau

 

 

 

 

 

 

11

Ngôn ngữ của người lớn phù hợp với cấp độ ngôn ngữ của trẻ

 

 

 

 

 

 

12

Xây dựng hoạt động chung có cấu trúc

 

 

 

 

 

 

13

Chuyển tiếp giữa các hoạt động

 

 

 

 

 

 

Sự tham gia của phụ huynh và gia đình trẻ được coi là yếu tố quan trọng trong sự can thiệp của ESDM. Trẻ RLPTK cần được trải nghiệm bằng hoặc nhiều hơn cơ hội học tập so với trẻ em phát triển bình thường. Điều này chỉ có thể xảy ra khi cha mẹ và những người chăm sóc khác biết cách lôi kéo sự tham gia của trẻ trong các tương tác ở môi trường tại gia đình và những tình huống quen thuộc hàng ngày [5]. Một phần trong can thiệp ESDM là đào tạo phụ huynh sử dụng kỹ thuật tương tác (có cẩm nang hướng dẫn) để phát triển mục tiêu. Phụ huynh phối hợp với đội ngũ can thiệp để thiết lập các mục tiêu cho trẻ, học cách lồng ghép các kỹ thuật trong các hoạt động chơi và chăm sóc trẻ để dạy trẻ. Phạm vi can thiệp của cha mẹ cũng như các thành viên khác thay đổi tùy thuộc từng gia đình nhưng thời lượng kỳ vọng tối thiểu là 1-2 tiếng/ngày, đạt 20-25 giờ/tuần theo cả 2 hình thức trị liệu tập trung và trị liệu dàn trải trong cuộc sống thường nhật [6]

2.2. Thực tiễn áp dụng ESDM tại Trung tâm Sao Mai:

2.2.1 Đối tương:

Trẻ RLPTK, trẻ có các dấu hiệu RLPTK được chẩn đoán: tiếp tục theo dõi/nguy cơ RLPTK hoặc đã có kết luận RLPTK ở độ tuổi từ 12 tháng đến 48 tháng

2.2 Cách thức:

- Đào đạo giáo viên: Năm 2015, trong chương trình hợp tác Quốc tế, được thụ hưởng nguồn kinh phí dự án từ Quỹ Dora- Thụy Sỹ, nhóm 6 giáo viên Sao Mai đầu tiên đã được đào tạo trực tiếp thành trị liệu viên ESDM từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Best Star Clinic http://beststartclinic.com.au/, tuân thủ theo quy trình đào tạo của học viện MIND, UC Davis. Năm 2017, nhóm 6 giáo viên tiếp theo đã hoàn thành khóa học tập trở thành trị liệu viên ESDM. Tháng 1.2018, nhóm 4 giáo viên lớp cũng đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về chương trình CTS Denver.

- Chuẩn bị cơ sở vật chất: Trung tâm Sao Mai đã hoàn thiện trang thiết bị, học liệu, tổ chức thành công 10 phòng trị liệu cá nhân và hoàn thành cơ sở vật chất cho 2 lớp học tiền hòa nhập hoạt động theo các hình thức nhóm nhỏ, nhóm vừa và nhóm lớn phù hợp với CĐ của trẻ, cùng nhau phối hợp can thiệp theo chương trình ESDM

- Đánh giá và xây dựng mục tiêu can thiệp: Các trẻ tham gia can thiệp sẽ được quan sát và đánh giá đầu vào và tiếp tục đánh giá từng chu kỳ 3 tháng học kế tiếp bởi một nhóm giáo viên kết hợp với phụ huynh bằng công cụ bảng kiểm. Từ kết quả đánh giá, nhóm thống nhất mục tiêu can thiệp trẻ theo từng chu kỳ.

 Mỗi trẻ sẽ có một trị liệu viên cá nhân phù hợp với đặc điểm của trẻ, hàng ngày làm việc với trẻ 1-1.5 giờ. Nhiệm vụ của trị liệu viên cá nhân dạy và hỗ trợ trẻ hoàn thành các mục tiêu trong chu kỳ học, phối hợp với các thành viên khác trong nhóm (phụ huynh, giáo viên lớp, giáo viên can thiệp khác nếu thực sự cần thiết như: trị liệu ngôn ngữ, trị liệu hoạt động, trị liệu giác quan, trị liệu mỹ thuật, phục hồi chức năng…) để hoán đổi hoặc mở rộng vai trò thúc đẩy sự kết quả hoàn thành các mục tiêu của trẻ ở mức độ khái quát hóa cao. Đồng thời mỗi trẻ được xếp vào trong nhóm – lớp phù hợp với khả năng của trẻ. Việc trị liệu nhóm được thực hiện 3-4 tiếng/hàng ngày rải rác ở lớp học, sân chơi…. Chương trình học và môi trường lớp học được bố trí để trẻ có cơ hội học tập, trải nghiệm và đạt được những mục tiêu chủ chốt như (1) trẻ dễ dàng thích nghi các thói quen thường ngày và thích ứng nhanh với sự chuyển tiếp hoạt động độc lập (2) trẻ tham gia được hoạt động chung của nhóm phù hợp với sự phát triển của trẻ (có thể là nhóm 2 trẻ, 3 trẻ hoặc nhiều trẻ hơn), linh hoạt chuyển đổi giữa các nhóm (3) trẻ hình thành các tương tác một cách tự nhiên nhất, giao tiếp có mục đích với người lớn và các bạn chơi trong nhóm đồng thời biết tham gia chơi có mục đích và sử dụng đúng các đồ dùng/đồ chơi/đồ vật hay học liệu (4) trẻ được mở rộng và phát triển sâu các kỹ năng chủ chốt có tính khái quát nhất (5) trẻ tiếp thu được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào môi trường lớp học phù hợp trong các giai đoạn sau.

-         Vai trò của các giáo viên:

Giáo viên phụ trách nhóm – lớp thiết kế các hoạt động chơi dựa trên các nguyên tắc (1) thú vị, hào hứng, có nhiều cơ hội cho trẻ vận động hoặc hành động với đồ vật và trẻ là một phần không thể thiếu trong hoạt động (2) được thiết kế có cùng chủ đề nhưng nhiệm vụ của mỗi trẻ là khác nhau và giáo viên cần có kế hoạch chi tiết tỉ mỉ  (3) thời lượng hoạt động nhóm ngắn, không quá 10 phút nhất là nhóm nhỏ và vừa từ 2 đến 5 trẻ (4) duy trì tốc độ trao đổi sinh động 30s/trẻ, luân phiên đảm bảo các trẻ đều có cơ hội và tích cực tham gia phần lớn thời gian (5) hỗ trợ trẻ kịp thời, phù hợp bằng hình ảnh, cử chỉ điệu bộ, lời nói hoặc ký hiệu/đồ vật riêng biệt (6) hoạt động được lặp lại hàng ngày để trẻ có đủ thời gian tối thiểu có thể hình thành thói quen và học được

Giáo viên trị liệu cá nhân có thể dạy tại phòng riêng, cũng có thể theo và hỗ trợ trẻ trong môi trường nhóm lớp, khi ở sân chơi, bể bơi hay hoạt động dã ngoại. 

Các giáo viên thường xuyên làm việc với phụ huynh để hướng dẫn lồng ghép các kỹ thuật thu hút sự tham gia của trẻ vào các hoạt động, trò chơi ở nhà, hướng tới mục tiêu can thiệp đã đặt ra cho trẻ. Các buổi làm việc chung tạo điều kiện cho phụ huynh chia sẻ thuận lợi và khó khăn trong quá trình nuôi dạy trẻ, khuyến khích cha mẹ tham gia thảo luận và lựa chọn các mục tiêu thích hợp với trẻ trong từng chu kỳ học tập, giúp cha mẹ hiểu cách khái quát hóa một mục tiêu cho trẻ thông qua nhiều tình huống hoàn cảnh, môi trường với nhiều người khác nhau để cùng nhóm giáo viên tận dụng cơ hội giúp trẻ phát triển.

2.2.3 Kết quả:

Từ tháng 2.2016 đến nay, trung tâm Sao Mai đã tổ chức thành công 10 phòng can thiệp cá nhân và tháng 2.2018 đã hình thành 2 lớp tiền hòa nhập theo chương trình ESDM cho trẻ nhỏ RLPTK từ 2-5 tuổi, có sự tham gia tích cực của phụ huynh. Các lớp tiền hòa nhập được hình thành tại Sao Mai nhằm giúp trẻ RLPTK phát triển, có đủ khả năng tham gia vui chơi và học tập được ở lớp hòa nhập theo lứa tuổi của mình một cách độc lập trong tương lai (hạn chế tối đa giáo viên hỗ trợ đi kèm)

Trong 2 năm 5 tháng, nhóm đã và đang can thiệp tổng số 61 trẻ ít nhất qua 1 chu kỳ trị liệu 3 tháng. Mỗi trẻ được lập 1 hồ sơ để theo dõi quá trình phát triển chung cũng như từng kỹ năng riêng biệt.

Sau khi tiến hành đánh giá bằng công cụ bảng kiểm chương trình, qua phân tích và xử lý dữ liệu ghi chép trong hồ sơ, qua sự thể hiện của trẻ trong sinh hoạt, vui chơi và học tập hàng ngày, qua thu thập ý kiến bằng bảng hỏi dành cho phụ huynh, 100% các trẻ đều đạt được sự tiến bộ nhất định, tuy vẫn có sự khác nhau về tốc độ phát triển nhưng chênh lệch không nhiều. Một số kỹ năng nhất định của các trẻ không chỉ vượt qua các mục được lựa chọn là mục tiêu học tập ưu tiên trong giai đoạn trị liệu ban đầu, mà đồng thời còn đạt được ở các mục khác nữa của từng kỹ năng trong cấp độ hiện tại và tiến sang cấp độ kế tiếp

Đã có 34/61 trẻ ra học hòa nhập tại các trường mầm non, mẫu giáo công lập và tư thục. Các trẻ này đã theo học chương trình ít nhất từ 1 chu kỳ (3 tháng) cho đến nhiều nhất 7 chu kỳ (21 tháng), đánh dấu bằng các kết quả tiến bộ của từng chu kỳ

Bảng 3: Thời gian tham gia trị liệu của 34 trẻ đã ra học hòa nhập

Số chu kỳ 3 tháng

1 chu kỳ

2 chu kỳ

3 chu kỳ

4 chu kỳ

6 chu kỳ

7 chu kỳ

Số học sinh

10

13

7

2

1

1

Thông qua, phỏng vấn 29/34 phụ huynh các trẻ đã ra học hòa nhập, nhận phản hồi từ cô giáo hiện tại của 21/34 trẻ, chúng tôi ghi nhận được sự phát triển các kỹ năng của các trẻ đã ra học hòa nhập có nhiều tiến bộ rõ rệt, tương đối đồng đều và ổn định về độ tập trung chú ý, khả năng tương tác, giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, kỹ năng nhận thức, kỹ năng chơi. Các trẻ giao tiếp tốt với người thân trong gia đình, hòa mình trong môi trường lớp học, chơi được với các bạn, theo kịp chương trình học ở lớp mà cần rất ít sự hỗ trợ từ phía các cô giáo, hiếm khi có hành vi không phù hợp tại nơi công cộng.

Hiện tại, 27 trẻ vẫn đang tiếp tục được trị liệu theo chương trình ESDM ở 2 lớp và các phòng học cá nhân. Lớp CTS Denver 1 có 11 trẻ đang phát triển kỹ năng ở CĐ 1 và đầu CĐ 2. Lớp CTS Denver 2 có 16 trẻ đang phát triển kỹ năng khá ổn định ở CĐ 2 và đầu hoặc giữa CĐ 3.

2.2.4 Bài học kinh nghiệm

Qua hơn 2 năm được đào tạo và áp dụng ESDM can thiệp cho 61 trẻ, chúng tôi nhận thấy đây là một mô hình can thiệp sớm hiệu quả dành cho trẻ RLPTK ở lứa tuổi nhỏ.

Dựa trên đặc điểm là mô hình can thiệp đa môi trường, đa đối tượng để mang lại tính thích nghi và tính khái quát tốt nhất cho trẻ RLPTK, việc tổ chức đồng cả hình thức học nhóm lớp kết hợp cùng với can thiệp cá nhân để hỗ trợ trẻ tối đa là cục kỳ cần thiết.

Tuy vậy, chúng tôi hiểu rằng không có phương pháp nào dù tốt nhất phù hợp cho tất cả các trẻ RLPTK, gia đình trẻ và các giáo viên trị liệu. Một can thiệp tốt cần phù hợp từ cách thức tương tác với trẻ ở mỗi gia đình, cách giao tiếp thành công của nhà trị liệu với mọi người trong nhóm, và phần nhiều phụ thuộc vào năng lực của chính trẻ. Từ việc thực hành một mô hình can thiệp nguyên gốc của Mỹ vào thực tế trẻ và gia đình trẻ Việt Nam, tuy số lượng chưa nhiều, thời gian còn ngắn, chúng tôi cũng mạnh dạn đi đến sự tổng kết ban đầu rất đáng lưu tâm về những hạn chế, bất cập đã và đang gặp phải, hy vọng có thể giúp ích ít nhiều cho các chuyên gia, các nhà trị liệu, giáo viên và sinh viên đang làm việc trong lĩnh vực này.

Phụ huynh và gia đình trẻ: Do công việc và cuộc sống, đa số phụ huynh không có nhiều thời gian dành cho việc tương tác, dạy dỗ con trong môi trường ở nhà. Các hoạt động sinh hoạt hằng ngày: dọn dẹp, ăn, uống, tắm…. ít được sử dụng làm yếu tố tiền đề cho việc học tập của trẻ, vì thế cơ hôi học tập đa môi trường, rải rác trong các khoảng thời gian bất kỳ nhiều lúc bị bỏ qua, dẫn đến khả năng khái quát hóa một mục tiêu học tập của trẻ bị hạn chế và sự phát triển không nhất quán của các kỹ năng ở trẻ.

Bên cạnh đó, đa phần phụ huynh tham gia nhiệt tình trong kỳ khám chẩn đoán, đánh giá và chu kỳ học đầu tiên của trẻ. Ở các chu kỳ tiếp theo sự gắn kết với giáo viên, nhà trị liệu có xu hướng giảm dần. Nhiều phụ huynh tin tưởng nhà trị liệu nên có tâm lý phó mặc việc can thiệp trẻ cho giáo viên

Khi thấy con có xu hướng bật lên ở một vài kỹ năng nào đó, ví dụ: trẻ bắt đầu phát âm, nói từ đơn (khi vào học chưa biết nói), có giao tiếp mắt ngắn, đạt độ tập trung chú ý tốt hơn …, một số không ít phụ huynh đã đề nghị đưa con ra học hòa nhập, không duy trì can thiệp lâu dài để hướng tới sự phát triển các kỹ năng đồng đều và ổn định.

Nhà trị liệu: Thời gian hàng ngày dành cho 1 trẻ khá nhiều, bao gồm can thiệp tập trung 1:1, can thiệp theo nhóm lớp, xử lý dữ liệu và hướng dẫn phụ huynh. Nhà trị liệu hiện đang duy trì cách thức hướng dẫn phụ huynh kỹ tại phòng trị liệu, chưa dành được khoảng thời gian nào để theo sát và hướng dẫn phụ huynh làm việc với con họ tại nhà, vì thế cũng dẫn đến sự hạn chế trong kết quả học tập của trẻ.

Nhóm liên ngành khi tham gia can thiệp cho trẻ, còn ít nhân lực ở các lĩnh vực: phân tích hành vi, trị liệu tâm lý, bác sỹ chuyên khoa thần kinh…., nên nhà trị liệu chính đôi khi phải đảm nhận cùng một lúc nhiều vai trò hoặc các nhân lực nói trên phải làm việc với cùng một lúc nhiều trẻ, vì thế hiệu quả phần nào cũng bị ảnh hưởng

Bảng kiểm chương trình giảng dạy ESDM: Khi thực hành giảng dạy dựa vào các mục trong bảng kiểm, chúng tôi nhận thấy một số mục thuộc kỹ năng tự lập không thực sự phù hợp với trẻ Việt Nam hoặc một số mục thuộc kỹ năng giao tiếp diễn đạt về mặt cú pháp chưa tìm được nội dung thay thế tương đồng, có thể kê ra một số ví dụ như sau:

Mục - CĐ

Nội dung mục

Nhận xét

2 – CĐ1

(KNTL)

Ăn bữa chính một cách độc lập (Mô tả: Người lớn dọn đồ ăn ra nhưng không trợ giúp gì)

Rất khó đối với trẻ 12-18 tháng tuổi

4 – CĐ1

(KNTL)

Sử dụng dĩa

Không phải là dụng cụ ăn phù hợp với  người Việt

13 – CĐ1

(KNTL)

Lau khô người bằng khăn tắm (Mô tả: sử dụng khăn lau khô hầu hết cơ thể - có thể gợi ý)

Rất khó đối với trẻ 12-18 tháng tuổi

6 – CĐ2

(KNTL)

Ăn uống và cư xử một cách phù hợp ở cửa hàng ăn (Mô tả: Trẻ tham gia tất cả các bước: chờ đợi, yêu cầu món, mang đến, ngồi, ăn, dọn đi và rời khỏi mà không cần nhắc nhở. Trẻ ngồi cho đến tận khi kết thúc. Trẻ vui vẻ đi cùng người lớn ra cửa, không cần giữ tay)

Theo báo cáo của phụ huynh: Mục tiêu này không thể thực hiện được với trẻ 18-24 tháng

7 – CĐ4

(KNTL)

Tự mặc quần áo một cách nhanh chóng: Cài khuy, kéo khóa 

Tương đối khó với trẻ 36-48 tháng tuổi

13 – CĐ4

(GTDĐ)

Sử dụng các mạo từ như “a, an, the”

Không có trong ngữ pháp Việt Nam

2.3 Giải pháp:

(1) Mở rộng đào tạo đội ngũ giáo viên có hiểu biết và kỹ năng làm việc theo ESDM cả hình thức cá nhân và nhóm lớp bằng hình thức tập huấn, chia sẻ lại để giảm thiểu kinh phí tối đa (thực tế Sao Mai đã chi phí khoảng 60 triệu/1 giáo viên theo học trở thành trị liệu viên ESDM)

(2) Phụ huynh cần cam kết cho con theo học tối thiểu 3-4 chu kỳ để có sự tiến triển đồng đều các kỹ năng, trừ các trường hợp phát triển đặc biệt có thể ra học hòa nhập sớm hơn theo sự đánh giá của nhóm can thiệp

(3) Hướng dẫn phụ huynh quay video ngắn 10-15 phút các hoạt động cùng trẻ tại nhà để nhà trị liệu kịp thời tư vấn về kỹ thuật, cách phát triển mục tiêu…

(4) Các chuyên gia phối hợp nghiên cứu để chỉnh sửa lại một số nội dung trong giáo trình ESDM cho phù hợp với phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn hóa và sự phát triển của trẻ Việt Nam

3. Kết luận

Trẻ RLPTK rất cần trải qua một giai đoạn giáo dục chuyên biệt tích cực và phù hợp với đặc điểm phát triển các kỹ năng của từng cá thể trẻ. Giai đoạn can thiệp này được xem như là giai đoạn xây nền móng vững chắc để trẻ bước vào giáo dục hòa nhập một cách tương đối độc lập. ESDM là một chương trình đáp ứng được nhiều tiêu chí khi làm việc với trẻ nhỏ RLPTK và chứng tỏ được tính hiệu quả như: trẻ hợp tác vui vẻ, thích thú học tập, tiến bộ nhanh, phát triển đồng đều các kỹ năng then chốt.

Trong khi chờ các nghiên cứu và sự đổi mới tiếp theo của mô hình này, chúng tôi hy vọng rằng các bậc cha mẹ, các nhà can thiệp sớm, các giáo viên giáo dục đặc biệt cho trẻ nhỏ, các nhà hoạt động trị liệu, các giáo viên trị liệu ngôn ngữ và các tâm lý … sẽ thấy nó hữu ích trong công việc can thiệp sớm trẻ RLPTK.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1.     Sally J.Rogers and Geraldine Dawson (2010). Early Start Denver Model for Young Children with Autism.  The Guilford Press New York, [1] Page 14 [2] Page 33 [3] Page 17 [4] Page 271 [5] Page 27-28 [6] Page 28
  2. American Psychiatric Association (2012), Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, fitth edition – DSM V, http://dsm.psychiatryonline.org
    1. University of Pennsylvania School of Medicine. "High quality early intervention for children with autism quickly results in costs savings." ScienceDaily. ScienceDaily, 8 August 2017. <www.sciencedaily.com/releases/2017/08/170808074253.htm>.
    2. Geraldine Dawson, Sally Rogers, Jeffrey Munson, Milani Smith, Jamie Winter, Jessica Greenson, Amy Donaldson, Jennifer Varley (2010). Randomized, Controlled Trial of an Intervention for Toddlers With Autism: The Early Start Denver Model. Pediatrics. January 2010, VOLUME 125 / ISSUE 1. From the American Academy of Pediatrics. Article
    3. Nguồn tài liệu từ Website  http://www.ucdmc.ucdavis.edu/mindinstitute/research/esdm/
    4. Nguồn tài liệu từ Website  http://www.autismspeaks.org

 


 


Tin khác

Video
Cách nhận biết trẻ tự kỷ
phim tài liệu nhận thức về trẻ tự kỷ
Vì sao trẻ bị tự kỷ?
Kỷ niệm 20 năm thành lập trung tâm Sao Mai
Bản đồ